Quế Phong là một huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 72.000 người dân thuộc 6 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Kinh... Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí chưa cao. Tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Đây chính là một trong những lý do khiến huyện Quế Phong trở thành điểm nóng nhất về HIV/AIDS ở Nghệ An.
Tính đến nay, số người nhiễm HIV tích luỹ tại huyện Quế Phong là xấp xỉ 2.200. Gần 700 trường hợp HIV/AIDS tử vong. Số người nhiễm HIV còn sống là 1.480 người. Số bệnh nhân được quản lý điều trị là 986 người... Cả 13/13 xã, thị trấn đều có người nhiễm HIV. Trong ảnh: Cán bộ y tế đến tận các bản làng để tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu về nguy cơ về sự lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Ảnh: Đức Anh
Theo các chuyên gia y tế: Dịch bệnh HIV/AIDS ở huyện Quế Phong bắt đầu nổi lên từ những năm đầu của thế kỷ 21. Ma tuý từ Lào tràn về; tệ nạn xã hội xâm nhập... Tiêm chích ma tuý và quan hệ tình dục không an toàn đã khiến cho HIV/AIDS len lỏi vào từng thôn, bản của huyện biên giới này. Ảnh: Đức Anh
Để phòng, chống HIV/AIDS, trong nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành và đặc biệt là ngành Y tế huyện Quế Phong đã triển khai nhiều biện pháp, bao gồm: Tuyên truyền, tư vấn và xét nghiệm; cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn; thực hiện chăm sóc, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV cho người nhiễm và điều trị Methadone cho người nghiện. Trong ảnh: Cán bộ y tế đang tuyên truyền cho người nhiễm bệnh HIV. Ảnh: Đức AnhNhờ đó, người dân ở huyện vùng cao này đã có những kiến thức về bệnh; có ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS... Người bệnh dần xoá bỏ được sự tự ti, mặc cảm và tích cực tham gia điều trị; tích cực tham gia lao động, sản xuất... xây dựng lại cuộc đời. Nhiều người bệnh đã được phát hiện, trung bình mỗi năm phát hiện thêm được 15-20 người bệnh mới. Trong ảnh: Người bệnh đến các trung tâm y tế huyện để thăm khám bệnh truyền nhiễm HIV. Ảnh: Đức AnhHuyện đã huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân để phòng, chống HIV/AIDS. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được gắn kết chặt chẽ với hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”. Trong ảnh: Các bác sĩ kiểm tra theo dõi hồ sơ các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Ảnh: Đức AnhChưa có biện pháp quản lý sức khỏe phụ nữ mại dâm trong lúc tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp, khó quản lý. Tình trạng sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên chưa được khống chế. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn là rào cản cho việc xét nghiệm HIV. Trong ảnh: Khu vực lấy máu xét nghiệm. Ảnh: Đức AnhTư vấn cho các bệnh nhân nhiễm căn bệnh HIV/ AIDS. Ảnh: Đức AnhCùng với đó, còn có những khó khăn trong điều trị ARV do bị gián đoạn thuốc, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm; đời sống còn khó khăn, nhiều người nhiễm đi làm ăn xa, chậm lấy thuốc điều trị; có tình trạng người nghiện bỏ trị Methadone. HIV/AIDS đã xâm nhập vào những bản làng người Mông, nơi mà trước đây không có người bệnh. Trong ảnh: Cán bộ y tế cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện. Ảnh: Đức AnhNgười nghiện được uống thuốc Methadone hằng ngày. Ảnh: Đức AnhPhòng, chống HIV/AIDS ở Quế Phong vẫn còn rất nhiều gian nan, thách thức. Điều này đòi hỏi ngành Y tế nói riêng và cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành và người dân cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Ở thời điểm này, các cán bộ y tế và nhóm đồng đẳng viên nơi đây vẫn miệt mài đi tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân ở những bản làng; tìm kiếm người bệnh; vận động người nhiễm, người nghiện tuân thủ điều trị và thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền; tuyên truyền cho thế hệ trẻ tránh xa ma tuý và tệ nạn xã hội. Ảnh: Đức Anh