Khuyến nông

Tìm lại 'thời hoàng kim' của nghề trồng dâu nuôi tằm ven sông Lam

Văn Trường 24/02/2025 12:51

Nghề trồng dâu nuôi tằm từng mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân ven sông Lam huyện Đô Lương, nhưng sau một thời gian dài bị mai một. Đến nay, huyện đang tích cực khôi phục nghề này góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

bna_van-truong-5-cea334acbceb708acae1aea423ccf4ec(1).jpeg
Huyện Đô Lương hiện trồng được trên 70 ha dâu mới năng suất cao. Ảnh: Văn Trường

Nhằm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, những năm qua, huyện Đô Lương đã khuyến khích các xã ven sông Lam mở rộng diện tích trồng giống dâu mới, cũng như đa dạng giống dâu phù hợp thức ăn cho các lứa tuổi tằm khác nhau. Mục tiêu của huyện là hồi sinh nghề truyền thống và giúp các xã viên có thu nhập cao từ mảnh đất quê hương.

Có mặt tại bãi bồi sông Lam thuộc xã Đặng Sơn (Đô Lương), chúng tôi thấy bãi dâu xanh ngút mắt. Chị Mai Thị Loan - Chủ nhiệm HTX Dâu tằm tơ xã Đặng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình tôi đã chuyển đổi từ dâu bản địa sang trồng trên 5 ha dâu QR2 giống mới. Loại giống mới này phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại vùng ven bãi bồi sông Lam, cho lá to và năng suất cao. Nhờ vậy, đã chủ động được nguồn thức ăn cho tằm.

van truong m3r
Chị Mai Thị Loan - Chủ nhiệm HTX Dâu tằm tơ xã Đặng Sơn đang chăm sóc nong tằm. Ảnh: Văn Trường

Đến nay, chị Loan đầu tư xây dựng hệ thống nhà nuôi tằm, từ quy mô nuôi 10-12 nong tằm, nay tăng trên 50 nong tằm. Nhà nuôi tằm đều được gắn máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt nước vào mùa Hè. Mùa Đông lạnh giá được lắp đặt hệ thống bóng điện sưởi ấm và sử dụng các thiết làm ấm khác. Vì vậy, tằm nuôi được quanh năm, vừa bán thương phẩm, vừa nuôi lấy kén, ngoài ra chị Loan còn làm các sản phẩm khác như tinh bột tằm.

Đặc biệt, đối với tằm thực phẩm được khá nhiều người biết đến, bởi đây là một loại thực phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, chị Loan còn đứng ra thu mua kén cũng như cung ứng giống vật tư cho nghề trồng dâu nuôi tằm cho bà con toàn huyện Đô Lương và các huyện lân cận.

bna_van-truong-1-9bbf58b7a491e4efead1586f8e2bcba1(1).jpeg
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đô Lương đang được khôi phục. Ảnh: Văn Trường

Riêng trong năm 2024, gia đình chị Mai Thị Loan đã thu mua và bán được trên 3 tấn tằm thương phẩm và 4 tấn kén, doanh thu gần 1 tỷ đồng, hàng năm tạo việc làm cho trên 20 lao động có mức lương ổn định. Tuy nhiên theo chị Loan, nghề này đang có những khó khăn, cần có vốn vay ưu đãi để mua các thiết bị máy móc hiện đại ươm tơ, thay thế cho máy móc thủ công lạc hậu để cạnh tranh sản phẩm.

Đại diện UBND xã Đặng Sơn cho biết: Thời hoàng kim nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đặng Sơn có hàng trăm hộ dân tham gia, nhưng từ năm 2015 nhiều người bỏ nghề, cánh đồng dâu được người dân chuyển sang trồng ngô và các cây khác. Từ năm 2022 đến nay nghề trồng dâu nuôi tằm đang được khôi phục.

Đặc biệt, mô hình trồng dâu nuôi tằm chị Mai Thị Loan - Chủ nhiệm HTX Dâu tằm tơ xã Đặng Sơn hoạt động có hiệu quả và là người đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, cung ứng giống tằm trắng, được đánh giá có khả năng chống chịu được khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An và có chất lượng tơ tốt.

van truong mưert
Chị Mai Thị Loan, xã Đặng Sơn kiểm tra kén tằm. Ảnh: Văn Trường

Nhờ có người đứng ra bao tiêu sản phẩm, người trồng dâu ở xã Đặng Sơn rất phấn khởi để từng bước khôi phục nghề. Từ chỗ chỉ có 5-7 ha dâu, đến nay toàn xã Đặng Sơn có trên 40 ha dâu, hầu hết được thay bằng các giống dâu mới. Đến nay có trên 50 hộ dân tham gia nghề trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập cao từ 100-120 triệu đồng/năm/hộ.

Ngoài ra, địa bàn xã Thuận Sơn đến nay đã trồng được trên 20 ha dâu giống mới, tạo việc làm cho hàng trăm lao động theo nghề trồng dâu, nuôi tằm.

bna_van-truong-muer-9c60dcef87a003d273e8baf19a0211e5(1).jpeg
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đô Lương có những hình thức mới trong ươm kén. Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương, tính đến thời điểm này toàn huyện Đô Lương có trên 70 ha dâu, huyện đang từng bước đưa ra các giải pháp để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm nhằm khai thác tiềm năng vùng đất bãi bồi, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Trước hết, khó khăn đến từ kỹ thuật chăn nuôi tằm còn hạn chế; nhiều hộ chưa đủ kinh phí đầu tư vào hệ thống nuôi theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mà chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm nên sản lượng kén thấp; tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát. Mặt khác, chưa quy hoạch để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm; có hiện tượng người nông dân sản xuất chạy theo phong trào, khi giá tơ kén cao thì mở rộng diện tích, khi giá xuống lại chuyển đổi sang các cây trồng khác…

bna_van-truong-4-9a05e5fea85fae7384e384af54046678(1).jpeg
Nông dân xã Đặng Sơn cắt lá dâu bằng máy. Ảnh: Văn Trường

Để nghề trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Đô Lương phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề; hướng dẫn hội viên quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, con giống. Dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ, các hộ dân trồng dâu nuôi tằm tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi…

bna_van-truong-1-2-7c54e4f7c5565986c14dc84daf163dfd(1).jpeg
Tằm luôn được chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: Văn Trường

Quan tâm đầu tư có trọng điểm vào vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ và công nghệ ươm tơ, xây dựng liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ, xây dựng các mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tơ tằm, bảo đảm đầu ra và giá cả ổn định cho người trồng dâu nuôi tằm.

Văn Trường