Xã hội

Xuân an vui, đầm ấm ở vùng cao Nghệ An

Thu Hương 24/01/2025 17:44

Trong tiết trời se lạnh, không khí đón Xuân của bà con vùng cao Nghệ An vẫn không kém phần rộn ràng, tươi vui. Người dân nơi đây đang tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị mọi thứ tinh tươm đón một cái Tết đủ đầy, cùng bao ước vọng vào một năm mới an vui, đầm ấm.

Những ngày giáp Tết, tạm gác công việc nương rẫy, bà con dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp tập trung đến chợ sắm sửa đón Xuân. Không khí Xuân tràn ngập khiến cho những phiên chợ cuối năm ở vùng cao trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.

MN Món ăn
Phụ nữ dân tộc Thổ gói bánh sừng trâu - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: Thu Hương

Đối với người Thổ, những món ăn mang hương vị Tết cổ truyền luôn được chuẩn bị tươm tất và đầy đủ. Trước là để cúng tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới ấm no, hạnh phúc, sau là để gia đình quây quần, sum họp bên bữa cơm đoàn viên.

Bà Trương Thị Thống, ở xóm Cốc Mặm, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp), cùng các con tất bật chuẩn bị nấu bánh chưng để đón Tết cổ truyền sau một năm làm ăn thuận lợi. Năm qua, nhờ mùa màng bội thu, gia đình bà dành dụm được khoản tiền từ trồng mía, trồng keo; con cái học hành đầy đủ; nhà cửa được sửa sang, ngăn nắp. Đây cũng là lý do gia đình bà sắm sửa lễ vật để cúng tạ thần linh và chào Xuân an lành.

Ngoài bánh chưng, gia đình bà Thống còn gói thêm bánh sừng trâu (giống bánh ú), nấu cơm lam, chế biến món canh ột để cả gia đình sum vầy và thiết đãi khách quý trong những ngày đầu năm mới.

CT 1
Chuẩn bị các nguyên liệu làm món canh ột ngày Tết. Ảnh: Thu Hương

“Bánh sừng trâu được nấu chung với nồi bánh chưng ngày Tết. Chiều 30 Tết, bánh được đặt lên bàn thờ tổ tiên, nơi trang trọng nhất. Bánh sừng trâu chỉ được đưa khỏi bàn thờ vào buổi tối ngày khai hạ. Năm nay, tôi làm thêm các món ăn truyền thống để đãi bà con đến chơi nhà, nên mọi nguyên liệu đã được gia đình chuẩn bị từ trước”, bà Thống tâm sự.

Khắc luống. Ảnh: Thu Hương
Đồng bào dân tộc Thổ vui hội khắc luống. Ảnh: Thu Hương

Không chỉ đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp, ẩm thực trong ngày Tết của người dân các huyện vùng cao Nghệ An cũng rất đặc trưng. Ngày Tết, người dân thường chuẩn bị nếp ngon để hông xôi, gói bánh. Lễ cúng ngày Tết không thể thiếu con gà, xôi nếp, bánh chưng xanh. Ngoài ra, họ còn chế biến nhiều món ngon từ thịt lợn, gà và các loại rau tự trồng như: thịt lợn treo gác bếp, canh măng chua, bí đỏ hấp, dưa bãi muối bằng ống tre… Trong xóm, nhà nào cũng có nồi chõ riêng để nấu rượu. Rượu nấu từ men lá được bà con tự làm.

CT 1
Mâm cơm sum vầy của một gia đình dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thu Hương

Chị Vi Thị Khuyên, người dân ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Bánh chưng, xôi dâng lên cúng tổ tiên trong ngày Tết đều được lựa chọn từ gạo nếp Cù Pháng do chính gia đình làm ra, bởi giống nếp này rất thơm, dẻo. Ngoài sử dụng sản vật này trong các ngày lễ, Tết, chúng tôi còn làm quà biếu tặng cho những vị khách quý”.

tet.jpg
Gạo nếp Cù Pháng không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết của đồng bào Thái ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thu Hương

Ngoài việc chuẩn bị chu đáo các món ẩm thực, người dân vùng cao còn duy trì phong tục truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán của dân tộc mình với những nét độc đáo, đặc trưng, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc. Trong những ngày hội Xuân, người dân tộc Thái, Thổ, Mông mặc trang phục truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, khắc luống, ném còn và hát xuối, hát lăm. Những làn điệu dân ca này lấy cảm hứng từ đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân, hoặc kể lại những câu chuyện về các anh hùng trong truyền thuyết. Đây là tục lệ không thể thiếu trong những ngày này.

Háo hức đón Xuân sang. Ảnh: Thu Hương
Háo hức đón Xuân sang. Ảnh: Thu Hương

Tết là dịp đoàn tụ, sum vầy. Bà con vùng cao Nghệ An rộn ràng trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Họ cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng, phát triển bền vững để mỗi làng, mỗi nhà có thêm một cái Tết đầm ấm hơn./.

Thu Hương