Quốc tế

Chuyên gia nêu điều kiện Nga ngừng bắn với Ukraine

Mỹ Nga 23/02/2025 11:21

Nga có thể ngừng bắn sau khi quân đội Ukraine rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Nga, bao gồm cả những vùng mới sáp nhập.

capture(1).png
Lính Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga. Ảnh: Reuters

Nhà phân tích quân sự, Tổng Biên tập tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko chia sẻ với RIA Novosti rằng, lệnh ngừng bắn và việc ký kết hiệp định hòa bình với Ukraine chỉ có thể thực hiện được sau khi Lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi lãnh thổ Nga, bao gồm các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson.

Chuyên gia quân sự Korotchenko cho biết, Tổng thống Nga đưa ra những yêu cầu cơ bản, trong đó tối thiểu là sự công nhận quốc tế đối với biên giới mới của Nga bao gồm bốn chủ thể mới sáp nhập, có nghĩa là các hành động quân sự sẽ chấm dứt khi quân đội Ukraine rút khỏi khu vực Liên bang Nga, nơi lực lượng Ukraine vẫn đang đồn trú.

Ông Korotchenko nhấn mạnh rằng, điều này phải xảy ra trước khi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Ukraine được ký kết, vì việc rút quân đội Ukraine ra khỏi lãnh thổ của Nga, bao gồm cả các khu vực mới, là “điều kiện cơ bản" để ký một văn bản hòa đàm.

"Rõ ràng là những yêu cầu này của Điện Kremlin sẽ hình thành cơ sở cho lập trường đàm phán của Nga tại các cuộc họp quốc tế có thể diễn ra nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine", chuyên gia này nói thêm.

Ngoài ra, theo ông Korotchenko, Nga phải nhận được sự đảm bảo rằng, Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO. Korotchenko cho biết, một yêu cầu khác là lệnh cấm Lực lượng vũ trang Ukraine sở hữu hệ thống tên lửa tầm xa nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công mới vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga và loại bỏ khả năng xung đột tái diễn.

Vladimir Vinokurov, người đứng đầu Trung tâm Phân tích và Đánh giá Quân sự-Ngoại giao, và là cựu chiến binh của Cơ quan Tình báo Nga lại đưa ra quan điểm rằng, tầm quan trọng của việc sử dụng vũ lực trong chính trị thế giới ở thế kỷ 21 đã tăng mạnh và hiện không còn điều kiện tiên quyết nào cho việc hạ vũ khí.

"Phạm trù vũ lực trong quan hệ quốc tế luôn là trọng tâm chú ý của các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngay từ buổi đầu của lịch sử loài người đã sử dụng vũ lực quân sự như một công cụ để đạt được các mục tiêu chính trị, bảo vệ hoặc giành được các vùng lãnh thổ mới. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, con người đã tiến hành hơn 14.000 cuộc chiến tranh khác nhau, trong đó có khoảng 4 tỷ người thiệt mạng. Chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có khoảng 200 triệu người thiệt mạng trong các cuộc xung đột quân sự" - chuyên gia Vinokurov cho biết.

Vinokurov cho rằng vào đầu thế kỷ 21, tầm quan trọng của việc sử dụng vũ lực trong chính trị và quan hệ quốc tế đã tăng mạnh. "Gần đây, thế giới đã chứng kiến ​​những cuộc đụng độ lớn liên quan đến các sự kiện ở và xung quanh Ukraine, Syria, Iraq và Afghanistan. Hiện tại không có điều kiện tiên quyết nào để hạ vũ khí. Cả các quốc gia và các tác nhân phi quốc gia đều tiếp tục cân nhắc đến việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của họ", Vinokurov lưu ý.

Mỹ Nga