Xã hội

Có một tình yêu từ Gác Trịnh

Thanh Quỳnh 01/02/2025 21:03

Căn nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại thành phố Huế, nay đã trở thành một địa điểm gặp gỡ đầy ý nghĩa của những người yêu nhạc Trịnh trên khắp cả nước. Người tiếp quản tại Gác Trịnh là nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm.

Người họa sĩ ấy từng tâm sự, anh luôn có một tình yêu máu thịt với xứ Nghệ, nơi mà nhiều thế hệ trong gia đình anh đã trải qua hành trình thấm đượm tình yêu thương.

Từ Gác Trịnh nhớ về Nghệ An

Căn gác phòng 203 ở khu tập thể số 19 trên đường Nguyễn Trường Tộ của thành phố Huế là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và cũng là nơi người nhạc sĩ tài hoa này sáng tác những ca khúc đầu tiên. Qua bao năm tháng, căn gác vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị như chính tâm hồn của người nhạc sĩ tài hoa ấy. Giờ đây, nó trở thành điểm dừng chân của những người yêu nhạc Trịnh, nơi họ tìm về để cảm nhận không khí xưa cũ, để lắng nghe những giai điệu vang vọng từ quá khứ, và để sống lại những khoảnh khắc lặng lẽ, trầm tư sau nhịp sống xô bồ của phố thị.

Một góc không gian của Gác Trịnh - nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác từ năm 1960 đến năm 1970. Ảnh: Thanh Quỳnh
Một góc không gian của Gác Trịnh - nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác từ năm 1960 đến năm 1970. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ngôi nhà đặc biệt ấy được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt tên “Căn nhà của những gã lang thang”. Còn giờ đây, nó có tên là “Gác Trịnh” như trong câu thơ “Ngôi đền linh hồn mang tên Gác Trịnh” của nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm.

Trong căn gác ấy, họa sỹ Lê Huỳnh Lâm chia sẻ về một vùng quê đặc biệt mà mỗi lần nhắc đến, anh lại mang nhiều hoài niệm và tình yêu thương vô vàn. Vùng quê ấy chính là mảnh đất Nghệ An. Anh kể, ông ngoại anh đã từng làm ở Nhà máy điện Vinh, tại đây ông bà đã chào đón người con gái đầu lòng và duy nhất của mình. Sống giữa tình cảm chân thành của người dân xứ Nghệ, cùng với mảnh đất mình làm việc, ông có một tình cảm vô cùng đặc biệt với thành phố Vinh. Đó là lý do ông đã đặt tên cho con gái của mình là Huỳnh Thị Vinh.

gac-trinh.jpg
Nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm bên những bức tranh theo trường phái siêu thực do mình sáng tác về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trưng bày tại Gác Trịnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhà máy Điện Vinh được khởi công xây dựng từ năm 1957 và chính thức khánh thành vào 2 năm sau đó. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1964, đế quốc Mỹ ồ ạt ném bom vào miền Bắc, Nhà máy điện Vinh bị tàn phá nặng nề. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt ấy, đã có nhiều người làm việc tại nhà máy đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong số đó có ông ngoại của nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm.

Sau khi ông ngoại qua đời, bà ngoại anh đã đưa con gái Huỳnh Thị Vinh vào Huế sinh sống. Tuy nhiên, trong lòng bà và các thành viên trong gia đình, luôn đau đáu về mảnh đất mà ông đã nằm lại. Từ những duyên nợ đó, đối với họa sĩ Lê Huỳnh Lâm, Nghệ An là nơi chất chứa một vùng ký ức về gia đình trong giai đoạn đầy gian khó. Là nơi ông ngoại đã an nghỉ, nhưng cũng là nơi bắt đầu sự sống của mẹ mình. Mảnh đất đầy nắng gió ấy đã chở che, đùm bọc cho gia đình nhỏ đến từ xứ Huế, tạo nên sợi dây gắn bó sâu sắc, nghĩa tình cho đến tận bây giờ.

nhiệt điện vinh
Tháng 10/1985, Nhà máy điện Vinh ngừng hoạt động do nguồn điện ở phía Bắc được tăng cường. Sau gần 30 năm phát điện, Nhà máy điện Vinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Ngày 13/6/2007, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BVHTT xếp hạng Nhà máy điện Vinh là Di tích lịch sử quốc gia. Ảnh tư liệu Thanh Quỳnh

Kết nối người Nghệ với tình yêu nhạc Trịnh

Tại Huế, mọi người vẫn gọi nhà thơ, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm là người gìn giữ “căn nhà di sản”. Hành trình gắn bó với Gác Trịnh của họa sĩ Lê Huỳnh Lâm bắt nguồn từ tình yêu âm nhạc và sự tôn trọng, quý mến mà anh dành cho người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Dù rằng, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm không phải là người sở hữu căn nhà này mà chủ nhân chính là vợ chồng cố nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhưng đến năm 2013, vợ chồng cố nhà văn quyết định giao căn nhà lại cho họa sĩ Lê Huỳnh Lâm quản lý và vận hành với mong muốn nơi đây thành một địa điểm lưu niệm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ tin tưởng vào tình yêu âm nhạc và sự cống hiến hết mình của họa sĩ Lê Huỳnh Lâm. Từ ngày đó, anh không chỉ tiếp nhận trách nhiệm, mà còn xem đây như một hành trình đầy cảm hứng để truyền tải giá trị của nhạc Trịnh đến với nhiều thế hệ.

Trong những người ghé thăm Gác Trịnh, có nhiều vị khách là người Nghệ An với niềm yêu mến nhạc Trịnh và mảnh đất Cố đô. Ảnh: Họa sĩ Lê Huỳnh Lâm cung cấp
Trong những người ghé thăm Gác Trịnh, có nhiều vị khách là người Nghệ An với niềm yêu mến nhạc Trịnh và mảnh đất Cố đô. Ảnh: Họa sĩ Lê Huỳnh Lâm cung cấp

Dưới sự quản lý của anh, Gác Trịnh dần trở thành một biểu tượng văn hóa và không gian giao lưu nghệ thuật. Những người bạn thân thiết của anh đã đóng góp nhiều tư liệu, hình ảnh quý để làm phong phú thêm không gian trưng bày. Gác Trịnh không chỉ là nơi lưu giữ ký ức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn là nơi kết nối những tâm hồn đồng điệu yêu âm nhạc và nghệ thuật.

Cùng đó, Gác Trịnh ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người trẻ, nhất là từ sau bộ phim “Em và Trịnh” có nhiều cảnh quay tại chính căn nhà này. Các cuộc triển lãm tranh và những đêm nhạc với chủ đề về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã chạm đến cảm xúc của nhiều người. Khi căn nhà xuống cấp theo thời gian, thật may mắn có người đã sưu tập bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn với chủ đề “Thấu thị”, họa sĩ Lê Huỳnh Lâm đã dùng toàn bộ số tiền trên để tu sửa lại căn nhà với tâm niệm bảo vệ không gian hoài niệm đầy ý nghĩa để nó trở nên ấm áp như thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống, sáng tác.

Gác Trịnh đã đón tiếp rất nhiều vị khách đến từ Nghệ An. Đối với họa sĩ Lê Huỳnh Lâm, mỗi cuộc gặp gỡ ấy là cơ hội để nối dài sợi dây gắn kết giữa tình yêu nhạc Trịnh và những con người xứ Nghệ. Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm luôn tin rằng, âm nhạc và nghệ thuật không biên giới, và qua Gác Trịnh, những giá trị đó được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Mình có những người bạn là người Nghệ An, thường xuyên ghé thăm Gác Trịnh. Hoặc có khi, dù chỉ đi công tác ngang qua Huế nhưng đã dừng chân thăm Gác Trịnh, điều đó khiến mình rất xúc động.
Mới chỉ đây thôi, một gia đình người Nghệ An sau khi gặp gỡ và biết được hoàn cảnh của họa sĩ Vĩnh Đàn đã quyết định sưu tập những bức tranh của người họa sĩ ấy đang được trưng bày tại Gác Trịnh. Tấm chân tình đó thể hiện tấm lòng người Nghệ gửi đến mảnh đất Cố đô.

Gác Trịnh từ đó, không chỉ là không gian lưu niệm mà còn góp phần gắn kết người Nghệ với đất Huế…”

Họa sĩ Lê Huỳnh Lâm

Thanh Quỳnh