Quốc tế

Ông Putin ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt tới Iran

Hoàng Bách 18/01/2025 16:33

Nhà lãnh đạo Nga cho biết, công suất của đường ống này có thể đạt tới 55 tỷ mét khối mỗi năm.

678b541585f54069d0144d8a.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Điện Kremlin ở Moskva, Nga, ngày 17/1. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tới Iran, có thể cung cấp tới 55 tỷ mét khối khí mỗi năm cho Cộng hòa Hồi giáo này. Trao đổi với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 17/1,ông Putin thừa nhận có những thách thức, nhưng cho biết dự án đang tiến triển.

Dự án đường ống này là một phần của thỏa thuận chiến lược quy mô hơn hơn giữa Nga và Iran được ký vào ngày 17/1, cũng như bản ghi nhớ được ký bởi tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom và Công ty Khí quốc gia Iran vào tháng 6/2024, nhằm tạo điều kiện cho việc cung cấp khí đốt Nga cho Cộng hòa Hồi giáo.

"Luôn có những khó khăn trong việc phối hợp và định giá, các vấn đề kỹ thuật… nhưng công việc đang tiến triển. Dự án đang trong quá trình thực hiện", Tổng thống Nga Putin nói khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về đường ống này.

"Về khối lượng cung cấp khả thi, chúng tôi tin rằng, cần bắt đầu từ khối lượng nhỏ, khoảng 2 tỷ mét khối, nhưng về lâu dài có thể đạt tới 55 tỷ mét khối khí mỗi năm".

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Tsivilev, đường ống này sẽ đi qua Azerbaijan, với lộ trình đã được xác định. Phát biểu với các phóng viên vào ngày 17/1, ông cho biết, Moskva và Tehran hiện đang hoàn thiện các chi tiết, chẳng hạn như định giá cho các nguồn cung ứng trong tương lai.

"Khối lượng đã được phê duyệt. Nhưng giá cả luôn là vấn đề thương mại, cần tìm kiếm một sự thỏa hiệp, vì vậy, các nhóm công tác đã được thành lập từ cả hai phía, và các chuyên gia đang phát triển phương pháp định giá", ông cho biết.

Mặc dù Iran sản xuất khoảng 270 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, sau Nga, song nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước do tiêu thụ cao và đầu tư thiếu hụt, một phần do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Với dân số khoảng 89 triệu người, Iran có mức sử dụng khí đốt nội địa thuộc hàng cao nhất thế giới.

Dự án đường ống dẫn khí này sẽ phù hợp với kế hoạch của Tehran nhằm thành lập một trung tâm khí đốt quốc tế phối hợp với Nga, Qatar và Turkmenistan, được công bố vào năm 2023. Theo các điều khoản của bản ghi nhớ với Gazprom, Iran sẽ có thể bán lại lượng khí nhập khẩu dư thừa cho các nước khác, dự kiến sẽ mang lại cho Cộng hòa Hồi giáo khoảng 10-12 tỷ USD mỗi năm.

Tại cuộc họp báo, ông Putin cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với Iran trong lĩnh vực năng lượng ngoài khí đốt tự nhiên, đề cập đến "một lĩnh vực hợp tác khả thi trong ngành dầu mỏ" và một dự án trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đang được tiến hành.

Hoàng Bách