Thời sự

OCOP nâng tầm giá trị và thương hiệu nông sản Nam Đàn

Mai Hoa 07/02/2025 11:31

Huyện Nam Đàn có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh, với 100% xã, thị trấn đều có sản phẩm; từ đó, giúp nông sản của Nam Đàn khẳng định được về chất lượng và nâng tầm thương hiệu trên thị trường.

ocopnamdan-cover.png

Mai Hoa • 07/02/2025

ocopnamdan-tit1.png

Sen Quê Bác nay đã đi vào tiềm thức của người Việt, được trồng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Kim Liên (Nam Đàn). Tên gọi thân thương đó đã trở thành thương hiệu của 15 sản phẩm hàng hóa thuộc 2 dòng trà uống (gồm trà tâm sen, trà liên tu, trà ướp gạo sen) và dòng thực phẩm (gồm hạt sen tươi và khô, củ sen tươi và khô, tinh bột củ sen, mứt sen, bánh cà hạt sen) của của Hợp tác xã Sen quê Bác.

Ông Phạm Kim Tiến - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác chia sẻ: Trong 15 sản phẩm, đã có 11 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao. Hiện số người dùng các sản phẩm OCOP sen quê Bác rất nhiều, đó là thành công lớn nhất của sản phẩm.

 6
Lãnh đạo huyện Nam Đàn tìm hiểu thị trường tiêu thụ các sản phẩm sen quê Bác. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài được đánh giá, xếp hạng OCOP, sản phẩm trà liên tu của Hợp tác xã Sen quê Bác trở thành 1 trong 100 sản phẩm tiêu biểu trong cả nước được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao Giải thưởng “Mai An Tiêm” lần thứ nhất năm 2024; đồng thời, được trao Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn, công nhận trên cơ sở các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và lan tỏa trên thị trường…

Sản phẩm chanh Thiên Nhẫn của Hợp tác xã Chanh Nam Kim với nguyên liệu chính từ quả chanh có sẵn trên dãy núi Thiên Nhẫn thuộc các xã Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) với quy mô hơn trên 700 ha, với 6 sản phẩm OCOP 3 sao, cũng đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, 3 sản phẩm thuộc dòng thảo mộc, gồm nước lau sàn, nước giặt, nước rửa chén, được nhiều người tiêu dùng Nghệ An và các địa phương Hà Nội, Ninh Bình, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… biết đến và sử dụng.

Công đoạn sấy chanh ngâm mật ong và đóng gói sản phẩm dầu gội đầu của Hợp tác xã Chanh Nam Kim; Công đoạn làm sản phẩm chè sen của Hợp tác xã Sen quê Bác. Ảnh: CSCC
Công đoạn sấy chanh ngâm mật ong và đóng gói sản phẩm dầu gội đầu của Hợp tác xã Chanh Nam Kim; Công đoạn làm sản phẩm chè sen của Hợp tác xã Sen quê Bác. Ảnh: CSCC

Trên cơ sở liên kết hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm, thuộc Tập đoàn Vingroup cho HTX Chanh Nam Kim nâng cao năng lực quản lý, năng lực và quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và thị trường; theo ông Đặng Văn Hóa - Giám đốc Hợp tác xã Chanh Nam Kim, hiện tại, HTX đang đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại và phát triển thành viên với khoảng 500 hộ dân trồng chanh nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định ở huyện Nam Đàn và phát triển quy mô sản xuất ở một số tỉnh, thành trong cả nước.

Nếu các dòng sản phẩm sen quê Bác và chanh Thiên Nhẫn được xây dựng và phát triển trên cơ sở vùng nguyên liệu có sẵn tại địa phương thì sản phẩm nước tương, thương hiệu “Sa Nam Hương Dương” đạt OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam lại được phát triển từ sản phẩm truyền thống của quê hương “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”.

Công đoạn ủ làm nước tương và thành phẩm tương Sa Nam Hương Dương. Ảnh: Mai Hoa
Công đoạn ủ làm nước tương và thành phẩm tương Sa Nam Hương Dương. Ảnh: Mai Hoa

Bà Hồ Thị Xuân Hương - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam Hương Dương cho biết: “Chính việc xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo ra quy trình sản xuất bài bản, đảm bảo chất lượng về sản phẩm. Dù sản phẩm nước tương kén khách hàng, không phải gia đình nào cũng dùng, nhưng trong số “cộng đồng” người dùng nước tương truyền thống, khi đã dùng sản phẩm “Sa Nam Hương Dương” thì không dùng nước tương nào khác nữa, nên doanh thu tăng đều hàng năm, khoảng 10%”.

Qua tìm hiểu quy trình sản xuất và đánh giá của thị trường về sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nam Đàn, chúng tôi ghi nhận phản hồi tích cực từ chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP ở huyện Nam Đàn được xây dựng và phát triển theo 2 nhóm: Nhóm các sản phẩm truyền thống của địa phương và nhóm trên cơ sở khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn. Phân chia theo nhóm sử dụng, gồm nhóm thực phẩm, nhóm thảo dược, nhóm đồ uống; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn; nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí…

 5
Lãnh đạo huyện Nam Đàn kiểm tra gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương trên địa bàn huyện. Ảnh: Mai Hoa
ocopnamdan-tit2.png

Với mục tiêu khai thác, phát huy các tiềm năng, giá trị truyền thống của địa phương, đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; đặc biệt, với mong muốn tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch khi về với Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; công tác chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP là nhiệm vụ chính trị được cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở quan tâm chỉ đạo.

UBND huyện đã ban hành Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP huyện Nam Đàn gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện trực tiếp chỉ đạo chương trình; thành lập tổ OCOP cấp huyện để vừa tham mưu cho Ban Chỉ đạo, vừa trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.

 Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn kiểm tra quy trình bảo quản sản phẩm dò bê.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn kiểm tra quy trình bảo quản sản phẩm dò bê. Ảnh: Mai Hoa

Để đảm bảo các xã đều có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện mời trực tiếp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở những cơ sở chưa xây dựng được sản phẩm lên trao đổi nhằm vừa động viên, vừa giao trách nhiệm cụ thể. Nhờ vậy, sau 5 năm chỉ đạo bài bản, quyết liệt, hiện Nam Đàn trở thành huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với tổng 81 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

bieudo-sanphamocopnamdan.png
 sản xuất tinh bột nghệ - sản phẩm OCOP tại xã Nam Anh
Sản xuất tinh bột nghệ - sản phẩm OCOP tại xã Nam Anh. Ảnh: MaiHoa

Bên cạnh khẳng định số lượng lớn và giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP trên thị trường, như trao đổi của đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thì: Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương đã quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu “đặc sản” như sen, chanh, sắn dây, đậu tương, hồng, quýt…, chăn nuôi bê, gà đồi; gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

ông Sơn

Huyện Nam Đàn tiếp tục đặt ra quyết tâm tăng số lượng sản phẩm OCOP và nâng tầm giá trị, thương hiệu sản phẩm trên thị trường".

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Từ kinh nghiệm chỉ đạo và thực tế của sản phẩm, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cũng cho biết: Song song với tiếp tục phát triển, tăng thêm số lượng sản phẩm OCOP, huyện Nam Đàn tiếp tục tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các chủ thể OCOP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm OCOP hiện có, gắn với lan tỏa sâu, rộng các sản phẩm trên thị trường.

Huyện Nam Đàn đang tiếp tục tăng diện tích trồng sen, vừa tạo cảnh quan nông thôn đẹp, vừa tạo vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP từ sen. Ảnh: CSCC
Huyện Nam Đàn đang tiếp tục tăng diện tích trồng sen, vừa tạo cảnh quan nông thôn đẹp, vừa tạo vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP từ sen. Ảnh: CSCC

Mai Hoa