Nghệ sỹ , người nổi tiếng và trách nhiệm cộng đồng
Suốt cả tuần qua, mạng xã hội “nóng lên” với chuyện Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và hoa hậu Thuỳ Tiên “xin lỗi” vì đã livestream bán hàng quảng cáo sai sự thật.
Từ lời quảng cáo “1 hũ yến 70ml chứa tới 30g yến A5”, hay “1 viên kẹo tương đương 1 đĩa rau” có thể thấy rằng, họ đã vì lợi nhuận mà bất chấp những tác hại do lời quảng cáo sai sự thật của họ có thể gây ra cho xã hội, khi đó là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Đáng tiếc họ đa số là những nghệ sỹ, người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng và từng chiếm được rất nhiều thiện cảm của công chúng vì thành tích và sự cống hiến của bản thân.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện việc KOLs (người có ảnh hưởng), hay nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật rồi lên mạng xã hội xin lỗi. Trước đây, các nghệ sỹ như Cát Tường, Quyền Linh, Hồng Vân hay hoa hậu Mai Phương Thuý, cũng đều phải lên tiếng xin lỗi khi bị cộng đồng lên án vì quảng cáo “thổi phồng” công dụng một số loại sữa, thực phẩm chức năng…
Bẵng đi một thời gian “tẩy trắng”, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Các nghệ sĩ, các KOLs lại tiếp tục quảng cáo hay livestream bán hàng trên mạng xã hội như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Thế nên khi gần đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đồng loạt quảng cáo những sản phẩm như kẹo ngậm trắng da, yến chưng “nguyên chất”, hay kẹo rau củ được “thổi phồng” công dụng như thần dược thì ngay lập tức, vấp phải phản ứng của dư luận xã hội, khi người tiêu dùng phát hiện công dụng của những sản phẩm này không đúng như những gì mà các nghệ sĩ, các KOLs mô tả.
Hệ lụy từ những kiểu xử phạt lấy lệ
Có một thực tế là các trường hợp KOLs hay nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật từ trước đến nay đều bị phạt hành chính với mức phạt được xem là rất nhẹ nhàng, so với số tiền thù lao hàng trăm triệu đồng, thậm chí đến hàng tỉ đồng từ hợp đồng quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội. Vì thế, tình trạng này vẫn liên tục lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

Trở lại vụ việc của nhóm Chị em Rọt, Quang Linh (chủ kênh Quang Linh Vlogs) và Hằng Du Mục từng được cộng đồng mạng hết lời khen ngợi, sở hữu lượng fan đông đảo. Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng là người đẹp có nhiều thành tích, chiếm thiện cảm của cư dân mạng. Tuy nhiên tuần qua, cả ba đã bị cộng đồng mạng “ném đá” vì ồn ào quảng cáo sai sự thật.
Sản phẩm kẹo rau do nhóm Quang Linh, Hằng Du Mục quảng cáo gây tranh cãi dữ dội, vì Quang Linh quảng cáo quá lố: "Một viên kẹo tương đương một đĩa rau". Hằng Du Mục cũng liên tiếp bị chỉ trích vì đưa ra những thông tin sai sự thật về sản phẩm quảng cáo là yến sào, kẹo sáng mắt...
Người tiêu dùng đã bóc phốt bằng cách tung ra kết quả kiểm định kẹo rau ở Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 2 cho thấy, trong 100g kẹo chỉ có 0,51g chất xơ. Trong khi đó, 100g rau muống cũng đã chứa khoảng 1,5g chất xơ. Vậy để có được lượng chất xơ trong 100g rau muống thì cần ăn hơn 300g kẹo (khoảng hơn 90 viên), tương đương 3 hộp, với giá tiền 450.000 đồng.
Hình ảnh nhóm của Quang Linh trải nghiệm vườn rau củ - nguyên liệu để sản xuất kẹo rau cũng bị cư dân mạng đào lại và lên tiếng chỉ trích. Kẹo rau được giới thiệu là sản xuất tại nhà máy ASIA LIFE, đại diện công ty này cho biết không có trang trại, vườn rau mà chỉ có dây chuyền sản xuất. Sản phẩm kẹo gây tranh cãi cũng sản xuất theo "đơn đặt hàng" của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em rọt…
Có người phát hiện trên nền tảng thương mại điện tử 1688 tại Trung Quốc xuất hiện hình ảnh sản phẩm kẹo rau củ giống với kẹo rau củ được nhóm "Chị em rọt" quảng cáo, nhưng giá rẻ hơn nhiều.
Những thông tin này khiến cộng đồng mạng thấy mình bị lừa và họ kêu gọi tẩy chay nhóm "Chị em rọt" của Quang Linh, Hằng Du Mục. Chưa nói về thiệt hại kinh tế, mất lòng tin, thứ đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp là sức khỏe của con người nếu tin dùng những sản phẩm quảng cáo kiểu này.
Càng được hâm mộ, càng phải có trách nhiệm với cộng đồng
Trên mạng xã hội, người nổi tiếng (KOLs) thường có hàng triệu người theo dõi. Vì thế, nội dung mà họ đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội có phạm vi, mức độ ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí, lời nói hay hành động của họ còn trở thành xu hướng, được nhiều người làm theo. Trong khi hầu hết người tiêu dùng không có đủ thời gian hay kiến thức, kinh nghiệm để kiểm chứng chất lượng sản phẩm; phần lớn đặt niềm tin vào uy tín doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, đặt niềm tin vào sự xác nhận của cơ quan chức năng và cả uy tín của người nổi tiếng đã giới thiệu. Vì vậy, người nổi tiếng đóng vai trò quan trọng trong quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm và họ cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại cho người tiêu dùng nếu sản phẩm được quảng cáo không đúng, nhất là với sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Việt Nam không thiếu những quy định liên quan đến quảng cáo, như Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng và các nghị định hướng dẫn thi hành. Hành vi quảng cáo không đúng sự thật có thể bị phạt hàng chục triệu đồng, buộc phải cải chính, thậm chí cấm tham gia quảng cáo… Song tình trạng vi phạm vẫn không giảm, vì mức phạt chưa thực sự đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, vì giá trị hợp đồng quảng cáo mà họ nhận được lớn hơn nhiều.
Vì vậy, dư luận đề xuất phải quy định rõ trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm và phạt thật nặng hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. Không thể chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hay yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm mà đã đến lúc cần những biện pháp mạnh hơn, từ “cấm sóng” các nghệ sĩ, KOLs tái phạm nhiều lần đến tăng cường chế tài hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng
Quảng cáo là một phần trong hoạt động nghề nghiệp, mang lại thu nhập chính đáng cho nghệ sĩ và người nổi tiếng. Nhưng không thể đặt lợi nhuận lên trên đạo đức nghề nghiệp. Một hợp đồng quảng cáo có thể mang lại nguồn thu lớn cho nghệ sĩ, nhưng chỉ cần một lần mất niềm tin, họ sẽ đánh mất tất cả. Vì vậy, các nghệ sĩ, các KOL cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng trước khi quyết định nhận lời quảng cáo cho một sản phẩm nào đó, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người./.