Rút tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công, ông Táo?
Rút tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công, ông Táo? Khi cúng lễ gia tiên và các vị thần, việc lau dọn bàn thờ, rút chân nhang (tỉa chân nhang),… là việc làm không thể thiếu. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết thời điểm nên rút chân nhang là khi nào? Liệu nên tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công, ông Táo?
1. Rút tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công, ông Táo?
Trong những ngày cuối năm, các gia đình thường lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân nhang của năm cũ để loại bỏ những điều không may, không tốt của năm cũ cũng như bày tỏ lòng thành kính biết ơn với tổ tiên, các vị thần linh.
1.1 Tại sao cần tỉa chân nhang?
Sau một năm thờ cúng, thắp hương, số lượng chân nhang sẽ nhiều lên khiến bát hương bị đầy, dẫn đến việc khó thắp hương bái thỉnh cho năm sau. Bát hương trong đời sống tâm linh của người Việt có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, nếu không có việc gì bắt buộc thì mọi người thường không động vào bát hương.
Khi lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương, người ta chỉ rút chân hương hoặc tỉa chân nhang và lau dọn 4 phía bên ngoài bát hương chứ không bê cả bát hương xuống để dọn dẹp.
1.2 Tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công, ông Táo?
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, gia chủ cần thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo, trước khi làm thủ tục rút tỉa chân nhang, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Gia chủ thắp hương xin phép tổ tiên, các vị thần trước khi tiến hành rút tỉa chân hương, lau dọn bàn thờ. Sau khi hoàn tất việc dọn dẹp, gia chủ cần thắp hương cẩn báo mời quan thần linh và gia tiên trở về.
1.3 Khung giờ vàng và các tuổi hợp để bao sái và rút tỉa chân nhang
- Ngày 20/12 âm lịch (tức 19/1/2025 dương lịch): Cúng ông Công ông Táo từ 5h10 - 6h50; bao sái và rút tỉa chân nhang tiến hành từ 7h10 - 8h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
- Ngày 21/12 âm lịch (tức 20/1/2025 dương lịch): Cúng ông Công ông Táo từ 7h10 - 8h50; bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu từ 9h10 - 10h50 hoặc từ 15h10 - 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi
- Ngày 22/12 âm lịch (tức 21/1/2025 dương lịch): Cúng ông Công ông Táo từ 7h10 - 8h50; bao sái và rút tỉa chân nhang tiến hành từ 9h10 - 10h50 hoặc từ 13h10 - 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
- Ngày 23/12 âm lịch (tức 22/1/2025 dương lịch): Cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 5h10 - 6h50; bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu từ 7h10 - 8h50 hoặc từ 13h10 - 14h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
- Ngày 24/12 âm lịch (tức 23/1/2025 dương lịch): Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 7h10 - 8h50 hoặc từ 9h10 - 10h50; chiều từ 15h10 - 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi
- Ngày 25/12 âm lịch (tức 24/1/2025 dương lịch): Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu từ 7h10 - 8h50 hoặc từ 15h10 - 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
- Ngày 26/12 âm lịch (tức 24/1/2025): Bao sái và rút tỉa chân nhang tiến hành từ 5h10 - 6h50 hoặc từ 15h10 - 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
- Ngày 27/12 âm lịch (tức ngày 26/1/2025) là ngày đại xung của tháng Đinh Sửu (tháng 12 âm năm nay) nên không thể tiến hành làm các nghi lễ tâm linh quan trọng
- Ngày 28/12 âm lịch (tức 27/1/2025): Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu từ 7h10 - 8h50 hoặc từ 9h10 - 10h50, 13h10 - 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
2. Những điều lưu ý khi tỉa chân nhang
Khi động đến “bát hương”, gia chủ luôn cố gắng hết sức để thực hiện các hành động chuẩn chỉ để không bị “phạm”.
Việc tỉa chân nhang thể hiện sự thành tâm của gia chủ, do đó, cần lưu ý một số điều sau:
Bát hương là vị trí phải an vị, tĩnh tại, không được xê dịch. Vì thế, trong trường hợp bắt buộc phải xê dịch, gia chủ phải tiến hành làm lễ xin xê dịch và sau đó xin an vị.
Khi tỉa chân nhang, một tay gia chủ phải giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút từng chân nhang ra khỏi bát hương. Nếu gia chủ là nam nhân thì để lại 7 – 17 – 27 hoặc 37 chân nhang. Nếu gia chủ là nữ nhân thì để lại 9 – 19 – 29 hoặc 39 chân nhang.
Chân hương sau khi rút sẽ mang đi hóa tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây sân vườn nhà, tuyệt đối không vứt ra rác.
3. Văn khấn trước khi rút chân nhang
Nam Mô A Di Đà Phật,
Nam Mô A Di Đà Phật,
Nam Mô A Di Đà Phật.
Tín con chủ tên là.. Ngụ tại địa chỉ...
Hôm nay ngày... tháng... năm... tín chủ con tự xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án có chút bụi bẩn, có chút chưa được thanh tịnh, trang nghiêm.
Tín chủ xin kính cáo với các chư Vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để bàn thờ được trang nghiêm, thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.
Mong các vị tạm ẩn tạm lánh, độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ, cho cung tài không động, cung lộc không hao.
Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.
Nam Mô A Di Đà Phật,
Nam Mô A Di Đà Phật,
Nam Mô A Di Đà Phật.