Giáo dục

Câu chuyện về 2 giải Nhất quốc gia môn Tiếng Anh của xứ Nghệ

Mỹ Hà 06/02/2025 21:11

Phạm Hoàng Hiển và Phan Khánh Linh (lớp 12C5) là 2 học sinh xuất sắc đem về giải Nhất môn Tiếng Anh cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay. Vượt qua nhiều thí sinh khác, đây cũng là 2 thí sinh đạt điểm cao nhất ở phần thi viết và phần thi nghe trong mùa thi năm nay.

Phan Khánh Linh: Không ngại thử thách

Cách đây 1 năm, sau khi biết tin giành giải Nhì ở Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và chỉ thiếu 0,3 điểm nữa là “chạm” đến giải Nhất, Phan Khánh Linh đã không chần chừ khi quyết định thi lại một lần nữa. Kể về kỷ niệm này, Linh nói thêm: Lúc đó em mới học lớp 11 và việc tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được xem như là thử sức. Thế nên dù kết quả khá tốt, em vẫn muốn được thử thách một lần nữa. Em cũng tự nhận thấy mình khá tham vọng.

Phan Khánh Linh là 1 trong 2 học sinh đồng thủ khoa đầu vào lớp 10 chuyên Anh vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Với nền tảng thuận lợi khi có bố và mẹ cùng là giáo viên Tiếng Anh nên từ những ngày tiểu học, THCS, em đã có một bề dày thành tích ở môn học này, trong đó có IELTS 8.0, giải Nhất, thủ khoa học sinh giỏi tỉnh khi đang học lớp 9.

Phan Khánh Linh có một bề dày thành tích trong môn Tiếng Anh.
Phan Khánh Linh có một bề dày thành tích trong môn Tiếng Anh. Cùng với 2 lần đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, năm học này Khánh Linh vừa đạt danh hiệu học sinh 3 tốt cấp trung ương. Ảnh: Mỹ Hà

Lên lớp 10, bước vào môi trường chuyên, Khánh Linh càng có cơ hội để phát huy được thế mạnh của bản thân. Nói về cô học trò này, cô giáo Nguyễn Thanh Mỹ - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C5 và chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của trường cho biết: Ngay khi mới vào lớp 10, Khánh Linh đã là học sinh “tiềm năng” của lớp và chúng tôi đã cho em tiếp xúc với các đề thi học sinh giỏi để em sớm được thử sức ở đội tuyển quốc gia. Ở Linh, các kỹ năng của em phát triển khá toàn diện. Hơn thế, là một học sinh nữ nên Linh rất chăm chỉ, chỉn chu, chịu khó, chưa bao giờ khiến thầy cô phải nhắc nhở.

Đặt mục tiêu ở Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nên Khánh Linh cho biết, em đã đưa ra lộ trình ôn tập rất rõ ràng. Đồng hành với Linh trong quá trình học tập, ngoài cô giáo chủ nhiệm, Linh còn có mẹ - cô giáo Đặng Thị Kim Oanh, cũng là một trong hai giáo viên bồi dưỡng chính của đội tuyển ở mùa thi năm nay. Nói về điều “đặc biệt” này, Linh kể thêm: Em khá thuận lợi trong quá trình ôn tập vì có thể hỏi mẹ, hỏi cô bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên, điều này lại càng đòi hỏi em phải nỗ lực cố gắng, không phải cho bản thân em mà còn cho gia đình, cho nhà trường.

bna_khanh-linh(1).jpg
Khánh Linh nhận danh hiệu học sinh 3 tốt cấp trung ương. Ảnh: NVCC

Quá trình tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Linh cũng cho biết, em chịu khá nhiều áp lực, nhất là khi em đưa ra quyết định thi lại và đặt mục tiêu khá cao trong kỳ thi năm nay. Để đạt được kết quả tốt nhất, Linh cũng không ngại để tự “mổ xẻ” năng lực bản thân, tìm ra điểm yếu để tự khắc phục. Kể về thời gian ôn thi, Linh nói thêm: Khi trên lớp, giáo viên sẽ là người ra bài, chữa bài cho học sinh. Tuy nhiên, khi về nhà, chúng em phải tự học, tự tìm tòi tài liệu trên mạng. Bên cạnh đó, với đặc thù của môn Tiếng Anh, ngoài nắm chắc ngữ pháp, không cho phép để sai khi làm bài, em còn phải luyện nhiều kỹ năng khác như nghe, nói và viết. Trong các kỹ năng, em tự tin nhất là phần viết và điều đó được em thể hiện khá tốt trong bài thi của mình. Điều em bất ngờ, đó là em đạt điểm cao nhất ở phần thi này với 4.6/5 điểm, một thành tích nằm ngoài dự đoán của bản thân.

Khánh Linh và mẹ, cô giáo Đặng Thị Kim Oanh - đồng giáo viên bồi dưỡng đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh - Mỹ Hà
Khánh Linh và mẹ, cô giáo Đặng Thị Kim Oanh - đồng giáo viên bồi dưỡng đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Một kỷ niệm vui của Khánh Linh trong mùa thi năm nay đó là khi em nhận kết quả khi biết tin mình giải Nhất. Trước đó, dù đã có một kỳ thi khá tốt nhưng Linh vẫn chưa thực sự tự tin: Em và mẹ đều không dám xem kết quả. Thế nên, em đã gửi số báo danh cho cô giáo chủ nhiệm và nhắn với cô, nếu em đạt giải Nhất thì hãy thông báo cho em. Khi nhận được điểm thi và biết tin mình là 1 trong 2 thí sinh đạt giải Nhất em thực sự vỡ òa vì hạnh phúc.

Phạm Hoàng Hiển: Từ học sinh trung bình đến giải Nhất quốc gia

Nếu như Phan Khánh Linh có bước khởi đầu thuận lợi thì Phạm Hoàng Hiển là một học trò khá đặc biệt. Kể về những năm học THCS ở Trường THCS Hưng Dũng (thành phố Vinh), Hiển không ngại khi thú nhận rằng em chỉ là học sinh trung bình.

Phạm Hoàng Hiển là một thành viên đặc biệt của đội tuyển quốc gia môn Tiếng Ảnh. Ảnh - Mỹ Hà
Phạm Hoàng Hiển là một thành viên đặc biệt của đội tuyển quốc gia môn Tiếng Ảnh. Ảnh: Mỹ Hà

Lớp 6 vào trường, em chỉ được xếp vào lớp E, một lớp rất bình thường. Đến năm lớp 8, có lẽ em có một chút năng khiếu về Tiếng Anh nên cô giáo dạy Tiếng Anh của em khi đó đã xin cho em vào lớp chọn của trường và cho em vào đội tuyển học sinh giỏi. Hai năm lớp 8 và lớp 9, em đều được công nhận học sinh giỏi thành phố nhưng thành tích không cao, có năm em chỉ đạt giải Khuyến khích. Sau đó, một lần nữa các thầy cô thương em, xin cho em cơ hội vào đội tuyển thành phố để đi thi tỉnh và may mắn em đã đạt giải Nhì.

Học sinh Phạm Hoàng Hiển

Luôn tự nhận mình chỉ là học sinh có năng lực hạn chế nên việc đạt học sinh giỏi tỉnh và sau đó đậu vào lớp chuyên Anh với thành tích khiêm tốn (xếp thứ 32/35 học sinh) với Phạm Hoàng Hiển là “điều không thể tin được”.

Hiển cũng thú nhận rằng, ngoài ôn đội tuyển và học thầy cô trên lớp, năm lớp 9 em không đi ôn chuyên như hầu hết các bạn khác. Với xuất phát điểm khá thấp, khi mới vào trường Phan, Hiển khá “ngợp” khi các thành viên trong lớp hầu hết đều xuất phát từ trường chuyên của thành phố. So với các bạn, Hiển luôn biết, mình kém hơn rất nhiều.

Phong cách học của Hiển cũng khác với số đông khi Hiển tiếp cận Tiếng Anh theo “sở thích” và việc học thiên về ứng dụng thay vì chú trọng nhiều vào sách vở và làm bài tập.

Cô giáo Nguyễn Thanh Mỹ và học sinh Phạm Hoàng Hiển. Ảnh - Mỹ Hà
Cô giáo Nguyễn Thanh Mỹ và học sinh Phạm Hoàng Hiển. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, Hiển nói rằng, em chỉ học Tiếng Anh đầy đủ từ năm lớp 6. Tuy nhiên, nam sinh này lại tiếp cận với Tiếng Anh khá sớm chỉ vì lý do đơn giản là để thỏa mãn sở thích xem phim: Từ khi 5 tuổi em đã thích xem phim hoạt hình trên kênh Bibi. Nhưng xem một thời gian ngắn em nhận ra các kênh nước ngoài thường chiếu sớm hơn vài tập và hình nét hơn. Vì thế, em tập xem kênh nước ngoài và tự đoán chữ, đoán nội dung.

Thói quen xem phim và xem các chương trình nước ngoài theo thời gian đã giúp Hiển có một kỹ năng nghe đặc biệt. Điều này, cũng là yếu tố khiến Hiển nhận được sự chú ý của cô giáo chủ nhiệm dù rằng các kỹ năng khác của em có nhiều hạn chế. Kể về Hiển, cô giáo Nguyễn Thanh Mỹ nói xem: Dạy một thời gian ngắn, tôi rất bất ngờ về kỹ năng nghe của Hiển, nhất là nghe các bản tin với ngữ liệu gốc. Hiển cũng là một học sinh rất cá tính, từ lớp 10 em đã chủ động xin vào đội tuyển quốc gia.

một buổi ôn tập
Những giờ ôn tập luôn đem đến hứng thú cho Hiển và Khánh Linh. Ảnh: Mỹ

Một thế mạnh khác của Hiển đó là vốn từ phong phú. Tuy nhiên, do khả năng nói, cách diễn đạt có hạn nên thời gian đầu mới tập trung vào đội tuyển, Hiển phải rèn luyện khá nhiều. Vào đội tuyển, Hiển cũng phải tự khắc phục hạn chế của cá nhân, việc học phải thay đổi từ học theo bản năng sang học một cách kỷ luật.

Đồng hành trong quá trình ôn thi với Hiển, cô giáo Thanh Mỹ kể thêm: Thường thi khi chọn thành viên vào đội tuyển quốc gia, chúng tôi sẽ phải chọn những học sinh có đầy đủ 4 kỹ năng. Nhưng Hiển là một thành viên đặc biệt. Điều chúng tôi đánh giá cao ở Hiển là việc em rất nỗ lực, chịu khó, sau mỗi lần bị cô cho điểm thấp hoặc bị mắng đều có ý thức thay đổi. Từ một học sinh yếu về phần đọc, em đã vươn lên và được các thầy cô bồi dưỡng đánh giá là học sinh có khả năng đọc tốt nhất. Phần viết, em có ưu thế ở lối tư duy, mạch lạc, rõ ràng và tóm tắt vấn đề lưu loát.

Đội tuyển
Đội tuyển học sinh giỏi Tiếng Anh năm nay của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có một mùa thi thành công với 10/10 thí sinh đều đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Ảnh: NTCC

Trước khi tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Hiển cũng đã từng dành giải Ba, học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11. Dù không đặt nặng thành tích ở kỳ thi sau này, nhưng tự bản thân Hiển cũng cho biết, em luôn cố gắng để đem lại “tiếng thơm” cho bố mẹ, cho thầy cô.

Một kỷ niệm đặc biệt ở Kỳ thi năm nay khi Hiển là thí sinh duy nhất của đội tuyển phải thi lại phần nói vì sơ suất ở phần kỹ thuật. Trong quãng thời gian gần 2 tiếng để chờ thi lại, nam sinh này cho biết rất căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, cuối cùng vượt lên sự bất an, Hiển đã có một phần thi khá thăng hoa khi chủ đề của phần thi này giúp em có cơ hội được thể hiện mình.

Câu hỏi ở phần thi nói đề cập đến chủ đề “hạnh phúc của bản thân”. Vì thế, em đã kể lại câu chuyện của chính mình từ một học sinh trung bình, được vào trường chuyên của tỉnh và trở thành học sinh giỏi quốc gia. Em nghĩ hạnh phúc chính là tự vượt lên bản thân và luôn nỗ lực để hoàn thành mục tiêu của mình.

Phạm Hoàng Hiển

Với lợi thế ở phần nghe, Hiển đã tiếp đích thành công khi vượt qua một bài thi khó và đạt được 4,6/5 điểm, số điểm cao nhất trong tất cả các thí sinh đều tham dự. Điều bất ngờ hơn, ở tất cả các phần thi còn lại, Hiển cũng đã đạt với điểm số rất cao và em đạt 16,3 điểm, dành giải Nhất với vị trí á khoa toàn quốc.

Cô giáo Đặng Thị Kim Oanh - đồng chủ nhiệm đội tuyển nói rằng: Khi nghe được thành tích của Hiển và Khánh Linh tôi đã rất xúc động và vỡ òa cảm xúc. Thành công của các em là xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng, vượt qua chính mình.

Hoàng Hiển, Khánh Linh cùng các cô giáo bồi dưỡng. Ảnh - Mỹ Hà
Hoàng Hiển, Khánh Linh cùng các cô giáo bồi dưỡng. Ảnh: Mỹ Hà

Là những giáo viên tương lai

Với hai lần đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đều có chứng chỉ IELTS 8.5 và 8.0, Phan Khánh Linh và Phạm Hoàng Hiển đang đứng trước rất nhiều cơ hội để vào các trường đại học tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, dường như không cần lựa chọn, Phan Khánh Linh tự tin nói rằng, em sẽ vào ngành sư phạm để tiếp nối truyền thống của gia đình.

bna_hiem-va-khanh-linh-dang-nuoi-uoc-mo-tro-thanh-giao-vien-tieng-anh-trong-tuong-lai.-anh-my-ha(1).jpg
Hoàng Hiển và Khánh Linh đều nuôi ước mơ trở thành giáo viên Tiếng Anh trong tương lai. Ảnh: Mỹ Hà

Trong khi đó, Phạm Hoàng Hiển dù lớn lên trong gia đình cả bố và mẹ đều công tác ở ngành y tế nhưng em cũng quyết định sẽ theo đuổi giấc mơ trở thành giáo viên: Em muốn được đi dạy để truyền tình yêu Tiếng Anh với các học trò. Hơn nữa, em cũng muốn được trao cơ hội cho các học sinh của mình. Em nghĩ rằng, em sẽ không được như ngày hôm nay nếu như không được các cô giáo của mình những năm cấp II, giáo viên ở trường Phan tin tưởng, lựa chọn. Điều đó đã tiếp thêm cho em nghị lực, niềm tin để em được phát huy và được thể hiện năng lực của mình và giúp em có được kết quả như ngày hôm nay.

Mỹ Hà