Tháng Giêng là thời điểm đánh bắt chính vụ cá trích. Tàu thuyền đánh bắt gần bờ, cập bến chỉ sau vài tiếng ra khơi, những mẻ cá tươi ngon nhất, con to nhất được thương lái thu mua đưa về đây sơ chế, nướng để cung ứng ra thị trường. Ảnh: T.P Cá được chọn nướng phải là những con cá tươi xanh, vảy đang lấp lánh ánh bạc thì mới có vị ngon, thơm, ngọt… Ảnh: Thanh Phúc Thời điểm này, các làng biển từ Nghi Thủy, Nghi Hải, Thu Thủy (thành phố Vinh), Diễn Vạn (Diễn Châu), Văn Hải, Phú Nghĩa (Quỳnh Lưu), Quỳnh Phương, Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) liên tục đỏ lửa nướng cá trích, cá cơm, cá thu… để phục vụ thị trường sau Tết. Ảnh: Thanh Phúc Bà Nguyễn Thị Xuân, người có kinh nghiệm nướng cá lâu năm ở phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Nướng cá đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải cẩn thận và tỉ mỉ. Khi xếp cá lên vỉ phải căn làm sao cho vừa vặn, để kịp xoay vòng lật trở; khi nướng vừa phải điều chỉnh than ở phía dưới sao cho nhiệt dàn đều. Mỗi loại cá có đặc điểm khác nhau, con dày mình, con mỏng thịt nên thời gian, cách nướng cũng khác nhau”. Ảnh: Thanh Phúc Để cá chín đều, đẹp và thơm, người nướng phải ngồi túc trực và trở cá liên tục. Vì nếu không đủ nhiệt cá sẽ không chín, nếu quá lửa thì cá sẽ cháy khét. Ảnh: Thanh Phúc Bà Hồ Thị Thắng, chủ lò nướng tại xã Diễn Vạn (Diễn Châu) cho biết: “Sau Tết, nhu cầu thị trường tăng cao khi người dân mua làm quà biếu, du khách về du Xuân, đi lễ hội đầu năm nên chúng tôi cũng mở hàng sớm hơn, mồng 4 Tết đã đỏ lửa nướng cá. Bình quân mỗi ngày cơ sở chúng tôi nướng khoảng 5 - 7 tạ cá, thuê 4 - 5 công nhân làm việc”. Ảnh: Thanh Phúc Nghề nướng cá mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương vùng biển. Nhân công làm cho các cơ sở nướng cá được trả công mỗi ngày từ 250.000 – 400.000 đồng/lao động. Ảnh: T.P Tuy nhiên, lao động làm nghề nướng cá rất vất vả để mưu sinh. “Nhiệt độ ngoài trời mấy ngày này giảm sâu nhưng bên lò than rực đỏ thế này chúng tôi mướt mồ hôi. Tay liên tục cời than, trở cá, dù đi 2 lớp găng tay dày nhưng vẫn nóng rát bởi lửa than, người lấm lem khói bụi”, chị Hoàng Thị Lý, một nhân công nướng cá ở phường Nghi Thủy (TP.Vinh) chia sẻ. Ảnh: Thanh Phúc Hiện nay, nhằm tăng lợi thế cho nghề cá nướng, nhiều địa phương vùng biển đã lên phương án xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại và mang tính bền vững nhằm giảm sức lao động, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do khói than gây ra. Ảnh: Thanh Phúc Đồng thời, hướng đến xây dựng sản phẩm cá nướng trở thành sản phẩm OCOP để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các lao động làm nghề nướng cá... Ảnh: Thanh Phúc
Thanh Phúc