Kinh tế

Sự đổi thay ngoạn mục ở Xốp Kha

Hoài Thu 02/02/2025 08:20

Từ nghèo khó, bản Xốp Kha, xã Yên Hòa (Tương Dương) đang từng ngày vươn lên thoát nghèo. Đổi thay đó là nhờ sự đồng hành của chính quyền trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tinh thần tự lực, siêng năng, đoàn kết của dân bản.

Thoát nghèo

Bản Xốp Kha cách trung tâm xã Yên Hòa khá xa, đường đi ngoằn ngoèo lưng chừng giữa những ngọn núi. Dẫn chúng tôi về bản Xốp Kha, Trưởng bản Lữ Văn Quang lái chiếc xe máy chạy băng băng bởi đã quá quen thuộc cung đường này.

z5909523619295_d5abf8f63647431bd83dea3f8f701503.jpg
Một góc bản Xốp Kha. Ảnh: HT

Anh Lữ Văn Quang vừa làm trưởng bản vừa kiêm cả công chức địa chính của xã, nên ngày nào cũng đi qua, đi lại ít nhất là 15 km từ nhà đến UBND xã. Hỏi về cuộc sống mưu sinh của bà con bản Xốp Kha, anh Lữ Văn Quang cho hay, bản nhỏ có 85 hộ gia đình, đều là đồng bào Khơ Mú sinh sống. Khoảng 3 năm trước, bản có gần 80% là hộ nghèo, nhưng nay số hộ nghèo đã giảm gần một nửa.

Ngạc nhiên về sự đổi thay đáng nể trong tỷ lệ hộ nghèo của bản, và băn khoăn cách nào mà bà con thoát nghèo nhanh chóng, anh Lữ Văn Quang trực tiếp dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Khăm Văn Xai. Ông Xai là đảng viên lâu năm của Chi bộ bản Xốp Kha, cũng là hội viên hội người cao tuổi của bản. Ông còn là người uy tín, bởi luôn là tấm gương siêng năng, chăm chỉ lao động, hăng hái đóng góp xây dựng các phong trào, hoạt động ở bản.

Ông Khăm Văn Xai trồng rau..
Ông Khăm Văn Xai siêng năng trồng rau, lao động sản xuất. Ảnh: HT

Vừa bước chân vào ngõ đã thấy ông Khăm Văn Xai đang lúi húi cuốc đất, trồng rau. Diện tích vườn rau quanh ngôi nhà sàn của ông Xai tuy không nhiều, song nơi nào cũng sạch sẽ gọn gàng và xanh mướt màu cây trái...

Bày tỏ niềm vui khởi sắc của bản làng, ông Khăm Văn Xai bộc bạch, không chỉ gia đình ông, mà nhiều hộ khác ở bản, tuy con cái đã trưởng thành, nhà chỉ có hai vợ chồng già song vẫn duy trì thói quen lao động. Ông nhấn mạnh, chỉ có siêng năng lao động mới nhanh thoát khỏi đói nghèo. Hơn nữa, bố mẹ siêng năng thì mới làm gương để con cái noi theo, tự biết chăm lo cho gia đình để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

bna_truong-ban-xop-kha-lu-van-quang-thu-haochj-mit-thaijpg..-fae67d71ab535c5375f454fa3f90b93a.jpg
Trưởng bản Xốp Kha Lữ Văn Quang thu hoạch mít Thái tại vườn cộng đồng. Ảnh: H.T

Trưởng bản Lữ Văn Quang cũng là một ví dụ về sự siêng năng, sáng tạo trong kêu gọi bà con dân bản làm kinh tế, xây dựng công trình công cộng khi lần đầu tiên bản Xốp Kha có một vườn cây mít giống Thái xanh tốt và tự lực xây dựng được 2 cây cầu dân sinh nội bản.

Anh Quang cho biết: Vườn được hình thành trên đất cộng đồng bảo vệ với 450 gốc mít của 53 hộ gia đình. Đây là giống cây hoàn toàn mới, lần đầu tiên được trồng ở bản Xốp Kha. Vườn mít trồng hơn 2 năm, nay đã có quả bói. Công tác chăm sóc, bón phân hữu cơ cũng như bảo vệ cây, bán quả đều do cộng đồng các hộ phân công nhau thực hiện. Dự kiến mùa mít này mỗi hộ ngoài được hưởng trái ngọt từ chính đôi tay mình vun trồng, còn có dư để bán với giá 30.000 đồng/kg.

z5909518720828_cf8855e3a42fd4d666e4e1dc490d8d30(1).jpg
Trưởng bản Lữ Văn Quang chăm sóc vườn mít thái. Ảnh: HT

Ngoài diện tích đất cộng đồng gần ngay nhà văn hóa bản cho dân bản thuê để trồng mít, thì các diện tích đất cộng đồng khác cũng cho người dân mượn trồng sắn, lúa. Việc này vừa tăng thêm thu nhập cho bà con, vừa tăng quỹ hoạt động của bản. Cả bản có hơn 10ha lúa, 12ha sắn, chăn nuôi trâu, bò khoảng 160 con và lợn hơn 100 con. Nay trồng thêm mít Thái và thường xuyên vào rừng thu hái lâm sản phụ như măng, mắc khén, trồng dưa rẫy kèm lúa nương nên nhiều hộ gia đình từ hộ nghèo đã trở nên khấm khá, có của ăn, của để.

Nhờ đó, năm 2020, bản Xốp Kha có 60/85 hộ nghèo, đến năm 2023 đã giảm chỉ còn 49 hộ nghèo, và đến cuối năm 2024 chỉ còn 39 hộ nghèo.

bna_3526(1).jpg
Ông Thăm Văn Sơn gặt lúa vụ mùa. Ảnh: HT

Rời vườn mít, chúng tôi gặp ông Thăm Văn Sơn đang gùi lúa từ nương rẫy về. Hỏi thăm, ông Sơn cho biết, năm nay lúa, sắn được mùa nên gia đình ông có thêm thu nhập để đón Tết vui hơn.

“Hơn nửa ha lúa của gia đình cung cấp đủ lương thực cho cả năm. Nương sắn năm nay cũng phát triển tốt, được giá. Gặt xong lúa, hai ông bà lại đi thu hoạch sắn. Mùa này được khoảng 5 tạ lúa, còn sắn thì được vài tấn bán được khoảng chục triệu đồng, vui lắm", ông Thăm Văn Sơn chia sẻ.

Phát huy các nguồn lực

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, bản Xốp Kha có sự thay đổi ngoạn mục về cả đời sống kinh tế và cơ sở hạ tầng phần nhiều là nhờ tinh thần tự giác vươn lên, thay đổi tư duy và siêng năng lao động của cán bộ và người dân bản, sự quan tâm của cán bộ xã Yên Hòa.

Cây cầu do người dân bản Xốp Kha đóng góp tiền và ngày công xây dựng Ảnh HT
Cây cầu do người dân bản Xốp Kha đóng góp tiền và ngày công xây dựng. Ảnh: H.T

Ông Thanh viện dẫn ví dụ điển hình, ở Xốp Kha có 2 địa điểm bị chia cắt do dòng Khe Líp chảy qua, nhiều năm do không có cầu nên thường bị cô lập vào mùa mưa bão. Hai năm nay, tình trạng đó không còn, do 85 hộ dân đã đồng lòng góp tiền, góp ngày công để xây dựng 2 cầu sắt bắc qua khe, giúp bà con đi lại thuận tiện. Lên nương, lên rẫy, đi ra trung tâm xã, huyện không còn thấp thỏm lo âu nước dâng cao.

Ông Nguyễn Văn Thanh từng là Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, là đảng viên được phân công phụ trách cụm bản, trong đó có bản Xốp Kha. Thời gian công tác ở xã Yên Hòa hơn 3 năm, ông đã cùng cán bộ cơ sở kết nối, kêu gọi mạnh thường quân tài trợ cho bản Xốp Kha xây dựng các công trình công cộng, công trình dân sinh như: tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa của bản, xây dựng 1 đường điện chiếu sáng, 1 cây cầu cứng bắc qua dòng Khe Líp trị giá 1,2 tỷ đồng... Nhờ đó, người dân có nơi để hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dịp lễ, Tết.

Đường điện chiếu sáng dọc trục đường trung tâm bản Xốp Kha được lắp đặt nhờ kêu gọi xã hội hoá Ảnh HT
Đường điện chiếu sáng dọc trục đường trung tâm bản Xốp Kha được lắp đặt nhờ kêu gọi xã hội hoá. Ảnh: H.T

Cùng với sự kết nối của cán bộ xã, các nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cũng góp một phần lớn giúp người dân bản Xốp Kha nâng cao đời sống, thuận tiện hơn trong lao động, sản xuất. Ông Mộng Văn Viện – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, năm 2024, xã triển khai các nguồn đầu tư công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, Dự án 1 hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã nghèo thực hiện 2 công trình: Đường giao thông Xiềng Líp – Xốp Kha và Yên Tân – Yên Hương. Hai công trình này do UBND huyện làm chủ đầu tư với kinh phí 6,8 tỷ đồng. Hiện công trình đang thi công, sắp hoàn thành đưa vào sử dụng. Con đường khang trang sẽ giúp người dân bản Xốp Kha thuận lợi trong đi lại, chuyên chở nguyên liệu, buôn bán, trao đổi nông sản, phát triển kinh tế.

bna_cay-cau-dan-sinh-o-ban-xop-kha-duoc-xay-dung-tu-su-keu-goi-cua-lanh-dao-ubnd-xa-yen-hoa-3503-955fde7df6dfb9d1d6b0585fd4c50fdb.jpg
Cây cầu dân sinh ở bản Xốp Kha được xây dựng từ sự kêu gọi của lãnh đạo UBND xã Yên Hoà. Ảnh: HT

Năm 2024, bản Xốp Kha là một trong những bản có sự thay đổi vượt bậc về tỷ lệ giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, trong đó, phần lớn đến từ sự tự giác, siêng năng của người dân và sự vào cuộc của cán bộ các cấp.

Ông Khăm Văn Xai nói về sự đổi thay của bản làng. Clip: HT

Hoài Thu