Kinh tế

Trao sinh kế, tạo động lực cho đồng bào miền núi Nghệ An

Thu Huyền 18/01/2025 08:58

Những ngày này, không khí tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị đón chào năm mới tràn khắp mọi miền quê. Nhiều bản làng thay da đổi thịt, không ít gia đình vùng đồng bào miền núi đã khởi nghiệp thành công nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ tín dụng chính sách...

Tạo nguồn sinh kế bền vững cho người trẻ

Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, lên với xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, đi trên những con đường mới vào bản, có thể cảm nhận rõ niềm vui, những đổi thay rõ nét trong đời sống của của người dân vùng cao. Những đổi thay đến từ hiệu quả của các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và từ chính nội lực của người dân.

Chúng tôi tìm đến bản Mánh, trước mắt là những sườn đồi bạt ngàn cây ăn quả, là rừng keo lai. Cuộc sống đồng bào đã đổi thay nhiều so với chục năm trước. Đó là thành quả của sự nỗ lực của đồng bào Thái quần tụ ven dãy núi Pu Súng nơi đây.

Chị Vi Thị May Xúng chăm sóc vườn cây. Ảnh- Thu Huyền
Chị Vi Thị May Xúng chăm sóc vườn cây. Ảnh: TH

Chị Vi Thị May Xúng cùng chồng là anh Lô Văn Dân tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, sạch sẽ giữa ngút ngàn xanh của quýt, keo lai. Chị Xúng cho biết: Năm 2016, gia đình vay 30 triệu đồng hộ nghèo mua bò sinh sản. Chăn nuôi phát triển, trả được nợ ngân hàng, năm 2019, anh chị thoát nghèo và vay thêm 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để chăn nuôi bò sinh sản. Tiếp đó, gia đình chị vay chương trình máy tính 20 triệu đồng cho 2 cháu đi học. Người siêng không cho đất nghỉ, năm 2023, anh chị tiếp tục vay chương trình hộ cận nghèo thêm 30 triệu đồng để trồng keo.

Chị Xúng chia sẻ: Muốn đủ cái ăn, muốn đi lên chỉ còn cách nhìn vào đất rừng, phát triển chăn nuôi. Sau thời gian tập trung chăn nuôi, đàn bò phát triển, gia đình bán trả bớt nợ ngân hàng, hiện đang còn 14 con bò. Ngoài ra, gia đình hiện có 18 ha keo nguyên liệu sắp đến kỳ thu hoạch, hiện cũng phát triển rất tốt.

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ở xã Bắc Sơn có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nguồn vốn vay ưu đãi đã mở ra cơ hội quý giá cho những người trẻ, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ khởi nghiệp và phát triển sinh kế bền vững.

Chị Y No giới thiệu khách du lịch đến thăm quan vườn đào tại Mường Lống
Chị Y No giới thiệu khách du lịch đến thăm quan vườn đào tại xã Mường Lống. Ảnh CSCC

Ở xã Mường Lống, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, nhiều người biết đến gia đình chị Vừ Y No, sinh năm 1994, hiện sống tại bản Mường Lống 1, người đã khởi nghiệp thành công từ mô hình “chăn nuôi gà đen kết hợp kinh doanh và phát triển du lịch”. Chị No không chỉ thay đổi cuộc sống gia đình mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ thanh niên 9X.

Năm 2020, chị No vay Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ số vốn này, gia đình chị nuôi giống gà đen bản địa, trang bị máy ấp trứng, máy phát điện để xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen an toàn sinh học; mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bản.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại địa phương, năm 2021, vợ chồng chị Y No đã sửa sang lại căn nhà và mở thêm dịch vụ homestay phục vụ du khách. Ngôi nhà của chị trở thành điểm đến hút khách trải nghiệm văn hóa, phong tục người Mông và các sản phẩm ẩm thực đặc sắc từ gà đen.

Bằng sự nỗ lực, năng động, chị Y No đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích; Đến cuối năm 2024, chị đã trả hết nợ ngân hàng, thoát khỏi hộ cận nghèo và vươn lên thành hộ khá.

Tiếp tục đột phá từ vốn tín dụng

Những ngày giáp Tết, không khí tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị đón chào năm mới khắp mọi miền quê. Trở lại huyện Tân Kỳ, làng trên, xóm dưới chộn rộn với việc trồng keo giống phục vụ trồng cây đầu năm, với những mẻ mật mía thơm ngọt… Niềm vui được mùa, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt của mỗi người dân báo hiệu một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc lại về.

mật mía ở Tân Hương, Tân Kỳ
Gia đình anh Nguyễn Duy Đức ở xóm Châu Nam, xã Tân Hương đang tất bật kéo mía phục vụ thị trường cuối năm. Ảnh: T.H

Ở xóm Châu Nam, xã Tân Hương, gia đình anh Nguyễn Duy Đức tất bật với những mẻ mật mía. Anh cho hay, cuối năm 2020, anh vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 40 triệu đồng để sản xuất mật mía. Nguồn vốn vay được phát huy hiệu quả với nghề truyền thống. Những ngày cuối năm, lò rực lửa, những mẻ mật mía sánh mịn phục vụ nhu cầu thị trường gần xa.

Cũng ở xã Tân Hương, gia đình anh Nguyễn Như Kiên ở xóm Tân Minh vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 9 triệu đồng, từ tháng 8/2021 để sản xuất giống keo. Nhờ kinh nghiệm trong trồng trọt, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá.

trồng keo giống ở tân hương, Tân Kỳ
Gia đình anh Nguyễn Như Kiên ở xóm Tân Minh, xã Tân Hương trồng keo giống phát triển kinh tế gia đình từ vốn tín dụng chính sách. Ảnh: T.H

Tân Kỳ là 1 trong 11 huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 90 km, mang diện mạo nông thôn khởi sắc, với những đổi thay nhờ hệ thống đường sá được mở rộng, bê tông hóa, rải nhựa phẳng lì, thuận tiện lưu thông; hàng loạt nhà ở của dân được xây dựng khang trang; đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc được nâng lên, hộ khá, giàu ngày càng nhiều….

Vì sao vùng miền núi khởi sắc nhanh chóng? Nguyên nhân làm nên sự đổi thay thì có nhiều, nhưng không thể không kể đến tín dụng chính sách xã hội. Đây chính là động lực đánh thức khát vọng, ý chí thoát nghèo của nhiều người dân ở nơi gian khó thuộc miền Tây xứ Nghệ.

Riêng ở huyện Tân Kỳ, vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện thuận tiện hỗ trợ 35.280 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp 3.252 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho 2.250 lao động, giúp 8.649 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo 9.393 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn; sửa chữa, làm nhà ở kiên cố cho nhiều hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn.

Trang trại anh Lô Văn Môn ở Châu Khê, Con Cuông ảnh Thu Huyền
Trang trại của anh Lô Văn Môn ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: T.H

Kết quả đạt được của các địa phương, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc, thì còn có phần đóng góp quan trọng, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn; đã tập trung huy động được nguồn lực tài chính lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ông Trần Khắc Hùng cho biết: Điểm nổi bật thời gian qua là đã tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến làng, xã cùng với việc tập trung huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn giao cho Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài việc được cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi, bà con còn được tư vấn, tham gia các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Việc lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống.

Đến nay, hơn 13.000 tỷ đồng vốn chính sách đó đã được cán bộ tín dụng chính sách chuyển tải nhanh chóng, đến đúng các đối tượng thụ hưởng và đầu tư trực tiếp tới 74.907 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống làng, xã, bất kể ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là một nỗ lực lớn, thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy và chính quyền trong việc phát triển kinh tế.

Thu Huyền