Tại sao Trung Quốc vẫn quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển chùm vệ tinh quy mô lớn?
Việc phát triển các dự án vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO) giúp Trung Quốc cạnh tranh với các công ty phương Tây trên thị trường quốc tế, củng cố vị thế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu do nước ngoài kiểm soát.
Theo thông tin từ Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Starlink hiện vận hành gần 7.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO), cung cấp dịch vụ Internet cho khoảng 5 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Hệ thống này được thiết kế để mang lại kết nối Internet tốc độ cao cho các khu vực xa xôi, hẻo lánh và những nơi chưa được tiếp cận đầy đủ với hạ tầng công nghệ.
SpaceX đặt tham vọng mở rộng mạng lưới vệ tinh khổng lồ của mình lên đến 42.000 vệ tinh. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hướng tới quy mô tương tự với kế hoạch triển khai khoảng 38.000 vệ tinh LEO thông qua 3 dự án mang tên Qianfan, Guo Wang và Honghu-3.
Bên cạnh dự án Starlink, Eutelsat OneWeb, một công ty có trụ sở tại châu Âu cũng đã triển khai hơn 630 vệ tinh LEO để cung cấp các dịch vụ Internet qua vệ tinh.
Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang lên kế hoạch xây dựng dự án Kuiper, với khoảng 3.000 vệ tinh LEO. Tuy nhiên, đến nay Amazon mới chỉ đưa 2 vệ tinh nguyên mẫu lên quỹ đạo.
Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường Internet vệ tinh toàn cầu, tại sao Trung Quốc vẫn quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cả về tài chính lẫn nguồn lực vào việc phát triển những chùm vệ tinh quy mô lớn? Lý do không chỉ nằm ở khía cạnh kinh tế mà còn gắn liền với các lợi ích chiến lược, công nghệ và địa chính trị.
Các dự án này không chỉ giúp Trung Quốc tạo ra mạng lưới Internet tốc độ cao, độc lập và bảo mật cao cho các khu vực hẻo lánh trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh với các công ty phương Tây trên thị trường quốc tế, củng cố vị thế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu do nước ngoài kiểm soát.
Ông Steve Feldstein, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định: "Starlink đã chứng minh khả năng vượt trội trong việc mang Internet đến tận tay người dân ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, giúp họ dễ dàng truy cập vào Internet và sử dụng bất kỳ trang web hay ứng dụng nào họ cần".
"Đối với Trung Quốc, một trong những ưu tiên lớn là kiểm soát chặt chẽ những nội dung mà công dân có thể truy cập. Do đó, họ coi Starlink như một mối đe dọa nghiêm trọng. Nếu Starlink cung cấp nội dung không qua kiểm duyệt cho công dân Trung Quốc hoặc thậm chí cho các quốc gia đồng minh của họ, điều này có thể phá vỡ hoàn toàn hệ thống kiểm duyệt mà họ đã thiết lập. Vì vậy, Trung Quốc nhận thấy cần phải nhanh chóng phát triển một giải pháp thay thế để bảo vệ quyền kiểm soát thông tin của mình", ông Feldstein giải thích thêm.
Các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù các tập đoàn viễn thông Trung Quốc khó có thể trở thành lựa chọn ưu tiên tại những thị trường như Mỹ, Tây Âu, Canada và các quốc gia đồng minh của Mỹ, nhưng ở nhiều khu vực khác trên thế giới, cơ hội vẫn rộng mở cho các dịch vụ vệ tinh đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, bà Juliana Suess, chuyên gia nghiên cứu về an ninh không gian và chính sách quốc phòng tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh Đức cho biết, một số khu vực địa lý cụ thể có thể trở thành thị trường hấp dẫn cho các đối thủ cạnh tranh của Starlink, đặc biệt là các dịch vụ do Trung Quốc phát triển.
Bà Suess cho biết thêm: "Chúng tôi nhận thấy rằng 70% cơ sở hạ tầng mạng 4G trên lục địa châu Phi đã được Huawei xây dựng. Vì vậy, việc áp dụng một góc nhìn không gian vào vấn đề này có thể tạo ra những bước đột phá quan trọng và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong khu vực".
Ngoài vai trò là công cụ chiến lược trong việc gây ảnh hưởng địa chính trị, sở hữu một hệ thống vệ tinh Internet độc quyền đang ngày càng trở thành một yếu tố thiết yếu đối với an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cơ sở hạ tầng Internet mặt đất có thể bị tê liệt trong các cuộc xung đột.
Ông Feldstein chia sẻ: "Một trong những đóng góp lớn mà công nghệ Starlink đã mang lại cho chiến trường Ukraine là sự phát triển của chiến tranh máy bay không người lái và chiến trường được kết nối. Việc sử dụng vũ khí dựa trên vệ tinh giờ đây được xem như một lợi thế quân sự quan trọng. Vì vậy, tôi tin rằng Trung Quốc nhận thức rõ tầm quan trọng của điều này và coi việc đầu tư vào công nghệ vệ tinh là một yếu tố then chốt đối với các mục tiêu an ninh quốc gia của mình".