Kinh tế

Nhân giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Thanh Chương

Mai Hoa 19/01/2025 11:14

Nhiều nhà nông ở huyện Thanh Chương mạnh dạn tìm tòi phương thức sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Qua đánh giá cho thấy, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi phù hợp ở huyện miền núi trung du này.

 Lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình cam hữu cơ của Trang trại cam Tập Lam. Ảnh- CSCC
Lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình cam hữu cơ của Trang trại cam Tập Lam. Ảnh: CSCC

Những nông dân dám thay đổi

Đến huyện Thanh Chương vào đúng mùa cam chín rộ. Tại Trang trại cam hữu cơ Tập Lam (ở xóm Sướn, xã Thanh Đức), đang thu hái vụ cam hữu cơ chín vàng. Một người nông dân làm công tại vườn chia sẻ: "Tôi gắn bó với vườn cam này lâu năm, chứng kiến từng cây trưởng thành, ra hoa, kết trái là bao công sức khó nhọc của cả chủ vườn và người làm công như chúng tôi. Bởi để làm cam hữu cơ, ngoài chi phí bỏ ra lớn gấp hơn hai lần so sản xuất truyền thống, thì công sức bỏ ra cũng lớn hơn, tỉ mẩn theo sát từng gốc cam, làm cỏ bằng thủ công, chứ không dùng thuốc diệt cỏ”.

Từ công nhân nông trường, gắn bó với cây chè, năm 2017, anh Trang Ngọc Tập mạnh dạn nhận khoán 5ha đất hoang hóa để trồng cam. Bước sang năm thứ 3, anh Tập bắt đầu nghiên cứu thay đổi quy trình sản xuất hữu cơ, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với 5 ha cam ở 7 năm tuổi, anh Tập còn trồng thêm 5 ha cam, nay đã 4 năm tuổi và được áp dụng sản xuất hữu cơ ngay từ đầu.

 1
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương và lãnh đạo xã Thanh Đức tham quan Trang trại cam Tập Lam. Ảnh: Mai Hoa

Sau 3 năm kiên trì áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, từ việc sử dụng nguồn nước sạch tưới cho cây trồng, đến việc sử dụng phân bón và chế phẩm phun cho cây hoàn toàn bằng hữu cơ; vào tháng 9/2024 vừa qua, trang trại cam Tập Lam với 10ha của gia đình anh Tập đã được Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định quốc tế ISOCERT kiểm nghiệm, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo quy định.

Anh Trang Ngọc Tập cho biết thêm: Khi được công nhận sản phẩm cam hữu cơ, với sự hỗ trợ của địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam hữu cơ, giá trị sản phẩm đã tăng lên, từ 30 nghìn đồng (năm 2023) nay tăng lên 45 – 55 nghìn đồng/kg và thị trường được mở rộng hơn với các đại lý ở thành phố Vinh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Dự kiến 5 ha cho thu hoạch đại trà cộng với 5 ha cho quả bói, vụ cam năm nay trang trại đạt doanh thu khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng, lãi hơn 1 tỷ đồng.

 Ngọc Hường 4
Lãnh đạo huyện Thanh Chương tham quan mô hình nông trại cam Ngọc Hường, ở xóm Khe Trảy, xã Thanh Đức. Ảnh: Mai Hoa

Cùng ở xã Thanh Đức, nông trại cam Ngọc Hường ở xóm Khe Trảy, năm nay đã bước sang năm thứ 2 được công nhận đạt tiêu chuẩn cam hữu cơ. Chị Nguyễn Thị Hường - chủ Nông trại cam Ngọc Hường chia sẻ: "Năm nay, dù sản lượng cam đạt thấp hơn và chi phí đầu tư cũng cao hơn, nhưng bù lại, giá bán có tăng hơn, từ 40 – 60 nghìn đồng/kg, nay lên 45-70 nghìn đồng/kg bán tại vườn; doanh thu đạt khoảng hơn 1,5 tỷ đồng".

Trước đó, năm 2022, trang trại cam bác sĩ Khánh gồm 5 ha, sản lượng đạt khoảng 70 tấn quả, ở xóm Sướn, xã Thanh Đức cũng sản xuất và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam quy định. Trên đồng đất Thanh Chương hiện nay, các mô hình bưởi ở xã Thanh Mỹ, Thanh Thịnh và chè Thanh Đức cũng đang áp dụng phương thức canh tác hữu cơ.

 Nông nghiệp
Các mô hình sản xuất nông nghiệp đang được nhân rộng ở huyện Thanh Chương. Ảnh Mai Hoa

Tại xã Thanh Liên, theo chia sẻ của đồng chí Phan Bá Ngọc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: "Địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân áp dụng sản xuất hữu cơ đối với gần 40 ha bưởi diễn và chăn nuôi gà cỏ Thanh Chương với quy mô hơn 10.000 con/lứa nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn".

Đồng chí Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: Những mô hình, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay trên đồng đất Thanh Chương được gắn với những tấm gương nông dân dám thay đổi và thu được nhiều thành công. Bởi để làm được sản phẩm hữu cơ đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu và sức lao động lớn, nghiêm ngặt về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phải tính toán được chuẩn các hàm lượng, các chất dinh dưỡng có trong phân bón hữu cơ để bón cân đối.

Song sự vất vả, khó khăn đó đều được đền đáp, khi các mô hình, sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận hữu cơ đều được người tiêu dùng tin tưởng, đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, giúp những nông dân tham gia trực tiếp sản xuất có sức khỏe tốt và tạo môi trường sinh thái an toàn.

Chuyển đổi đất làm màu sang trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả cao với hàng chục héc ta tại xã Thanh Liên đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân áp dụng sản xuất hữu cơ đối với gần 40 ha bưởi diễn
Xã Thanh Liên đang áp dụng sản xuất hữu cơ đối với gần 40 ha bưởi. Ảnh: Mai Hoa

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Từ những mô hình, sản phẩm đã đạt chứng nhận hữu cơ đã góp phần khẳng định hướng đi phù hợp ở huyện miền núi trung du Thanh Chương.

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Để có kết quả bước đầu này là quá trình chỉ đạo, thực hiện bài bản, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể thực trạng sản xuất nông nghiệp của huyện, những tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, hạn chế. Các nghiên cứu định hướng xu thế phát triển nông nghiệp theo xu hướng tiêu dùng. Huyện tổ chức các đoàn tham quan, học tập một số tỉnh bạn để triển khai mô hình. UBND huyện đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nghị quyết và đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn huyện; trọng tâm được xác định là cây chè, cam, bưởi".

 Cây sâm Thổ Hào là một cây trồng mới được khôi phục trồng đem lại giá trị ở huyện Thanh Chương. Ảnh- Mai Hoa
Cây sâm Thổ Hào là cây trồng mới được khôi phục đem lại giá trị ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ khẳng định bước tiếp trong phát triển nông nghiệp ở Thanh Chương, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích cam hiện có là hơn 460 ha, gần 350 ha bưởi các loại và hơn 4.800 ha chè. Trên nền diện tích các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đó, huyện tiếp tục chuyển đổi phương thức canh tác, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị để tạo ra chất lượng sản phẩm tốt cung ứng cho thị trường.

Theo trao đổi của Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, số lượng sản phẩm nông nghiệp đã được các tổ chức kiểm nghiệm, đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn huyện còn ít, mới chỉ có 30 ha cam. Đây là điều huyện đang trăn trở và tiếp tục đặt ra quyết tâm, kiên trì chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Thanh Chương. Từ đó, cung ứng cho thị trường sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người nông dân; góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới bền vững.

 Huỵện Thanh Chương hiện có hơn 4.800 ha chè được định hướng chuyển sang sản xuất hữu cơ. Ảnh- Mai Hoa
Huyện Thanh Chương hiện có hơn 4.800 ha chè được định hướng chuyển sang sản xuất hữu cơ. Ảnh: Mai Hoa

Mai Hoa