Những điểm đến hấp dẫn của Quế Phong
Cách TP. Vinh khoảng 180km về phía Tây Bắc, theo Quốc lộ 48, huyện Quế Phong thu hút du khách bởi không chỉ sở hữu bề dày lịch sử, mà còn được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.
Ngày xuất bản: 27/1/2025
Tác giả: Đặng Cường | Kỹ thuật: Diệp Thanh
Cách TP. Vinh khoảng 180km về phía Tây Bắc, theo Quốc lộ 48, huyện Quế Phong thu hút du khách bởi không chỉ sở hữu bề dày lịch sử, mà còn được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.
.......................................
Đền Chín Gian ở xã Châu Kim là điểm đến nổi bật đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngôi đền gắn liền với sự hình thành các bản mường của đồng bào Thái miền Tây Bắc Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng. Gắn với di tích có Lễ hội Đền Chín gian được tổ chức 3 năm một lần, thời gian tổ chức từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm. Lễ hội Đền Chín gian đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.
Lễ hội không chỉ nổi bật với các nghi lễ tôn nghiêm, thể hiện các yếu tố tâm linh và văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái, mà còn thu hút du khách với nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như kéo co, bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo, thi khắc luống, cồng chiêng... Bên cạnh đó, còn có cuộc thi trang phục truyền thống, viết chữ Thái Lai Tay và thưởng thức ẩm thực đặc sắc.
Ở xã Châu Kim, du khách có thể trải nghiệm du lịch cộng đồng độc đáo tại bản Cọ Muồng, tự tay dệt vải, xe tơ, lao động cùng người dân và tham gia các hoạt động như nhảy sạp, khắc luống, hay thưởng thức rượu cần với nét đặc trưng. Du khách còn có thể ghé thăm Farmstay Nhật Minh ở đỉnh dốc Bù Chồng Cha, xã Châu Thôn. Đây là nông trại kết hợp nghỉ dưỡng với không gian ngoài trời, hồ nước nhân tạo, vườn hoa, và được bao quanh bởi rừng tự nhiên, cây cổ thụ, thảm cỏ xanh mát, được ví như một Đà Lạt thu nhỏ ở miền Tây Nghệ An.
Sau khi khám phá các điểm trên, từ trung tâm huyện, du khách có thể di chuyển 7km theo Quốc lộ 48, rẽ trái để đến thác Sao Va cao hơn 20m, đổ xuống hồ nước trong xanh, bao quanh bởi rừng núi nguyên sinh với hệ thực vật phong phú. Sau đó, du khách tiếp tục khám phá khu trải nghiệm Lê Gia trang, ở bản Na Chạng, xã Tiền Phong, nơi có suối tắm, câu cá, ẩm thực đặc sắc và các điểm check-in hấp dẫn. Tiếp đó, có thể ghé thăm làng Thái cổ tại bản Hủa Mướng, xã Hạnh Dịch, nơi 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Sau khi trải nghiệm cùng bà con tại bản Thái cổ, sang ngày sau du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá quần thể thác Bảy Tầng, bắt đầu từ cuối bản Hủa Mướng, kéo dài khoảng 15km với 7 tầng thác lớn và hàng chục tầng thác nhỏ. Mỗi tầng đổ xuống từ độ cao hàng chục mét, tạo nên những bãi tắm rộng hàng chục mét vuông. Du khách sẽ được thả mình trong dòng nước trong xanh, mát lạnh và đắm chìm trong khu rừng nguyên sinh hùng vĩ, giữ nguyên vẻ hoang sơ.
Trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt rộng hơn 85.000ha, nằm trên 9 xã của huyện Quế Phong. Tại đây, du khách có thể khám phá rừng nguyên sinh bảo tồn hàng trăm năm, chiêm ngưỡng cảnh quan hoang sơ với động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội tham gia du lịch mạo hiểm leo núi Pù Hoạt cao 2.400m và tham quan quần thể cây phay sừng, samu dầu khổng lồ, được công nhận là quần thể cây Di sản Việt Nam năm 2016.
Từ các khu rừng nguyên sinh, du khách có thể tham gia tour khám phá lòng hồ Thủy điện Hủa Na, kéo dài qua hai xã Đồng Văn và Thông Thụ. Tại đây, du khách không chỉ được ngắm cảnh tuyệt đẹp bằng thuyền trên mặt hồ rộng hơn 21km2, mà còn có thể câu cá, khám phá các mỏm đảo hình thành từ quá trình ngập nước…
Sau 4 năm triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Quế Phong đã đạt được những kết quả đáng kể. Năm 2024 ước tính thu hút hơn 13.000 lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5 -6 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030 huyện phấn đấu thu hút 15.000-20.000 lượt khách nội địa/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt từ 18-20 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 150 lao động nông thôn.