Kinh tế

Lúa vụ Xuân phát triển chậm do rét, xuất hiện sâu bệnh hại

Phú Hương 13/02/2025 08:33

Đến thời điểm này, lúa vụ Xuân trên địa bàn Nghệ An cơ bản đã được gieo cấy. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại liên tục nên nhiều vùng lúa phát triển kém.

Khép kín diện tích lúa vụ Xuân

Đến thời điểm này, sản xuất lúa vụ Xuân cơ bản đã khép kín ở các huyện trọng điểm lúa và các huyện vùng thấp, đồng bằng, thậm chí năm nay, nhiều địa phương sản xuất vượt kế hoạch nhờ điều kiện nước tưới thuận lợi. Trong đó, diện tích lúa gieo thẳng là trên 40.000 ha. Ngoài ra, tại các huyện miền núi vẫn đang tiếp tục triển khai, khép kín diện tích sản xuất lúa vụ xuân.

Tuy nhiên, một yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất những ngày qua là rét đậm, rét hại xảy ra thường xuyên đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của lúa vụ Xuân. Nhiều trà lúa gieo cấy gặp rét phát triển chậm, thậm chí ngừng sinh trưởng.

cấy 1. Ảnh- Phú Hương
Những ngày qua, nông dân các địa phương đã tập trung ra đồng gieo cấy lúa Xuân. Ảnh: Phú Hương

Bên cạnh đó, tuy chưa nhiều nhưng một số đối tượng sâu bệnh hại như bọ trĩ, vàng lá đã bắt đầu xuất hiện ở các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu… Nguyên nhân do bị ngộ độc hữu cơ kết hợp ảnh hưởng của không khí lạnh, âm u liên tiếp thời kỳ lúa mới gieo cấy.

Vụ Xuân năm nay, huyện Đô Lương gieo cấy gần 8.500 ha lúa, hiện nay, lúa đã bén rễ, bước vào giai đoạn đẻ nhánh, bà con đang tập trung tỉa dặm, bón thúc, chăm sóc lần 1. Gia đình có 4 sào lúa đều gieo thẳng, chị Nguyễn Thị Minh ở xã Thịnh Sơn chia sẻ: Lúa phát triển tốt, đã được 2- 3 lá nhưng những ngày qua mưa rét liên tục, trời âm u nên rất lo lắng có sâu bệnh hại.

 Cày. Ảnh- Phú Hương
Cơ giới hoá, máy móc được đưa vào nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất Ảnh: Phú Hương

“Trước khi gieo tôi đã bỏ vôi cho lúa, đợt vừa rồi cũng đã phun thuốc diệt ốc bươu vàng, nhưng thời tiết này hay bị sâu bệnh nên tôi phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện bệnh đạo ôn trên lá để phòng trừ”, chị Minh cho hay.

Ông Phan Đức Hân - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Chính (Hưng Nguyên) cho biết: Vụ Xuân năm nay HTX sản xuất 72 ha lúa. Hiện tại, 30 ha lúa cấy phát triển rất tốt, nhưng diện tích lúa gieo thẳng có hiện tượng vàng lá và chết từng đám.

. Ảnh- Phú Hương
Nông dân nhổ mạ dặm những diện tích lúa gieo thẳng bị mất mật độ. Ảnh: Phú Hương

Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại

Đặc biệt, vụ Xuân năm nay là vụ sản xuất trong điều kiện chuột tích lũy và gây hại rất nhiều. Mặc dù tỉnh đã hỗ trợ thuốc diệt chuột sinh học để các địa phương tổ chức phòng trừ trên diện rộng, nhưng đối tượng này vẫn đang tiếp tục sinh sôi phát triển mạnh.

Cùng với đó, là loài sinh vật ngoại lai du nhập vào để nuôi, những năm qua ốc bươu vàng đã phát triển mạnh và trở thành sinh vật gây hại trên diện rộng, hầu như vùng nào cũng bị đối tượng này gây hại; ảnh hưởng rất lớn đến các loài động vật thủy sinh và gây mất cân bằng sinh thái đồng ruộng. Do sử dụng thuốc hóa học thường xuyên, liên tục nên một số loại thuốc hiện đã có biểu hiện giảm hiệu lực phòng trừ.

 óc bươu. Ảnh- Phú Hương
Đối tượng ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên đồng ruộng. Ảnh: Phú Hương

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, ốc bươu vàng đã phát sinh gây hại trên 144 ha, trong đó nhiễm nặng 1 ha; chuột phát sinh gây hại cục bộ với tổng diện tích hơn 107 ha và các địa phương đã tổ chức phòng trừ được trên 382 ha.

Ngoài ra, có 200 ha lúa ở huyện Hưng Nguyên và thành phố Vinh đã bị bệnh tuyến trùng rễ, trong đó, có 20 ha nhiễm nặng. Một số diện tích bị bọ trĩ, rệp muội phát sinh gây hại ở các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành…

Kiểm tra sản xuất lúa xuân. Ảnh: Phú Hương
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra sản xuất lúa vụ Xuân tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Phú Hương

Mới đây, sau khi đi kiểm tra sản xuất lúa vụ Xuân tại một số địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ, phục vụ đủ nguồn nước để nông dân chăm sóc lúa. Đồng thời, phân công cán bộ bám đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại cây trồng kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, chú ý các dịch hại chính như bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, chuột hại trên lúa để có thể phòng trừ kịp thời tùy thuộc vào diễn biến, mật độ và giai đoạn phù hợp.

Phú Hương