Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ
Tầm nhìn đến 2045, Nghệ An trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh vừa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ký ban hành Kế hoạch số 305 -KH/TU ngày 20/2/2025 triển khai quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 57 - NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh mục đích ban hành Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Đồng thời tập trung xây dựng và phát triển mạnh mẽ, đồng bộ các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An trong kỷ nguyên mới.
Tạo bước đột phá trong đổi mới công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó, tập trung cải cách hành chính trên tất cả các khâu quản lý tạo sự thông thoáng, thuận lợi và phát huy sức sáng tạo cho hoạt động nghiên cứu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức quán triệt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 57-NQ/TW gắn với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức sai lệch về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW để tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, trong đó tập trung vào 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo đó, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tại Nghệ An tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 55%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Quy mô kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh.
Đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phấn đấu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm.
Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số.
Nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 12 người trên một vạn dân. Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%. Chỉ số đổi mới sáng tạo PII thuộc top 20 của cả nước.
Nghệ An nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số.
Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại; tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghệ An trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao tổ chức hội nghị quán triệt Kế hoạch, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW và Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong tháng 3/2025 liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết được ví như "Khoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, mang tính đột phá và chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: Cả "Khoán 10" năm 1988 và Nghị quyết 57 đều mang tính chất đột phá. Nếu "Khoán 10" mở đường cho nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu và trao quyền tự chủ sản xuất cho nông dân, thì Nghị quyết 57 nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đây là sự thay đổi căn bản, chuyển từ mô hình dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình phát triển dựa trên tri thức, công nghệ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Điểm chung tiếp theo là sự trao quyền và tạo động lực mạnh mẽ. "Khoán 10" trao quyền tự chủ cho nông dân, giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình, từ đó tăng năng suất và cải thiện đời sống.
Tương tự, Nghị quyết 57 tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu được tự do sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ giúp khai phóng nguồn lực to lớn của đất nước.
Quan trọng hơn, cả hai chính sách đều là những bước đi chiến lược đáp ứng nhu cầu của thời đại. "Khoán 10" ra đời trong bối cảnh đất nước thiếu lương thực, khủng hoảng kinh tế và cần một giải pháp để tồn tại và phát triển. Ngược lại, Nghị quyết 57 là sự chuẩn bị chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang định hình nền kinh tế thế giới.
Tóm lại, Nghị quyết 57, giống như "Khoán 10", có khả năng hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Nếu "Khoán 10" giúp Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh, thì Nghị quyết 57 hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21, với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột.