Phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may ở Nghệ An
Dệt may là một trong những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh Nghệ An. Toàn tỉnh hiện có hơn 50 công ty, nhà máy đang hoạt động, tạo ra khoảng hơn 40 nghìn việc làm, sản phẩm xuất khẩu sang khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Công nghiệp phụ trợ là vấn đề đáng quan tâm.
Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu
Trên phạm vi cả nước, ngành dệt may phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu nhập khẩu: Sợi cotton phải nhập khẩu 99% (khoảng 3 tỷ USD). Tương tự, của sợi tổng hợp là 70% (2 tỷ USD) và vải là 80% (13 tỷ) USD.
Nhà máy may An Nam Matsuoka với 18 dây chuyền may, mỗi chuyền gần 130 công nhân (tổng số công nhân hơn 2.500), hiện là nhà máy may lớn nhất ở Khu công nghiệp VSIP, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi Nhật và các nước trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nguyên liệu và các phụ kiện của Nhà máy đều phải nhập khẩu.

Tổng Giám đốc Công ty, ông Teramur Akito cho biết, các phụ kiện của nhà máy nhập ở nước ngoài, chỉ may và các phụ kiện nhập từ một công ty tại Việt Nam nhưng công ty đó cũng của Nhật. Các phụ kiện cần số lượng lớn và đạt chuẩn châu Âu theo yêu cầu khách hàng.
Điều đáng mừng là ở nhà máy này, bao bì carton và ni lông đã mua tại Công ty TNHH Thiên Phú và một doanh nghiệp ở Vinh, điều đó phần nào cho thấy sản phẩm phụ kiện của Việt Nam cũng được quan tâm dù là sản phẩm phụ.
Công ty Haivina Kim Liên (doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc) ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn chuyên gia công sản xuất hàng xuất khẩu găng tay, quần áo đi các nước châu Âu. Hiện, công ty đang tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động, chủ yếu ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương...

Chị Chu Thị Ngọc, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Là doanh nghiệp sản xuất hàng hoá cho châu Âu, vải vóc, phụ kiện phải đạt chuẩn, các nguyên liệu chính chúng tôi nhập khẩu từ nước ngoài. Còn các phụ kiện khác như thùng carton, chì, xéc, da, nhãn.., công ty cũng phải mua từ các doanh nghiệp khác ở phía Bắc.
Tổng Công ty May Minh Anh Nghệ An hiện có 4 nhà máy trên địa bàn tỉnh Nghệ An nằm ở thành phố Vinh, Đô Lương, Tân Kỳ, Con Cuông,... mỗi năm tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động. Ông Nguyễn Đình Sinh - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Các phụ kiện phục vụ cho may mặc công ty nhập khẩu ở Hàn Quốc, Trung Quốc là chủ yếu. Các phụ kiện khác như vải, chỉ, thêu, ren... thì công ty sản xuất được.

Các doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung đang ở vị trí thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với khoảng 65% số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công. Biên lợi nhuận ròng chỉ được 1-3%. Lợi thế về tiền lương là yếu tố khiến các doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An.
Có khoảng 25% xuất khẩu theo phương thức OEM/FOB - khách hàng sẽ lên thiết kế mẫu mã và xưởng sản xuất sẽ mua phụ kiện, thực hiện may và chuyển cho khách, có biên lợi nhuận là 3-5%. Chỉ có 10% xuất khẩu theo phương thức ODM - nhà sản xuất thiết kế gốc, còn được gọi là ghi nhãn riêng, là một hình thức sản xuất theo hợp đồng, biên lợi nhuận 5-7%.
Nghệ An cũng giống cả nước, đang phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu; khoảng 70% các đơn hàng là may gia công. Hầu hết nguyên liệu đầu vào, như vải và phụ liệu cúc, khoá kéo phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; trong nước mới chỉ đáp ứng được một số kim, chỉ khâu...
Hiện Nghệ An mới chỉ có 1 nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, sản lượng 20.000 tấn sợi/năm; 1 cơ sở thêu (CCN Lạc Sơn, huyện Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người thêu phụ kiện cho các nhà máy may và một số cơ sở dệt thủ công khác.
Nhìn chung, ngành dệt may có mức tự chủ nguyên phụ liệu thấp do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; chủ yếu khâu may gia công xuất khẩu và loay hoay trong vòng luẩn quẩn: nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi lại nhập vải.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, hàng năm, ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí hỗ trợ từ 2-2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các đề án đã triển khai đến nay đạt 6,34 tỷ đồng. Chính sách ưu đãi của Trung ương đối với công nghiệp hỗ trợ còn khó tiếp cận. Nguồn kinh phí ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm còn thấp, khó thực hiện.
Tiềm năng lớn về công nghiệp phụ trợ
Nghệ An có tiềm năng về nguyên liệu để sản xuất sợi từ cellulose, như tre, nứa, do có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó đất có rừng chiếm 53,3%; tiềm năng về sản xuất sản phẩm sợi nhân tạo từ các nguyên liệu sau hóa dầu từ Tổ hợp lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Vấn đề đặt ra là phải tự sản xuất được nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành, vừa bảo vệ môi trường và hình thành được các chuỗi liên kết dệt - may - phụ liệu. Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, vấn đề nan giải nhất của các doanh nghiệp là làm sao tuyển dụng cho đủ lao động còn sản phẩm phụ trợ họ đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu, tuy nhiên giá thành còn cao.
Trước mắt, các doanh nghiệp bám sát diễn biến trong, ngoài nước, xây dựng các kịch bản tăng trưởng và giải pháp tình huống cần thiết để chủ động và phản ứng kịp thời với những biến động thị trường, tìm kiếm các thị trường mới. Tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA và đa dạng hóa thị trường, đối tác, khách hàng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Về lâu dài, cần nghiên cứu vận dụng Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp dệt may tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở tăng năng lực cạnh tranh.
Nghệ An hiện đang ưu tiên phát triển các dự án dệt may có quy mô lớn, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển các sản phẩm may mặc phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa, đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nhập khẩu nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mới đây, Nghệ An mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Mega Textile - Vietnam, một dự án lớn trong ngành công nghiệp dệt may được triển khai tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, thuộc Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 (Khu kinh tế Đông Nam).

Lãnh đạo Sở Công thương Nghệ An cho biết thêm: Nghệ An cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày bình quân đến hết năm 2025 đạt từ 17 - 18%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 16 - 17%/năm. Phấn đấu đến hết năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày đạt khoảng 755 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 1.600 triệu USD. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may, da giày đạt trên 45%.
Tỉnh cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt, nhất là sợi tổng hợp; xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới thân thiện môi trường, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần nguyên liệu đầu vào của nhập khẩu. Thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt may, như: Ống nhựa, các sản phẩm hóa chất hỗ trợ cho ngành dệt…
Nghệ An cũng ưu tiên phát triển các dự án sản xuất mặt hàng vải dệt kim, dệt thoi, là sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc và sản phẩm vải cao cấp phục vụ may xuất khẩu đáp ứng nhu cầu các nhà máy may mặc trong nước.