Xã hội

Nguyễn Trường Tộ và cảm hứng canh tân

Tiến Đông 03/02/2025 08:22

Cách đây hơn 160 năm, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ đã có những tư tưởng đổi mới, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và tinh thần yêu nước sâu sắc. Mặc dù không được triều đình nhà Nguyễn thực hiện, nhưng tư tưởng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau.

bna_ttt-c5cbac3ac78a0c8d836b344913127897.jpg

Nhà trí thức lớn

Từ thành phố Vinh chúng tôi men theo con lộ 542E tấp nập, xuyên qua những xóm đạo yên bình, tìm đến làng Bùi Chu (xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên), quê hương của nhà canh tân đất nước Nguyễn Trường Tộ. Trong không khí xuân, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mới đang lan tỏa, giữa đất trời và trong từng bước chuyển mình của quê hương, đất nước.

Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Bang, sinh năm 1945, là chắt nội của cụ Nguyễn Trường Tộ. Trong không gian tĩnh lặng của ngôi nhà nhỏ đơn sơ, câu chuyện về người cụ nội của mình khiến bà Bang như lắng lại.

Bà Nguyễn Thị Ba
Bà Nguyễn Thị Bang - hậu duệ đời thứ 4 của nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 (có tài liệu viết năm 1830), trong một gia đình theo đạo Thiên chúa ở làng Bùi Chu. Vốn có tư chất thông minh, từ nhỏ ông đã được cha dạy học chữ Hán. Sau đó, ông theo học các thầy có tiếng tăm trong vùng. Ông có trí thông minh phi thường, học tới đâu nhớ tới đó, nên được nhiều người gọi là Trạng Tộ.

Nguyễn Trường Tộ tự xác định một con đường riêng trong học tập. Ông không màng địa vị, giàu sang. Ông học cốt để làm người có ích, đem tài trí giúp dân, giúp nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu; lương - giáo đoàn kết, cùng chung sức xây dựng đất nước hùng cường.

Khi đã có được vốn Hán học uyên thâm, không thua kém các bậc khoa bảng, ông về quê mở trường dạy học. Năm 1855, ông được cố đạo người Pháp là Gauthier (Ngô Gia Hậu) mời đến dạy chữ Hán tại Tu viện Xã Đoài. Tại đây, ông không chỉ truyền bá tri thức truyền thống mà còn được Giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và các môn khoa học thường thức.

dji_0555.jpg
Một góc làng Bùi Chu ngày nay. Ảnh: Tiến Đông

Nhờ sự giúp đỡ của Giám mục Gauthier, từ năm 1859, Nguyễn Trường Tộ đã có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới như Singapore, Hồng Kông, và một số nước châu Âu. Trong quá trình này, ông miệt mài học hỏi, tiếp thu các kiến thức như: triết học, chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng... đồng thời có mối liên hệ thực tế để vận dụng vào đất nước ta.

Sau khi Nguyễn Trường Tộ về Sài Gòn vào năm 1861 - lúc này thực dân Pháp đã chiếm Gia Định. Trong vai trò phiên dịch giữa triều đình Huế và Pháp, ông có khát vọng đem những hiểu biết của mình giúp triều đình, mở cuộc cải cách mới, làm cho dân thịnh nước cường, giữ vững nền độc lập.

Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Huy Bích

Đặc biệt, trong quá trình làm phiên dịch chữ Hán cho Pháp, ông hiến kế cho triều đình tạm hòa với Pháp để dưỡng quân, củng cố lực lượng. Tiếc thay, triều đình nhà Nguyễn do dự, hòa không hòa, mà đánh cũng không dám đánh. Thực dân Pháp thừa cơ bành trướng, mở rộng vùng chiếm đóng. Trước tình thế đó, đầu năm 1862 Nguyễn Trường Tộ xin thôi làm phiên dịch và dồn tâm huyết viết các bản tấu, dâng kế sách lên triều đình.

nguyen-truong-to637732162424107446.jpeg
Tượng danh nhân Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Tư liệu

Khát vọng canh tân

Từ đầu năm 1861 đến cuối năm 1871, Nguyễn Trường Tộ đã gửi cho triều đình Huế khoảng 60 bản tấu, bản điều trần, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước mạnh giàu. Trong đó có 3 bản điều trần nổi tiếng là “Tế cấp luận” "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận", cùng viết năm 1863, trình bày những đề xuất cải cách quan trọng về chính trị, nội chính, phát triển kinh tế, đổi mới giáo dục, ứng dụng khoa học kỹ thuật, và xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự hiện đại...

Nguyễn Trường Tộ nhận thức rõ rằng, để thoát khỏi tình trạng bị các nước phương Tây lấn át, Việt Nam cần nhanh chóng canh tân, tự lực, tự cường. Ông đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền để đỡ hao tốn công quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng loại quan lại để khỏi phải có rất nhiều người ăn lương mà không biết làm gì.

dji_0559.jpg
Mộ Nguyễn Trường Tộ hiện được xây cất bên cạnh tỉnh lộ 542E. Ảnh: Tiến Đông

Về kinh tế, ông đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật… Ông khuyên triều đình mở rộng giao thương quốc tế, khuyến khích công nghiệp, cải tổ hành chính và đưa vào sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Ông cũng đề xuất việc gửi học sinh ưu tú ra nước ngoài học tập để sau này về nước phục vụ.

Về ngoại giao, Nguyễn Trường Tộ chủ trương quan hệ mềm mỏng với Pháp nhưng không phải là "hàng Pháp". Và không chỉ có Pháp mà còn phải đặt ngoại giao với nhiều nước khác như Anh, Tây Ban Nha... Phải biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước này để có lợi cho mình. Phải đào tạo được các thông dịch viên giỏi công việc và tiếng nước ngoài...

dji_0567.jpg
Đoạn kênh Sắt chảy uốn lượn qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An (Diễn Châu) và xã Nghi Yên (Nghi Lộc), được xem là nơi Nguyễn Trường Tộ chỉ đạo đào kênh, do gặp ghềnh đá nên phải đào ngoằn ngoèo. Ảnh: Tiến Đông

Về quốc phòng, Nguyễn Trường Tộ một mặt khuyên triều đình tạm hòa và nhân nhượng với Pháp; mặt khác đề nghị gấp rút tu chỉnh võ bị, sản xuất và mua sắm vũ khí, soạn binh thư mới và huấn luyện cách đánh hiện đại, lập đồn, vây thành để bảo vệ đất nước...

Các ý tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ rất tiến bộ và tâm huyết, nhưng lại không được triều đình nhà Nguyễn và Vua Tự Đức chấp nhận. Sự bảo thủ và lo sợ mất quyền lực là lý do chính khiến các kiến nghị của ông bị từ chối. Triều đình Huế vẫn giữ tư duy truyền thống, không muốn đối mặt với những thay đổi lớn lao mà Nguyễn Trường Tộ đề xuất.

Nguyễn Trường Tộ nhiều lần bày tỏ sự thất vọng trước thái độ thờ ơ của triều đình. Ông cho rằng nếu Việt Nam không kịp thời cải cách, đất nước sẽ rơi vào tình cảnh mất chủ quyền và lệ thuộc vào thực dân. Những lời cảnh báo ấy, tiếc thay, đã trở thành hiện thực khi Việt Nam dần bị thực dân Pháp đô hộ hoàn toàn.

Cũng theo nhà nghiên cứu Thái Huy Bích: Khát vọng canh tân đã khiến ông có một ý chí mãnh liệt và sự kiên nhẫn phi thường. Các bản tấu đầy tâm huyết của ông gửi đi không có hồi âm mà ông vẫn cứ miệt mài viết hết bản này đến bản khác.

Bên cạnh việc gửi các bản tấu cải cách, Nguyễn Trường Tộ còn tham gia xây dựng các công trình lớn, và được xem như một Kiến trúc sư đại tài, dù ông không hề có bằng kiến trúc. Tháng 9 năm 1862, ông giúp xây cất tu viện dòng Thánh Phaolô tại Sài Gòn. Trong thời gian về quê đầu năm 1866, ông đã giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm thiết kế và chỉ đạo đào kênh Sắt nối huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Ông cũng tham gia thiết kế xây dựng nhà chung Xã Đoài, một công trình tôn giáo quan trọng tại quê nhà.

uploaded-huuquanbna-2022_01_23-_image_9556259_2312022.jpeg
Tu viện Thánh Phaolô, số 4 Tôn Đức Thắng, Quân 1, Sài Gòn do Nguyễn Trường Tộ thiết kế. Ảnh: Tư liệu

Nguyễn Trường Tộ qua đời đột ngột vào năm 1871 tại quê nhà. Dù cuộc đời ngắn ngủi, nhưng tư tưởng cải cách và tấm gương của ông đã để lại ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam.

Hơn 150 năm kể từ ngày mất của Nguyễn Trường Tộ, những di cảo của ông đã để lại cho hậu thế bài học lớn về bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Ông cũng được xem là người mở đầu cho phong trào canh tân, thức tỉnh dân tộc trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầy biến động. Dù không thành công trong việc thuyết phục triều đình, nhưng những ý tưởng và tầm nhìn của ông vẫn luôn được thế hệ sau trân trọng và đánh giá cao...

Tiến Đông