Giáo dục

Sau Tết, giáo viên Nghệ An vào bản 'gọi' học sinh đến trường

Mỹ Hà 04/02/2025 17:52

Việc học sinh nghỉ học sau Tết dường như đã là chuyện “bình thường” tại nhiều trường học ở các huyện miền núi Nghệ An. Để khắc phục tình trạng này, nhiều giáo viên đã băng đồi, vượt núi vào bản vận động học sinh đến trường.

Không để học sinh bỏ học sau Tết

Biên bản vận động học sinh đến trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tý 2025 được cô giáo Phạm Thị Thu Hương (giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai - Tương Dương) và đại diện của bản Xa Mật, xã Nhôn Mai ký vào lúc 16h 15 phút, chiều 3/2 (tức mồng 6 Tết) -ngày đầu tiên học sinh trở lại trường.

Trong biên bản này, có ghi rõ danh sách 6 học sinh của lớp 8B và 9B, đều là học sinh người Khơ Mú và chưa có mặt ở trường trong buổi học đầu tiên sau Tết. Trước khi biên bản được ký kết, đoàn vận động đã trực tiếp đến từng nhà, gặp từng phụ huynh, học sinh để nắm bắt tình hình, nguyên nhân không đi học, những khó khăn, vướng mắc. Mất hơn 2 tiếng được tuyên truyền, vận động, tất cả các gia đình đều ký cam kết sẽ động viên để các con đi học đúng theo quy định.

Giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai vận động các gia đình
Giáo viên Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai vào bản để vận động học sinh đi học trở lại sau Tết. Ảnh: NTCC

Ngoài Xa Mật, cùng thời điểm, ban giám hiệu và giáo viên của Trường PT DTBT THCS Nhôn Mai cùng chính quyền địa phương đã đến các bản Huồi Cọ, Phá Mựt, Thăm Thẩm – nơi có đông học sinh là con em đồng bào Mông chưa đến trường để vận động các em đi học. Chỉ sau một thời gian ngắn, các phụ huynh đều đồng tình với nhà trường và cam kết sẽ sớm đưa các con trở lại trường để không gián đoạn việc học.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tân - Hiệu trưởng cho biết: Trường chúng tôi có 268 học sinh và có 197 học sinh thuộc diện bán trú. Trong ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi thống kê có gần 20 học sinh nghỉ học, chủ yếu là học sinh người Mông và người Khơ Mú. Vì thế, ngay trong buổi sáng nhà trường đã cắt cử giáo viên xuống từng bản để tìm hiểu thông tin và vận động học sinh trở lại trường. Rất may những trường hợp nghỉ học, không có em nào đi làm ăn xa hoặc lấy vợ, lấy chồng. Nguyên nhân chính là trong bản có đám cưới nên các em ở lại thêm một ngày. Đến sáng 4/2, hầu hết các em đã trở lại trường. Còn lại 2-3 em chưa đi học là do bị cảm cúm.

bna_trao-giay-ky-cam-ket-cho-cac-phu-huynh(1).jpg
Phụ huynh huyện Tương Dương ký cam kết về việc vận động học sinh trở lại trường sau Tết. Ảnh: NTCC

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) năm học này có hơn 450 học sinh, trong đó có 264 em bán trú. Học sinh của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú của 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập.

Thầy Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Hữu Kiệm cho biết, theo kế hoạch, từ mùng 6 Tết các trường trở lại dạy học. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết ban giám hiệu và giáo viên đã có mặt ở trường để trả phép, chuẩn bị các điều kiện đón học sinh.

Sau 2 ngày trở lại lịch dạy học, sĩ số học sinh đã cơ bản ổn định. Ngay khi học sinh đến trường, các em đã được tổ chức ăn ở, sinh hoạt bán trú bình thường.

Hiện chỉ còn khoảng 15 em xin vắng học có phép. Với những em này, nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm liên lạc, nắm nguyên nhân và nhắc nhở các em sớm trở lại trường.

Thầy Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Hữu Kiệm

Sớm ổn định việc dạy và học

Thầy Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Hữu Kiệm cũng cho biết, cùng với việc sớm ổn định dạy học cho các khối lớp sau Tết, thì công tác ôn tập cho học sinh khối 9 cũng nhanh chóng được triển khai: Trường Phổ thông DTBT Hữu Kiệm là một trong những trường có tỷ lệ học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 cao của huyện Kỳ Sơn, với khoảng 70-78%. Xác định đây là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên ngay sau Tết, công tác dạy học, ôn tập được triển khai nghiêm túc, một mặt đáp ứng nhu cầu học sinh, mặt khác thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo - thầy Đăng nói thêm.

bna_giao-vien-huyen-tuong-duong-vao-ban-van-dong-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai.-anh-ntcc(1).jpg
Giáo viên huyện Tương Dương vào bản vận động học sinh đến trường. Ảnh: NTCC

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ (Quế Phong), vào chiều mùng 5 Tết, một ngày trước khi ngày làm việc chính thức bắt đầu, những giáo viên gia đình ở xuôi cũng đã sớm có mặt tại trường để dọn dẹp vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón học sinh trở đi học trở lại.

Ngay sau khi học sinh tới trường, nhà trường đã tổ chức chào cờ, gặp mặt học sinh đầu năm mới. Sau tiết đầu tiên, công tác tổ chức dạy học, triển khai bán trú cho học sinh trở lại bình thường. Thầy Hoàng Ngọc Thanh - Hiệu trưởng cho biết: Vì thực hiện theo mô hình bán trú nên công tác chuẩn bị của nhà trường được thực hiện sớm hơn 1 ngày, đảm bảo cho các hoạt động không bị gián đoạn. Bước vào học kỳ II, dù nhiệm vụ năm học rất nặng nề, nhưng tập thể nhà trường đều quyết tâm để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Những tiết học đầu tiên trong năm mới của thầy và trò Trường PT DTBT THCS Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh - NTCC
Những tiết học đầu tiên trong năm mới của thầy và trò Trường PT DTBT THCS Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: NTCC

Trước đó, theo kế hoạch từ ngày 14/2, việc dạy thêm, học thêm ở các nhà trường sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ và nhiều trường bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh việc tổ chức dạy học vẫn không nhiều thay đổi.

Chia sẻ thêm điều này, thầy giáo Hoàng Ngọc Thanh nói thêm: Chúng tôi vẫn duy trì dạy học 2 buổi/1 ngày để bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho các em. Ngoài ra, từ trước Tết nhà trường cũng đã bắt đầu dạy học các môn tăng cường cho học sinh như Tin học, tiếng Anh, kỹ năng sống. Nhiều năm nay nhà trường cũng không tổ chức thu tiền dạy thêm của học sinh. Thay vào đó, nhà trường sẽ bố trí các giáo viên đang thiếu tiết dạy thêm vào các buổi chiều.

bna_bua-com-tat-nien-do-truong-pt-dtbt-thcs-huu-kiem-to-chuc-cho-hoc-sinh-truoc-tet-nham-dong-vien-cac-em-di-hoc(1).jpg
Trước khi nghỉ Tết, Trường PT DTBT THCS Hữu Kiệm và nhiều trường học khác ở các huyện miền núi đã tổ chức "Tết sum vầy" để tạo không khí vui tươi, phấn khởi và động viên học sinh không bỏ học sau Tết. Ảnh: NTCC

Để việc dạy học sớm được ổn định sau Tết, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, ngay trong Tết Nguyên đán, Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo ở các địa phương cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà trường tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Bên cạnh đó, cần rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh. Riêng đối với học sinh nghèo, khó khăn cần huy động các nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các em trong dịp Tết, không được để cho học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.

Sau kỳ nghỉ Tết, ngành Giáo dục yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương ổn định nề nếp dạy, học và làm việc. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch và các điều kiện khác cho các kỳ thi trong năm 2025, kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo

Mỹ Hà