Pháp luật

Xử lý nghiêm hành vi manh động, côn đồ khi tham gia giao thông

Khánh Ly - Tiến Đông 19/02/2025 15:31

Ẩu đả, đánh người gây thương tích, huỷ hoại tài sản sau khi va chạm giao thông… là những hành vi manh động, có tính côn đồ đang gia tăng trong thời gian gần đây. Cần xử lý nghiêm minh những hành vi này để tăng tính răn đe và góp phần xây dựng văn hoá giao thông.

Nhiều hành vi có tính chất manh động

Thực tế, các vụ việc ẩu đả mà nguyên nhân xuất phát từ những va chạm nhỏ hoặc tranh cãi khi tham gia giao thông không phải là hiếm. Thay vì bình tĩnh và ứng xử có văn hóa, nhiều người lại lựa chọn dùng “nắm đấm” như một phương thức để giải quyết sự việc.

bna_87.anh-pv-2--3872c1df9ed0aa451988b53708b1a443.jpg
Người đàn ông hành hung nam thanh niên. Ảnh cắt từ clip

Ở địa bàn Nghệ An cũng đã xảy ra một số trường hợp có hành vi côn đồ sau va chạm giao thông. Điển hình, ngày 18/2, báo chí và các trang mạng xã hội đồng loạt phản ánh về vụ việc hành hung diễn ra tại vị trí dừng đèn đỏ trên đường Trần Phú, gần Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh.

Hình ảnh từ đoạn clip cho thấy một người đàn ông liên tục đấm vào mặt một nam thanh niên điều khiển xe máy. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình trước hành vi bạo lực này và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý kịp thời.

Ngay sau đó, Công an phường Quang Trung phối hợp Công an TP Vinh đã nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng tiến hành điều tra để làm rõ vụ việc. Qua đó xác định người hành hung là Đặng Thái Hoàng (SN 1995).

Nam sinh bị hành hung là em N.Q.S (SN 2008, trú phường Quang Trung, TP. Vinh, hiện đang là học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Đại học Vinh). Theo lời kể của S, khoảng 17h ngày 18/2, sau khi tan trường, S mượn áo shipper của bạn về nhà để tránh cảm lạnh.

bna_34.anh-pv-3b25ef00e2959abe373c42b5911fff8c(1).png
Gia đình đưa em S. đi kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Ảnh: CTV

Khi chạy xe máy tới khu vực ngã 6, trước Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, S dừng xe chờ tín hiệu đèn đỏ. Đúng lúc này, có một người đàn ông băng qua đường, va chạm với xe máy của em.

“Em chưa kịp xin lỗi và giải thích thì người này lao vào đấm, đá em túi bụi. Em chỉ biết dùng tay ôm đầu tránh đòn đánh”, S kể. Theo kết quả chụp CT, em N.Q.S. bị đấm gãy xương chính mũi.

1-2225.png
Hình ảnh người đàn ông đi xe máy cầm mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe ô tô. Ảnh cắt từ video

Trước đó, vào tháng 3 năm 2024, tại vòng xuyến Hải quan ( TP. Vinh) khi các phương tiện đang lưu thông vào giờ cao điểm xảy ra va chạm giữa xe ô tô và xe máy mang biển kiểm soát 37N9 - 6899 khiến xe máy ngã ra đường.

Ngay khi vừa đứng dậy, người đàn ông điều khiển xe máy đã dùng chân đạp vào cửa xe ô tô và tháo mũ bảo hiểm đang đội đập mạnh vào kính bên lái khiến kính bị vỡ, sau đó quăng mạnh cả chiếc mũ bảo hiểm vào trong xe ô tô.

Sự hung hãn của người điều khiển xe máy khiến nhiều người phẫn nộ, cho rằng đây là hành vi thiếu văn hóa giao thông, cần phải lên án, xử lý nghiêm. Ngay sau đó lực lượng chức năng đã vào cuộc để xử lý vụ việc.

Xử lý nghiêm

Hiện nay với lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông đông, những tình huống va chạm giao thông trên đường tuy không ai mong muốn nhưng vẫn thường xảy ra.

Vấn đề là người tham gia giao thông ứng xử như thế nào trước tình huống đó. Người văn minh, lịch sự, có văn hoá, sẽ bình tĩnh xử lý, hoặc sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc xử lý; thậm chí có thể bắt tay giảng hoà nếu sự việc không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, có những người nóng nảy, hiếu thắng và có tính hơn thua, dù đúng sai chưa rõ ràng, họ vẫn sẵn sàng dùng hành vi bạo lực, tấn công người khác mà không cần hòa giải hay dùng lý lẽ phân tích phải trái. Thậm chí có trường hợp còn sử dụng hung khí như ống tuýp sắt, dao, gậy… lao vào tấn công người khác sau khi va chạm giao thông.

Để rồi, bản thân họ không chỉ phải bồi thường những tổn thất về vật chất lẫn tinh thần cho người bị hại mà thậm chí còn vướng vòng lao lý.

bna_234.anh-pv-bb291d21126892a7d16563139af8156a.jpg
Đặng Thái Hoàng tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Điển hình trong vụ việc nam sinh bị hành hung sau va chạm giao thông ra tại vị trí dừng đèn đỏ trên đường Trần Phú, gần Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Vinh, đã ra quyết định tạm giữ đối tượng Đặng Thái Hoàng trú tại phường Quang Trung, TP Vinh để điều tra làm rõ hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Theo TS- LS Nguyễn Trọng Hải- Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và cộng sự: Việc người tham gia giao thông có hành vi hành hung người khác trên đường mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

uploaded-myhabna-2023_04_18-_bna-luat-su-trong-hai-1047.jpeg
TS- LS Nguyễn Trọng Hải- Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và cộng sự. Ảnh: PV

-Về xử lý hành chính: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm mà gây thiệt hại cho người khác còn phải bồi thường thiệt hại nếu bên bị thiệt hại có yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Về trách nhiệm hình sự: Đối với người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng có các tình tiết được quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 (trong đó có tính chất côn đồ) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Mức phạt đối với hành vi này là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt tối đa đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

bna_5.-anh-pv-71c8b4bed52d2f45863f2b9386dcc91f.jpg
Hệ thống hơn 600 camera được lắp đặt tại 191 điểm mục tiêu trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Nguyễn Đạo

Theo ngành chức năng, để không tái diễn tình trạng ẩu đả, đánh nhau, huỷ hoại tài sản sau khi va chạm giao thông, mỗi người dân, cần chấp hành pháp luật về giao thông, nâng cao nhận thức về văn hoá giao thông. Trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông, phải bình tĩnh, có thái độ ứng xử văn minh, mời cơ quan chức năng giải quyết và phải chấp hành mọi quy định của pháp luật khi vi phạm…

Bên cạnh đó, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi ứng xử thiếu văn hoá gây thương tích cho người khác khi va chạm giao thông, ngoài hệ thống camera giám sát an ninh và trật tự giao thông (riêng thành phố Vinh có hơn 600 camera được lắp đặt tại 191 địa điểm, tập trung tại các nút giao thông quan trọng như vòng xuyến, ngã ba, ngã tư trên các tuyến đường chính nội đô, các tuyến giao thông huyết mạch và các khu vực trọng yếu khác), người dân khi lưu thông trên đường cũng có thể dùng camera hành trình ghi lại vi phạm, các hành vi bạo lực (nếu có) khi xảy ra va chạm giao thông… để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý, góp phần xây dựng văn hoá giao thông an toàn.

Khánh Ly - Tiến Đông