Kinh tế

Những bước tiến xây dựng huyện nông thôn mới Nghĩa Đàn

Trần Mạnh Hà 13/02/2025 08:43

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, diện mạo nông thôn mới trên toàn huyện Nghĩa Đàn đổi thay toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện cơ bản 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 ntm Nghĩa Đàn..

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, diện mạo nông thôn mới trên toàn huyện Nghĩa Đàn đổi thay toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện cơ bản 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trần Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn •13/02/2025

Những bước phát triển bền vững

Khi Nghĩa Đàn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM - năm 2010), trong điều kiện hết sức khó khăn, mới có 1 xã đạt 8 tiêu chí, 6 xã đạt từ 5 - 7 tiêu chí, 15 xã đạt từ 1 - 4 tiêu chí, 2 xã không đạt tiêu chí nào. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ 11,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 19,45%, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập thấp. Nhiều công trình phúc lợi thiết yếu ở một số xã tạm bợ, thiếu thốn hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, kênh mương chưa được bê tông hóa; trường học, trạm y tế xây dựng từ lâu, xuống cấp, chưa đủ nguồn lực để đầu tư nâng cấp.

Năm 2020, quy hoạch Khu công nghiệp Nghĩa Đàn và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được phê duyệt nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá cả bấp bênh. Hệ thống chính trị cơ sở có nơi chưa thực sự vững mạnh; nguồn ngân sách cấp huyện, xã còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu trong xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân xóm Phú Lộc, Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn chung sức xây dựng sân thể thao trên địa bàn. Ảnh: Minh Thái
Nhân dân các địa phương ở huyện Nghĩa Đàn chung sức xây dựng các công trình dân sinh ngày càng khang trang. Ảnh tư liệu: Minh Thái

Đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đạt NTM, trong đó, có 2 xã đạt NTM nâng cao, thị trấn Nghĩa Đàn đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Nghĩa Đàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở.

Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các nghị quyết xây dựng NTM như: Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 12/9/2011 về triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện Nghĩa Đàn, giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, quyết tâm phấn đấu đưa huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025; HĐND huyện ban hành các nghị quyết chuyên đề, khuyến khích, hỗ trợ để thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Nghĩa Đàn tham mưu HĐND huyện ban hành các cơ chế hỗ trợ cho các xã, cụ thể: Thưởng cho các xã về đích nông thôn mới mức từ 300- 400 triệu đồng, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 500 triệu đồng. Khuyến khích hỗ trợ xi măng đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới 500 tấn/xã; cho các xóm khó khăn đăng ký đạt chuẩn là 120 tấn/thôn, xóm; các xóm còn lại là 80 tấn/thôn, xóm, để thực hiện làm đường giao thông nông thôn...

Xã Nghĩa Lộc- Nghĩa Đàn.
Nhiều công trình xây dựng nông thôn mới góp phần cho xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) khởi sắc hơn. Ảnh tư liệu

Từ năm 2015 - 2025, tổng lượng xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Đàn trên 114.157 tấn. Trong đó, nguồn tỉnh cấp 101.054,15 tấn, huyện cấp 13.103 tấn. Huyện cũng có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho trường học trên địa bàn xây dựng đạt chuẩn quốc gia; ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, y tế cơ sở.

Các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện Nghĩa Đàn tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Cụ thể: Hội Nông dân thực hiện các chương trình: “Vườn chuẩn nông thôn mới”, “Vườn cây nông dân ơn Bác”, mô hình “Cánh đồng không có rác thải thuốc bảo vệ thực vật”; Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp”; Hội Cựu chiến binh với mô hình “Tuyến đường điện chiếu sáng”; Huyện đoàn với Chương trình "Hỗ trợ xây dựng các khu vui chơi góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở", Chương trình "Thắp sáng đường quê", "Đường cờ Tổ quốc"; Mặt trận Tổ quốc với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, phát động các đợt cao điểm xây dựng nông thôn mới, mô hình “Đường điện, đường cờ, đường hoa - Đại đoàn kết”, tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”…

Nhà văn hóa xóm Liên Tây, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) được đầu tư 2,3 tỷ đồng xây dựng khang trang từ nguồn ngân sách xã, người dân đóng góp và xã hội hóa. Ảnh Nguyên Nguyên
Nhà Văn hóa xóm Liên Tây, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) được đầu tư 2,3 tỷ đồng xây dựng khang trang từ nguồn ngân sách xã, người dân đóng góp và xã hội hóa. Ảnh: Nguyên Nguyên

Sau 14 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình xây dựng NTM của huyện đạt được kết quả toàn diện về mọi mặt, tiêu biểu đó là: Huyện Nghĩa Đàn trở thành trung tâm của vùng đất Phủ Quỳ, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 31.000 ha, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bền vững. Có doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đó là Tập đoàn TH đầu tư trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao đóng chân trên địa bàn. Là huyện có thế mạnh về đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp.

Trong những năm qua, khoa học công nghệ và công nghệ cao đã được ứng dụng, bước đầu góp phần làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 18,66%, giai đoạn 2021 - 2024 đạt 14,48%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách huyện năm 2015 đạt 78,145 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2024 tăng vọt, bình quân đạt 196 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 53,5triệu đồng/người/năm, tăng 1,19 lần so với mức thu nhập quy định về đích nông thôn của khu vực Bắc Trung Bộ là 45 triệu đồng/người/năm.

trồng cây hàng hóa ở Nghĩa Hồng - NS copy

Kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện được chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân nông thôn. Diện mạo nông thôn của huyện khởi sắc rõ nét, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và lao động của người dân được nâng lên rõ rệt.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy. Phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp. Ý thức cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được quan tâm.

Những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của huyện Nghĩa Đàn 14 năm qua luôn có sự đóng góp rất lớn của nhân dân. Đầu tư xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2011-2024 gần 9.200 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước hơn 4.612 tỷ đồng, chiếm 50,5%; Vốn lồng ghép, vốn vay tín dụng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ 4.152 tỷ đồng, chiếm 45,6%; Vốn dân đóng góp 356 tỷ đồng, chiếm 3,9%.

Bài học kinh nghiệm

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện, do vậy, huyện Nghĩa Đàn đã gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.

Các ban xây dựng Đảng của Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị- xã hội huyện đều có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng NTM; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ sở, các phòng, ngành để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM một cách hiệu quả.

thẩm định các mô hình kinh tế huyện NTM nghĩa Đàn- Thái Trường
Lãnh đạo tỉnh cùng huyện Nghĩa Đàn tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả cao ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Minh Thái

Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp được quan tâm. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được chỉ đạo quyết liệt; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội được bảo đảm. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực, bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức trên địa bàn huyện.

Qua tổng kết và đúc rút kinh nghiệm, huyện Nghĩa Đàn rút ra, có 2 yếu tố được coi là then chốt nhất mang lại sự thành công trong quá trình xây dựng NTM ở Nghĩa Đàn. Đó là sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và làm thật tốt công tác định hướng, vận động nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng NTM.

thẩm định huyện NTM nghĩa Đàn- Thái Trường
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thẩm định các tiêu chí xây dựng huyện NTM Nghĩa Đàn cuối năm 2024. Ảnh: Minh Thái

Quan điểm xuyên suốt được xác định: Xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân. Người dân được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân hưởng thụ”.

Xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân. Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, các tiêu chí NTM phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất và bảo đảm tính bền vững.

Thời gian tới, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, xây dựng huyện Nghĩa Đàn từng bước trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một góc huyện Nghĩa Đàn nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Thái
Một góc huyện Nghĩa Đàn nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu Minh Thái

Trần Mạnh Hà