Quốc phòng

Đặng Đình Hồ - Người anh hùng dũng cảm của chiến trường Điện Biên

P.V 23/04/2024 15:48

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đình Hồ sinh năm 1923, quê ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Đặng Đình Hồ phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Năm 1950, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã lên đường đi chiến đấu. Từ ngày vào bộ đội, ông rất hăng hái, dũng cảm, trưởng thành từ chiến sĩ xung kích lên cán bộ trung đội. Đặng Đình Hồ có tác phong linh hoạt, táo bạo trong chiến đấu, đã nổ súng là kiên quyết xông lên tiêu diệt địch, dù bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu.

Ngày 7-5-1956, đồng chí Đặng Đình Hồ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh tư liệu
Ngày 7-5-1956, đồng chí Đặng Đình Hồ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh tư liệu

Trước khi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đặng Đình Hồ đã tham gia chiến đấu tại Đồi Mồi, Lạc Quần trong chiến dịch Hòa Bình, Tuy Lộc Thượng, Vạn Lại trong chiến dịch Hà – Nam – Ninh...

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, với tư cách là Tiểu đoàn phó, thuộc đơn vị D418, E57, F304, ông đã chỉ huy đơn vị triển khai lối đánh táo bạo: “nhanh như sóc, mạnh như hổ và thọc sâu chia cắt làm cho quân địch khiếp sợ”.

Từ đêm 23-3-1954, giao thông hào và chiến hào của Trung đoàn 57 đã hình thành một trận địa liên hoàn siết chặt quanh Hồng Cúm, cắt rời cứ điểm này với phân khu trung tâm, chấm dứt việc hạ cánh của máy bay trên đường băng tại đây. Quân Pháp nhiều lần định đánh ra đều bị quân ta đánh bật trở lại. Trừ việc chi viện bằng hỏa lực từ xa cho khu trung tâm, những hoạt động khác bằng bộ binh, cơ giới của địch tại Hồng Cúm đều bị loại trừ.

Ngày 30-4-1954, Đại đội 60 của đồng chí Đặng Đình Hồ nhận nhiệm vụ đánh vào mũi chính Hồng Cúm khu C, đơn vị được vinh dự nhận lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của trung đoàn trao.

Đúng nửa đêm 1-5-1954, cơn mưa đạn pháo đồng loạt trút xuống Hồng Cúm. Các trận địa pháo, các cỡ hỏa lực của đại đoàn tập trung bắn mãnh liệt vào khu sở chỉ huy và khu pháo binh Hồng Cúm. Tiểu đoàn 418 chia làm hai mũi mở cuộc tấn công vào khu C, mũi chính do Đại đội 60 phụ trách đánh vào phía Đông Bắc, mũi phụ đánh vào phía Đông Nam.

Trung đội phó Đặng Đình Hồ cùng các chiến sĩ gan dạ, dũng cảm bí mật bám sát hàng rào, phá dây kẽm gai đánh bộc phá mở cửa vào, dùng súng ĐKZ bắn sập hai ụ đại liên. Trong khi đó, trung đội bộc phá của đơn vị bạn đánh mấy chục quả bộc phá nhưng không mở xong cửa đột phá, do bãi dây thép gai quá dày, cửa đột phá mở hơi lệch hướng. Hỏa lực của quân Pháp lúc này tập trung bắn vào hướng cửa mở nhằm bịt đường tiến của ta. Nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn 418 đã anh dũng hy sinh. Không chùn bước, người trước ngã người sau tiến, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi.

Trước tình hình đó, Trung đội phó Đặng Đình Hồ đề nghị đại đội xin lên đánh thay nhưng bộc phá hết, phải chờ. Mặc dù bị thương nhưng đồng chí vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị. Khi bộc phá được đưa lên, đồng chí Đặng Đình Hồ chỉ huy đồng đội đánh cửa mở, phá các lớp rào dây thép gai, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên, đánh thẳng vào tung thâm. Tinh thần chiến đấu của đồng chí Đặng Đình Hồ góp phần cổ vũ toàn đơn vị hăng hái chiến đấu, đến hai giờ sáng quân ta chiếm gần hết khu C, tiêu diệt hơn 30 tên địch. Số địch còn lại rút vào cố thủ trong các ụ súng và chiến hào cuối cùng dọc bờ sông. Đúng 24 giờ ngày 7-5-1954, quân ta đã bắt được toàn bộ quân Pháp ở Hồng Cúm.

Trong trận đánh tại Đồi C1, mặc dù đã bị thương, nhưng ông vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị, chờ bộc phá đưa lên mở được cửa hầm mới chịu để anh em đưa ra ngoài.

Ngoài tinh thần chiến đấu hăng say, lập công xuất sắc, Đặng Đình Hồ còn rất chịu khó học tập, rèn luyện. Bị thương, hỏng mắt phải và tay phải yếu, ông đã kiên trì tập bắn bằng tay trái và bắn rất giỏi.

Với những chiến công xuất sắc đó, ông đã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 7 lần được Tiểu đoàn, Trung đoàn, Đại đoàn khen ngợi và là Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn.

Ngày 7 tháng 5 năm 1956, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

P.V