Thông tin từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, việc phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam đặt bẫy ảnh được bắt đầu từ cuối tháng 11/2024, đến tháng 1/2025 thì thu hồi bẫy ảnh. Bẫy ảnh được đặt tại vùng rừng nguyên sinh Việt -Lào, thuộc các tiểu khu 681, 704, 697, 703, 698, 701, 702, 708 có độ cao 1.000 - 1.500m. Trong ảnh Cầy vòi mốc (Paguma larvata). Ảnh: BQLRPHTD Cầy vòi mốc có bộ lông đặc trưng, góp phần quan trọng trong việc phát tán hạt giống rừng; thuộc nhóm động vật hoang dã cần bảo vệ. Ảnh: BQLRPHTD Còn đây là Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), được liệt kê là cực kỳ nguy cấp trên Sách Đỏ Việt Nam và có giá trị đặc hữu cao. Loài này đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do săn bắt và mất môi trường sống. Ảnh: BQLRPHTD Gấu ngựa (Ursus thibetanus) là loài động vật hoang dã nguy cấp trên toàn cầu và ở Việt Nam do bị săn bắt để lấy mật, lông và các bộ phận khác (thuộc nhóm IB, nguy cấp, quý hiếm), cũng được phát hiện trong vùng rừng nguyên sinh biên giới huyện Tương Dương. Ảnh: BQLRPHTD Đây là Cầy giông (Viverra zibetha), là loài thú ăn đêm, có giá trị cao trong hệ sinh thái. Được IUCN xếp vào nhóm sắp bị đe doạ do bị săn bắt nhiều, thuộc nhóm động vật hoang dã cần bảo vệ. Ảnh: BQLRPHTD. Còn đây là 2 chú Cầy móc cua (Herpestes urva), một loài cầy nhỏ, nhanh nhẹn, thường xuất hiện gần nguồn nước, thuộc nhóm động vật hoang dã cần bảo vệ. Ảnh: BQLRPHTD. Vùng rừng nguyên sinh biên giới huyện Tương Dương cũng ghi nhận có Mèo gấm (Pardofelis marmorata), là loài sắp nguy cấp trên toàn cầu, có nguy cơ bị đe dọa ở Việt Nam vì môi trường sống bị thu hẹp và săn bắt. Ảnh: BQLRPHTD. Theo ông Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, việc Ban phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam triển khai dự án đặt máy ảnh tự động (camera trap) trong khu vực rừng phòng hộ là nhằm nghiên cứu tính đa dạng sinh học vùng rừng nguyên sinh biên giới; tăng cường giám sát và có kế hoạch bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm. Trong ảnh: Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam thực hiện đặt bẫy ảnh trong vùng rừng nguyên sinh biên giới Việt Lào hồi cuối tháng 11/2024. Ảnh: BQLRPHTD
Nhật Lân