Sức khỏe

Ngành Y tế Nghệ An luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân

Thành Chung (thực hiện) 22/02/2025 15:28

Trong 70 năm qua, các thế hệ thầy thuốc của ngành y tế Nghệ An đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu rèn luyện vươn lên hoàn thiện về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp theo lời Bác Hồ dạy để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.

PV: Ngày 27/02/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho hội nghị. Trong thư, Người căn dặn ngành y tế nói chung và người thầy thuốc nói riêng phải thật thà đoàn kết; thương yêu người bệnh; xây dựng nền y học nước nhà…70 năm qua, ngành y tế Nghệ An đã thực hiện lời dạy này như thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong suốt 70 năm qua, các thế hệ thầy thuốc tỉnh nhà đã đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, kể cả gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Trong những năm kháng chiến, cán bộ ngành y tế Nghệ An đã luôn đi đầu trên các chiến trường mưa bom, bão đạn vì sự sống của đồng bào và chiến sĩ. Khi hoà bình lập lại, nối tiếp truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế, lãnh đạo địa phương, ngành y tế Nghệ An đã không ngừng vươn lên, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh Đức Anh
Cán bộ y tế thực hiện tiêm vắc xin để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đức Anh

Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế Nghệ An đã chủ động, tích cực, tham mưu quyết liệt cho tỉnh nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; cùng một lúc đã triển khai tốt 2 nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa khám, chữa bệnh cho người dân. Nhờ đó, Nghệ An đã nhanh chóng kiểm soát, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, sớm khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhìn lại lịch sử phát triển, ngành y tế Nghệ An không khỏi tự hào. Từ chỗ chỉ có vỏn vẹn 50 cán bộ y tế thì hiện nay, ngành y tế Nghệ An đã có hơn 20.000 cán bộ, nhân viên y tế; đạt 12,9 bác sĩ/vạn dân. Từ chỗ công tác chăm sóc sức khỏe người dân chủ yếu dựa vào cộng đồng thì nay đã phát triển y tế chuyên sâu, áp dụng nhiều kỹ thuật mới phục vụ bệnh nhân. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thôn, bản làng đã được củng cố và ngày càng hoàn thiện.

Cụ thể: Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh có 03 cơ quan quản lý nhà nước, 46 đơn vị sự nghiệp y tế, 460 trạm y tế cấp xã; y tế ngoài công lập có 18 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; trên 700 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 3.160 cơ sở hành nghề dược. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 04 đơn vị y tế trực thuộc bộ, ngành, trường đại học.

Năm 2024, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh: Thành Cường
Năm 2024, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh: Thành Cường

Nghệ An đã hoàn thành một số mục tiêu xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu loại 1, đặc biệt của tuyến trung ương. Chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân ngày càng được nâng lên. Hệ thống y tế dự phòng của tỉnh từng bước được củng cố và nâng cao. Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Công tác dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đảm bảo. Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả.

Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã, đang và sẽ mãi là tài sản vô giá và phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc. Mãi là ngọn đuốc soi đường cho ngành y tế cả nước nói chung, y tế Nghệ An nói riêng.

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

PV: Thời gian sau dịch Covid-19, ngành y tế Nghệ An đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngành y tế Nghệ An đã thể hiện tinh thần đoàn kết, vượt khó ra sao trong giai đoạn này?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Thời gian qua, ngành y tế Nghệ An đã phải đối mặt khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Một là, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng cao và đa dạng. Tình trạng mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... gây ảnh hưởng, đe dọa đến sức khoẻ người dân.

Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho người tiếp xúc gần với trường hợp tử vong do bạch hầu ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Chung
Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho người tiếp xúc gần với trường hợp tử vong do bạch hầu ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Chung

Hai là, hệ thống các văn bản vẫn còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị chưa được giải quyết triệt để, chưa đáp ứng điều kiện khám, chữa bệnh kịp thời, có chất lượng cho người bệnh ở một số đơn vị, cơ sở. Việc thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm; tự chủ ở các cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý, quản trị nhiều đơn vị chưa thật sự đổi mới trong ứng dụng công nghệ thông tin, y tế thông minh.

Ba là, y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn, hạn chế, đặc biệt là vấn đề bài toán nhân lực. Đối với nhân lực kể cả tuyến tỉnh cũng chưa đạt chỉ tiêu khi tuyển dụng. Y tế dự phòng chưa được đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trong bối cảnh này, ngành y tế Nghệ An đã đoàn kết, đồng lòng; bình tĩnh, chủ động rà soát, xác định rõ, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan; đưa ra và thực hiện các giải pháp khắc phục một cách kịp thời. Ngành đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách để đảm bảo cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả; tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế; chỉ đạo các đơn vị y tế bám sát các chỉ đạo, chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ, thực hiện đảm bảo các nghị quyết, kế hoạch, đề án đã đề ra.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo công tác xây dựng trở thành bệnh viện hạng đặc biệt tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thành Chung
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo công tác xây dựng trở thành bệnh viện hạng đặc biệt tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Trong tình thế khó khăn này, ngành y tế Nghệ An đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thường xuyên của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ của các ban, sở, ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Đơn cử, trong năm 2024, ngành y tế Nghệ An đã vượt khó và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: 11/12 chỉ tiêu chính mà ngành đặt ra đạt và vượt kế hoạch; hoàn thành đạt và vượt 5/5 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025; 6/6 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Ngành không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm lớn trên địa bàn. Tổng số lượt khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong năm là hơn 7.000.000 lượt.

PV: Trong năm 2025 này và những năm tiếp theo, ngành y tế Nghệ An đề ra nhiệm vụ kép “Phát triển thành phố Vinh trở thành hạt nhân Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở”. Đồng chí cho biết rõ hơn về mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Nhiệm vụ đặt ra cho ngành y tế Nghệ An năm 2025 và những năm tiếp theo là rất lớn. Theo đó, ngành sẽ thực hiện Nghị định số 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị về y tế chuyên sâu, đồng thời tập trung thực hiện việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, y tế vùng đặc thù trong bối cảnh nguồn lực và điều kiện cụ thể khó khăn.

Ảnh Đức Anh
Cán bộ y tế vào bản phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Đức Anh

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa qua, ngành y tế đã tổ chức nhiều khảo sát để đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, nhân lực và tình hình thực hiện nhiệm vụ. Ngành đã nhìn nhận rõ nhu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở là rất lớn. (Khác biệt lớn với người dân khu vực đồng bằng, vùng thuận lợi thường bỏ qua y tế cơ sở để lên thẳng y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh).

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, đặc thù, khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn thu hút nhân lực, ngành sẽ tăng cường nguồn nhân lực cho y tế khu vực này bằng giải pháp căn cơ nhất là đào tạo tại chỗ theo hình thức cầm tay, chỉ việc. Tiếp đó, là thực hiện tăng cường các bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến huyện lên làm việc tại cơ sở y tế vùng khó theo từng đợt ngắn hạn.

Để công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ đạt hiệu quả cao hơn, ngành y tế chỉ đạo tuyến y tế cơ sở không chờ đợi người dân tìm đến mà chủ động xuống thôn bản, xuống hộ gia đình để thực hiện nhiệm vụ; tăng cường quản lý sức khoẻ người dân thông qua hồ sơ sức khoẻ điện tử để mỗi người dân ngay từ khi còn trong bụng mẹ cũng đã được theo dõi, chăm sóc.

Trong guồng quay đó, các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực lặng lẽ, cần mẫn làm việc chữa bệnh cứu người. Họ dồn tất cả tâm sức cho người bệnh... Chỉ mong sao sức mạnh của y thuật, y đức sẽ giúp cho người bệnh sớm hồi phục, khỏe mạnh và trở về với gia đình. Ảnh: Đức Anh
Cán bộ y tế Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chăm sóc, điều trị cho người bệnh.Ảnh: Đức Anh

Phát triển y tế chuyên sâu, hiện nay, ngành y tế đang xây dựng và tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ ban hành “Đề án Phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm y tế chuyên sâu giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; xây dựng và tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án Phát triển Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trở thành bệnh viện hạng đặc biệt. Ngành cũng chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An... tập trung đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí để trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực.

PV: Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vững bước trong kỷ nguyên mới, ngành Y tế Nghệ An cần có những trợ lực nào?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục rà soát tổng thể các khó khăn, tồn tại và tập trung giải quyết các điểm nghẽn, điểm khó đang gặp phải; tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh những cơ chế, chính sách cần thiết, phục vụ tốt cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, ngành tăng cường đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tổ chức bộ máy nhân lực, tài chính y tế và tích cực triển khai xã hội hóa y tế để tăng nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thăm hỏi, động viên, tặng quà cho bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong ngày cuối cùng của năm. Ảnh: Thành Chung
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thăm hỏi, động viên, tặng quà cho bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Thành Chung

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, ngành y tế rất mong muốn các cấp, bộ, ban, ngành ban hành thêm những chính sách mới mang tính chất mở để tháo gỡ những khó khăn. Đơn cử với khó khăn thiếu thuốc, vật tư y tế thì cần nghiên cứu, triển khai hình thức mua sắm tập trung quốc gia để có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Với khó khăn về nhân lực thì cần có chính sách thu hút, đãi ngộ đủ mạnh để cán bộ y tế có chuyên môn, trình độ cao về công tác tại vùng sâu, vùng xa và hệ dự phòng, cũng như khích lệ họ gắn bó lâu dài. Với khó khăn về tự chủ thì cần sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng trao quyền tự chủ cho các đơn vị.

Mong muốn cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành địa phương tiếp tục có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư phát triển y tế; phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm, dân số, kế hoạch hóa gia đình, quản lý hành nghề y, dược tư nhân, đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài cơ sở y tế... Sự vào cuộc này sẽ giúp cho ngành y tế thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ.

Bản thân mỗi người thầy thuốc cũng cần phải là tấm gương sáng về nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, xem nỗi đau của bệnh nhân như của chính bản thân mình như lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”... để tiếp tục xây dựng ngành y tế Nghệ An ngày càng vững mạnh, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thành Chung (thực hiện)