Xã hội

Ngày Thơ Việt Nam: Những đóng góp của thi nhân xứ Nghệ

Vân Thắng 12/02/2025 11:55

Nhiều người vẫn cho rằng Ngày Thơ Việt Nam ra đời từ cảm hứng của bài thơ "Nguyên tiêu" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào đêm Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948) giữa chiến khu Việt Bắc đầy chất thơ và hào khí. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào lịch sử văn học dân tộc, chúng ta sẽ thấy rằng tinh thần của Ngày Thơ Việt Nam đã có từ rất lâu trước đó, ít nhất là từ thời Trần...

ngaythovn-cover.png

Vân Thắng • 12/02/2025

Nhiều người vẫn cho rằng Ngày Thơ Việt Nam ra đời từ cảm hứng của bài thơ "Nguyên tiêu" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào đêm Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948) giữa chiến khu Việt Bắc đầy chất thơ và hào khí. Bài thơ đã trở thành một biểu tượng trong thơ ca cách mạng, đồng thời gắn liền với sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần đầu tiên tổ chức vào Rằm tháng Giêng năm 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào lịch sử văn học dân tộc, chúng ta sẽ thấy rằng tinh thần của Ngày Thơ Việt Nam đã có từ rất lâu trước đó, ít nhất là từ thời Trần, mà chứng rõ ràng nhất là câu chuyện về danh sĩ Hồ Tông Thốc làm trăm bài thơ trong đêm Nguyên tiêu, được ghi chép trong cuốn sách Nam Ông mộng lục.

Nam Ông mộng lục - những câu chuyện hay về hiền tài nước Việt

Ông Mộng Lục là một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng - con trai Vua Hồ Quý Ly, một người vừa là văn thần, vừa là một bậc trí thức tài năng. Cuốn sách này được viết khi ông đang sống lưu vong tại Trung Quốc sau thời gian triều đại nhà Hồ sụp đổ, mang theo nhiều ký ức, câu chuyện về những bậc hiền tài và hào kiệt của nước Việt.

Tác phẩm này có thể coi là một tập truyện ký, ghi lại những câu chuyện về các nhân vật nổi bật trong lịch sử Đại Việt, không chỉ về công trạng mà còn về tài năng, học vấn và nhân cách. Trong số đó, một trong những nhân vật được nhắc đến là Hồ Tông Thốc, một bậc danh sĩ, sử gia và thi nhân xuất chúng dưới thời Trần.

Tư liệu
Tranh Nam Ông mộng lục và tác phẩm 'Nam Ông mộng lục' của Hồ Nguyên Trừng.

Chính nhờ Nam Ông Mộng Lục, chúng ta mới biết đến một câu chuyện đặc biệt. Xin được ghi lại nguyên văn, cũng như dịch nghĩa như sau:

詩酒驚人

演州人胡宗鷟少年登科頗有才名初未甚顯適至元宵有道人黎法官者張燈設席以延文客宗鷟受簡請題⼀夜席上賦詩百⾸飲酒百杯衆皆環視歎服無與敵者自是名震都下後以文學為人師臣事陳藝王官至翰林學士承旨兼審刑院使詩酒無虛日年八十餘壽終于家

Uống rượu làm thơ rung động thiên hạ.

Hồ Tông Thốc người Diễn Châu, đỗ đạt khi còn trẻ tuổi, rất tài hoa và có danh vọng. Ban đầu khi chưa nổi tiếng, gặp dịp NGUYÊN TIÊU, có đạo nhân Lê Pháp Quan giăng đèn mở tiệc mời KHÁCH VĂN CHƯƠNG. Tông Thốc nhận thiếp xin ĐỀ THƠ. Trong bữa tiệc đêm đó, THƠ VIẾT TRĂM BÀI, rượu uống trăm chén, không ai so được. Từ đó nổi tiếng khắp kinh đô, sau lại lấy văn chương mà làm thầy thiên hạ. Làm bề tôi thờ Vua Trần Nghệ Tông, làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ, Thừa chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ. Làm thơ uống rượu không ngày nào vắng. Thọ hơn 80 tuổi, mất tại nhà.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng, đêm Nguyên tiêu mà Hồ Tông Thốc đã làm thơ, uống rượu và trở thành tâm điểm của giới văn nhân đương thời. Sự kiện này không chỉ cho thấy tài năng kiệt xuất của ông, mà còn cho thấy rằng dưới thời Trần, trong những đêm Rằm tháng Giêng, người Việt đã có những dịp đặc biệt để tôn vinh thơ ca, nơi mà các thi nhân tụ hội, sáng tác và đối ẩm cùng nhau. Tuy không có một “Ngày Thơ Việt Nam” chính thức như ngày nay, nhưng có thể nói rằng đêm Nguyên tiêu khi ấy đã mang tinh thần của một “ngày thơ”, khi văn chương và tài năng thi phú được đề cao, ca ngợi.

20200417090926-vh.jpg
Ảnh minh họa.

Câu chuyện về Hồ Tông Thốc trong sách Nam Ông mộng lục nói trên không chỉ là một giai thoại thi ca, mà còn là một minh chứng cho truyền thống yêu thơ của dân tộc ta, một truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm trước khi Ngày Thơ Việt Nam chính thức ra đời.

Vậy nên, dù Ngày Thơ Việt Nam chính thức ra đời vào năm 2003 dưới sự quyết định của Hội Nhà Văn Việt Nam, và dù bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ có tầm ảnh hưởng sâu rộng, thì cũng cần nhìn nhận rằng từ xa xưa, thơ ca Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc, được trân trọng và vinh danh ngay trong những ngày lễ hội đầu năm như đêm Nguyên tiêu.

Người xứ Nghệ và những đóng góp trong lịch sử văn học

Điểm đặc biệt trong dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam là sự góp mặt của những người con xứ Nghệ, những con người mang trong mình tinh thần cứng cỏi, ý chí kiên cường nhưng cũng đầy chất thơ, tài hoa và khí phách. Cả danh sĩ Hồ Tông Thốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những nhà chính trị, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ đến từ quê hương xứ Nghệ.

Nhắc đến Hồ Tông Thốc, người ta không chỉ nhớ đến một nhà chính trị, một thi nhân tài hoa, mà ông còn là một sử gia lỗi lạc. Ông là người có công lớn trong việc ghi chép và bảo tồn lịch sử nước Việt. Dưới thời Trần, khi ý thức về lịch sử dân tộc ngày càng trở nên quan trọng, Hồ Tông Thốc đã để lại những bộ sử mang giá trị to lớn, tiêu biểu là bộ “Việt Nam thế chí”, giúp hậu thế hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước. Không chỉ là những ghi chép đơn thuần, mà sử sách của ông còn thể hiện một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, đề cao bản sắc và khí phách Đại Việt trước thiên triều phương Bắc. Đặc biệt, ông là người đầu tiên gọi tên nước ta là “Việt Nam”.

Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lê Việt Khánh
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lê Việt Khánh

Hồ Tông Thốc không chỉ là một sử gia khô khan, mà ông còn là một người thâm trầm, hào sảng, tài hoa, mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ. Trong những đêm trăng sáng Rằm tháng Giêng, ông ngồi giữa tiệc rượu, ứng khẩu thành thơ, xuất thần viết ra hàng trăm bài thơ mà người đời phải kinh ngạc. Ông không sáng tác chỉ để mua vui, mà trong từng vần thơ đều chứa đựng chiều sâu tri thức, triết lý và sự uyên bác của một Nho sĩ. Tài thơ và tài rượu của Hồ Tông Thốc đã trở thành huyền thoại, được ghi lại trong Nam Ông Mộng Lục, khiến danh tiếng của ông vang xa, không chỉ là một nhà sử học mà còn là một bậc tao nhân hiếm có.

Hơn 500 năm sau, lịch sử Việt Nam lại xuất hiện một người con xứ Nghệ khác, cũng là một thi nhân - một trí thức - một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đó chính là Hồ Chí Minh. Nếu Hồ Tông Thốc dùng ngòi bút để viết sử và làm thơ trong những bữa tiệc văn chương, thì Hồ Chí Minh dùng thơ để ghi lại cả một hành trình cách mạng, để chuyển tải những tư tưởng lớn lao, đánh thức tinh thần dân tộc. Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những bài thơ viết bằng chữ Hán, mang phong cách thi ca cổ điển, kết tinh từ truyền thống Nho học; nhưng không dừng lại ở đó, trong từng câu chữ, người đọc không chỉ thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, của văn hóa Á Đông, mà còn cảm nhận được tinh thần cách mạng mạnh mẽ, ý chí sắt đá của một nhà lãnh đạo vĩ đại.

nguyen tieu

Từ những bài thơ trong "Nhật ký trong tù", những vần thơ thể hiện khí phách kiên cường, đến bài "Nguyên Tiêu", nơi trăng sáng Rằm tháng Giêng hòa quyện với tinh thần bàn bạc việc quân - thơ của Hồ Chí Minh là sự kết nối giữa thi ca và chính trị, giữa văn chương và vận mệnh đất nước.

Cả Hồ Tông Thốc và Hồ Chí Minh đều là những bậc kỳ tài của xứ Nghệ, vừa mang trí tuệ sâu sắc, vừa có tâm hồn thi nhân. Một người ghi chép lịch sử bằng ngòi bút sử gia, một người viết nên lịch sử bằng chính những vần thơ giữa cuộc chiến đấu của dân tộc. Hai con người, dù cách nhau hàng thế kỷ, nhưng đều là những biểu tượng cho tinh thần văn hóa Việt Nam: trí tuệ - tài hoa - khí phách - yêu nước, những phẩm chất đã làm rạng danh xứ Nghệ và làm giàu thêm nền văn học nước nhà.

Sự hiện diện của cả hai trí thức người Nghệ trong lịch sử văn học Việt Nam không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Xứ Nghệ - với bề dày văn hóa, truyền thống hiếu học và tinh thần kiên cường - đã sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, góp phần làm rạng danh nền văn học nước nhà.

Đường vô Xứ Nghệ. Ảnh: Nhật Thanh
Đường vô xứ Nghệ. Ảnh: Nhật Thanh

Ngày Thơ Việt Nam chính thức được tổ chức từ năm 2003, nhưng tinh thần của nó đã có từ rất lâu trước đó. Nếu bài thơ "Nguyên Tiêu" của Hồ Chí Minh đã góp phần tạo cảm hứng cho sự ra đời của ngày này, thì sự kiện Hồ Tông Thốc làm thơ trong đêm Nguyên tiêu thời Trần cũng cho thấy rằng từ xa xưa, người Việt đã có một ngày để tôn vinh thơ ca như thế.

Suy cho cùng, Ngày Thơ Việt Nam không phải là một sự kiện mới mẻ, mà là sự tiếp nối của một truyền thống lâu đời - một truyền thống mà ở đó, những người yêu văn chương, yêu đất nước vẫn luôn tụ họp, đọc thơ, sáng tác và ngợi ca tinh thần dân tộc. Và trên hành trình ấy, những người con xứ Nghệ như Hồ Tông Thốc và Hồ Chí Minh chính là những ngọn đuốc rực sáng, tiếp thêm động lực để nền thơ ca Việt Nam mãi trường tồn, phát triển và tỏa sáng.

bna-5-761.jpg
Ngày Thơ Việt Nam tại Nghệ An. Ảnh: C.K

Vân Thắng