Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận về hai dự án Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Sáng 12/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
![bna_b187f379122bac75f53a.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_b187f379122bac75f53a.jpg)
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Đắk Nông.
Dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ĐBQH đoàn Bắc Giang.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đoàn Nghệ An có 4 lượt ý kiến về 2 dự án luật, tập trung chủ yếu vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); đạo luật có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
![bna_0fb8c7e176b2c8ec91a3.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_0fb8c7e176b2c8ec91a3.jpg)
Trên cơ sở phân tích tính cần thiết của việc kết nối giữa các giai đoạn phân tích và thảo luận chính sách tại Quốc hội, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, dự thảo luật bổ sung thêm quy định trong các hồ sơ trình Quốc hội cần phải bổ sung báo cáo đánh giá tác động của chính sách để các ĐBQH có cơ sở nghiên cứu.
Về tổng thể, thông qua đối sánh nội dung giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc để bổ sung thêm vai trò của các Đoàn ĐBQH tham gia ý kiến vào dự thảo trước khi trình ra Quốc hội.
Luật cũng nên ban hành một số nguyên tắc cơ bản về quy trình thủ tục ban hành văn bản của Chính phủ; đồng thời đề nghị giữ lại nguyên tắc là bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong sửa đổi luật lần này như luật hiện hành.
![bna_0273764e081cb642ef0d.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_0273764e081cb642ef0d.jpg)
Cũng liên quan đến dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An nêu ý kiến một số nội dung về phạm vi điều chỉnh và đề nghị làm rõ một số nội dung trong dự thảo.
Đặc biệt là đối với quy định trường hợp cho phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn, ông cho rằng cần làm rõ “trường hợp cấp bách để giải quyết phát sinh trong thực tiễn” như trong dự thảo để tránh tùy nghị; đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể thời gian lấy ý kiến qua cổng thông tin điện tử.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Trần Nhật Minh cũng nêu một số ý kiến và đề xuất cụ thể đối với việc quy định về phân định thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.
![bna_587cd64da81f16414f0e.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_587cd64da81f16414f0e.jpg)
Bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã đưa vào quy định về tham vấn chính sách. Tuy nhiên, trên cơ quan phân tích các quy định trong dự thảo luật về nội dung này, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần thể hiện rõ hơn và có quy định tham vấn chính sách với đối tượng chịu tác động và các nhà chuyên môn, chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Tương tự đối với quy định đánh giá tác động chính sách, theo bà Nguyễn Vân Chi, cũng cần nhấn mạnh hơn đánh giá tác động với các đối tượng liên quan gồm đối tượng hưởng lợi và bị ảnh hưởng.
Cũng liên quan đến nội dung về tham vấn chính sách, đại biểu Nguyễn Vân Chi cũng nêu quan điểm, việc quy định cơ quan Quốc hội đứng ra chủ trì thực hiện hội nghị tham vấn ở giai đoạn xây dựng chính sách và gửi cơ quan soạn thảo như trong dự thảo luật là chưa hợp lý. Vì các cơ quan của Quốc hội còn tham gia thẩm tra về chính sách ở giai đoạn thẩm tra. Do đó, theo bà cần quy định, cơ quan soạn thảo chủ trì hội nghị tham vấn về chính sách ở giai đoạn xây dựng chính sách.
![bna_11201dc8139aadc4f48b.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_11201dc8139aadc4f48b.jpg)
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Nghệ An đánh giá Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) chưa có quy định về nguyên tắc lồng ghép giới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật như luật hiện hành, trong khi đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Qua đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung nguyên tắc trên vào dự thảo luật.
![bna_fffc3bd08a8334dd6d92.jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/12/bna_fffc3bd08a8334dd6d92.jpg)
Bên cạnh đó, bà Hoàng Thị Thu Hiền cũng đề nghị, bổ sung quy định giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước như chủ trương của Đảng và quy định tại Hiến pháp; đồng thời qua đó góp phần đảm bảo kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập trong thực thi pháp luật và góp ý chỉnh sửa từ những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; quan trọng hơn nữa đảm bảo quyền của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.