Nghệ An: Nhiều loại rau xanh giá chạm đáy, 1.000 đồng/kg
Sau Tết, nhiều mặt hàng rau, củ, quả trên địa bàn Nghệ An giảm giá thê thảm, chỉ có 1.000 đồng/kg. Bà con nông dân mong thương lái mua để thu hồi vốn, thậm chí có nhiều hộ nhổ bỏ tấp đống.
Người trồng rau thua lỗ
Những ngày đầu năm mới này, người dân tại các vùng chuyên trồng rau, củ trên địa bàn tỉnh như Quỳnh Lưu, Diễn Châu… đang thu hoạch những lứa cuối cùng của vụ Đông - Xuân.
Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, nhiều loại rau, quả trên thị trường giảm giá mạnh khiến người dân "đứng ngồi không yên". Giá quá thấp, bên cạnh đó, thương lái cũng hạn chế thu mua nên người dân đành bán đổ bán tháo, hoặc bỏ mặc không buồn chăm sóc, thậm chí nhổ tấp đống bên góc ruộng.
Tại cánh đồng chuyên canh rau vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu, đây là vựa rau quả lớn nhất tỉnh gần 600 ha, với hàng trăm hộ sản xuất theo hình thức thâm canh.
Theo người dân tại đây cho biết, dịp trước Tết, giá rau các loại như: Cải bắp, su hào, súp lơ, rau cúc, cải các loại, xà lách… có giá 2.000 đồng/kg, thì sau Tết bắt đầu giảm giá thê thảm, xuống mức thấp nhất 1.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua, dẫn đến rau quá lứa. Chỉ có cà chua 4.000 - 5.000 đồng/kg, hành hoa 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Ông Hồ Thân Yên ở xóm 2, xã Minh Lương buồn bã cho biết, gia đình ông vụ này canh tác 2 sào cà chua, 1 sào súp lơ và 0,8 sào rau cần. Do thời tiết năm nay thuận lợi, rau phát triển mạnh, nhưng bù lại giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ khó.
Ra Tết, súp lơ bán tại ruộng 1.000 đồng/cây (1,2 - 1,3 kg/cây), rau cần chỉ có 1.000 đồng/kg, lâu lâu mới có thương lái đặt mua vài ba yến, nên đến nay vẫn còn ¼ số cây súp lơ chưa tiêu thụ được, dẫn đến quá lứa, nhiều cây đã ra hoa, chẳng ai thu mua.
"1 sào súp lơ trồng được 1.000 cây, giá thu mua của thương lái như hiện nay chỉ thu về 1 triệu đồng; bắp cải 1 sào đạt năng suất cao nhất 5 tấn, bán với giá 1.000 đồng/kg, thu về 5 triệu đồng. Giá quá thấp, chỉ đủ bù tiền làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu… chứ công chăm sóc hay lời lãi thì chẳng có đâu", ông Yên bày tỏ.
Đang bê mấy sọt rau xà lách đi đổ, chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã Minh Lương cho hay, gia đình chị vụ Đông này trồng gần 1 sào xà lách để cung ứng thị trường. Nhưng giá quá thấp, chỉ có 1.000 đồng/kg, nên không buồn thu hoạch, mà nhổ bỏ để chuyển sang trồng cây khác.
"Tiền bán chẳng bù lại giống, phân bón hay công chăm sóc. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng rất khó khăn thương lái thu mua hạn chế. Bán lẻ thì chẳng bao nhiêu, có ngày cắt ra chợ ngồi cả buổi chẳng ai mua lại phải phải mang về đổ bỏ", chị Ngọc buồn bã chia sẻ.
Nguồn "cung quá cầu"
Bà Hồ Thị Ý, một thương lái thu mua rau, củ, quả trên địa bàn xã Minh Lương cho rằng, nguyên nhân rau các loại giảm giá mạnh dịp trước và sau Tết là do nguồn cung trên thị trường quá nhiều, trong khi đầu ra giảm. Trước đây mỗi ngày chị thu mua và xuất bán cả tấn rau, thì dịp này chỉ xuất bán được 2 - 3 tạ rau các loại. Vì lượng rau đang tồn đọng trên ruộng nhiều, nên thương lái chọn mua những đám ruộng rau, củ, quả đẹp cho dễ tiêu thụ.
Quan sát trên cánh đồng của vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu cho thấy, lượng rau đến kỳ thu hoạch đang tồn đọng khá nhiều, trong đó nhiều nhất là cà chua, cải bắp, súp lơ, rau cần… dù đến kỳ thu hoạch vẫn không được thu mua, vì thế, nhiều đám rau không được chăm sóc dẫn đến khô héo.
Cà chua là sản phẩm hiện đang còn khá nhiều trên các cánh đồng của huyện Quỳnh Lưu. Quan sát cho thấy, mặc dù cà chua chín đỏ trên cây, nhưng bà con thu hoạch nhỏ giọt. Ông Nguyễn Văn Thanh ở xóm 8, xã Minh Lương cho biết: Gia đình trồng được 3 sào cà chua (giống cà chua Nông Hựu), sau hơn 3 tháng chăm sóc, bắt đầu cho thu hoạch dịp sát Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, khác với cùng kỳ năm trước, thương lái thu mua với giá 8.000 đồng/kg, thì nay chỉ có 4.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng sức tiêu thụ chậm, khiến cà chua chín hàng loạt vẫn không thu hoạch được. Mỗi ngày thương lái chỉ đặt hàng 2 - 3 tạ, trong khi nhu cầu bán ra phải là 1 tấn/ngày. Với giá bán này, người trồng cà chua có chút lãi, nhưng nếu giảm giá nữa là thua lỗ.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, vụ Đông - Xuân này, nông dân trên địa bàn huyện canh tác khoảng 1.177 ha rau, củ, quả các loại, tập trung nhiều nhất ở các xã vùng bãi ngang: Minh Lương, Quỳnh Bảng, Phú Nghĩa…
Trên địa bàn huyện Diễn Châu, tình trạng rau, củ, quả rớt giá sau Tết cũng diễn ra tại các địa phương. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời điểm ra Tết này, toàn huyện còn khoảng 300 ha rau, củ, quả các loại. Nhìn chung, dịp ra Tết, các loại rau xanh đều giảm giá sâu, khó tiêu thụ.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay, dịp ra Tết này toàn tỉnh hiện còn khoảng 10.000 ha rau vụ Đông, tập trung nhiều nhất ở các địa phương Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương… Nguyên nhân rau rớt giá sâu sau Tết Nguyên đán là do, năm nay thời tiết thuận lợi, nên rau màu phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, nên nguồn cung dồi dào, trong khi ra Tết lượng tiêu thụ rau chững lại./.