Gần 70.000 đối tượng chính sách ở Nghệ An vay vốn phát triển sản xuất
Chiều 20/1, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự có các thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức, đoàn thể liên quan.
Năm 2024, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển triển kinh tế. Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Đại diện HĐQT đã lãnh đạo, chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.
Đến ngày 31/12/2024, tổng nguồn vốn đạt 13.685 tỷ đồng, tăng 1.024 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,09%. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 481,5 tỷ đồng, tăng 130,2 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 37% (đạt mục tiêu về tăng trưởng vốn ngân sách địa phương hằng năm theo Quyết định số 05 của Thủ tướng Chính phủ) chiếm 3,5%/tổng nguồn vốn.
Doanh số cho vay đạt 4.273 tỷ đồng, tăng 374 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, mức tăng 9,6%. Đến ngày 31/12/2024, tổng dư nợ đạt 13.672 tỷ đồng/22 chương trình tín dụng chính sách, tăng 1.022 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,08%. Có 9/22 chương trình tín dụng tăng trưởng dư nợ so với đầu năm; 13 chương trình giảm dư nợ.
Nằm trong nhóm ngành được ưu tiên hàng đầu đối với chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An đã triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số và đạt được những kết quả quan trọng.
Phát biểu tại hội nghị, các thành viên ban đại diện đánh giá cao kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đồng thời, lưu ý một số vấn đề về công tác kiểm tra, giám sát tránh chồng chéo; lãi vay một số chương trình tránh cao hơn ngân hàng thương mại, tiếp tục triển khai mô hình tổ tiết kiệm vay vốn gắn với sinh hoạt cộng đồng…
Năm 2025, Ngân hàng Chính sách đặt ra mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ 8% (dự kiến tăng khoảng 1.100 tỷ đồng). Nhận vốn ủy thác từ nguồn ngân sách địa phương tối thiểu 170 tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch; Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; Hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát trên tất cả các kênh, các cấp đảm bảo chất lượng; Giữ vững chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vậy vốn; Tiếp tục triển khai mô hình Tổ Tiết kiệm và Vay vốn theo hướng bền vững, gắn với các hoạt động cộng đồng trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu 20% số tổ vào cuối năm 2025 theo kế hoạch...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tín dụng chính sách trong thời gian qua.
Năm 2024, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 69.188 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đi xuất khẩu lao động, sửa chữa, cải tạo, xây mới, mua nhà ở xã hội, làm công trình nước sạch, công trình vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống... Với những kết quả đó, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngân hàng CSXH xếp loại Xuất sắc nhất khu vực năm 2024.
Về triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ban Đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng các chương trình đã được giao tăng trưởng ngay từ đầu năm, trong đó, tập trung vào các chương trình tín dụng chính sách mới của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành. Xem xét, phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn các chương trình tín dụng cho địa phương kịp thời, đảm bảo giải ngân nhanh các nguồn vốn.
Ban Đại diện HĐQT cấp huyện tham mưu, trình UBND huyện phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2025 để làm cơ sở thực hiện giải ngân các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, xã hội, tạo sự đoàn kết gắn bó trong thôn, bản thông qua mô hình Tổ Tiết kiệm và Vay vốn gắn với các hoạt động cộng đồng trên địa bàn.
Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhằm chủ động các nguồn vốn để đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành cơ bản mục tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trước ngày 30/9/2025.
Tổ chức hội cấp tỉnh nghiên cứu phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có tính chuyên canh và hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đó để Ngân hàng CSXH đầu tư vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo bền vững...