Quốc tế

Thỏa thuận đối tác chiến lược mới sẽ tăng cường quan hệ giữa Nga và Iran như thế nào?

Mỹ Nga 17/01/2025 15:51

Ngày 17/1, trong chuyến thăm chính thức Nga của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, Moskvavà Tehran sẽ ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tài liệu bao gồm các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, khoa học, năng lượng, quốc phòng và văn hóa.

capture(2).jpg
Tổng thống Nga và Tổng thống Iran: Vladimir Putin và Masoud Pezeshkian. Ảnh: Điện Kremlin

Đài RT cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Moskva của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, Nga và Iran sẽ ký Hiệp ước liên quốc gia về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

“Việc ký kết thỏa thuận này là một phần rất quan trọng trong chuyến thăm của ông Pezeshkian, đối với chúng tôi đây là một sự kiện rất quan trọng, chúng tôi rất coi trọng nó. Thỏa thuận này thực sự sẽ được ký kết và các nhà lãnh đạo cũng sẽ đưa ra tuyên bố với giới truyền thông” - Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov trước đó cho biết.

Và trong một bình luận với hãng thông tấn Nhà nước IRNA của Iran, ông Peskov đã thu hút sự chú ý đến thực tế là thỏa thuận sẽ không nhằm vào các nước thứ ba.

Phát ngôn viên Điện Kremlin nêu rõ: “Thỏa thuận sẽ đáp ứng nguyện vọng của người dân hai quốc gia láng giềng thân thiện - Nga và Iran, sự tương tác giữa hai nước không nhằm vào lợi ích của bất kỳ ai”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đưa ra tuyên bố tương tự: “Thỏa thuận này, giống như Hiệp định về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên, không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào, nhưng mang tính chất mang tính xây dựng và nhằm tăng cường khả năng của Nga, Iran và của bạn bè chúng tôi trên khắp thế giới, để cùng nhau phát triển kinh tế tốt hơn, giải quyết các vấn đề xã hội và đảm bảo khả năng phòng thủ một cách đáng tin cậy”.

Việc chuẩn bị một thỏa thuận song phương mới cần mất vài năm. Nó nhằm mục đích cập nhật và bổ sung thỏa thuận hiện có về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ và hợp tác giữa Nga và Cộng hòa Hồi giáo Iran, được ký kết vào năm 2001.

Theo Đại sứ Iran tại Liên bang Nga Kazem Jalali, tài liệu mới gồm 47 điều và được ký kết trong thời hạn 20 năm. Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh rằng thỏa thuận này bao gồm tất cả các khía cạnh hợp tác giữa hai nước. Iran đặc biệt quan tâm đến kinh tế, khoa học và công nghệ cũng như văn hóa và du lịch.

Trong lĩnh vực kinh tế, một trong trọng tâm sẽ là triển khai dự án hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam. Theo ghi nhận trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, tổng chiều dài của tuyến đường này là 7.200 km (từ St. Petersburg đến cảng Mumbai). Nó được tạo ra nhằm thu hút các luồng hàng hóa từ Ấn Độ, Iran và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư khác đến lãnh thổ Nga thông qua Biển Caspian, với khả năng vận chuyển tiếp theo đến Bắc và Tây Âu.

Trong khu vực Biển Caspian, hành lang chạy dọc theo ba nhánh: xuyên Caspian, phía tây (qua Azerbaijan) và phía đông (qua Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan).

Theo giới quan sát, việc phát triển dự án này sẽ rút ngắn các tuyến đường hậu cần và đơn giản hóa việc vận chuyển. Đây là hành lang rất quan trọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, giảm chi phí và thời gian.

Nhà phương Đông học và chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, Elena Suponina, gọi việc phát triển hành lang Bắc-Nam là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai nước.

“Dự án này đã được thảo luận trong nhiều năm và cuối cùng đã được tiến hành. Bằng chứng cho điều này là sự thành công trong việc xây dựng một đoạn đường sắt ở Iran, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia và đầu tư của Nga. Cần phải tính đến việc Iran và Nga đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, điều này làm phức tạp thêm sự phát triển của tuyến đường này” – chuyên gia Suponina cho biết.

Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Nga và Iran đã tăng 15%. Theo Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi, thỏa thuận mới sẽ củng cố xu hướng tích cực.

Ông Araqchi cho biết tài liệu này cũng sẽ nêu rõ sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

“Iran và Nga, với tư cách là hai cường quốc trong ngành dầu khí, có thể hợp tác với nhau trong việc sản xuất, truyền tải và xuất khẩu năng lượng. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo từ Nga sang Iran là một trong những hướng quan trọng của thỏa thuận này”, ông Araqchi nói.

Mỹ Nga