Xung quanh việc xét tặng nghệ nhân ưu tú
Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân luôn được các nghệ nhân mong chờ. Tuy nhiên, vì việc xét tặng phải tuân theo một số tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên nhiều bộ hồ sơ không đủ tiêu chuẩn.
Từ những hồ sơ không được thông qua
Thời gian qua, bà Hoàng Thị Dung và nhiều người khác ở Câu lạc bộ Tuồng xã Xuân Thành, huyện Yên Thành tâm tư vì không có ai trong câu lạc bộ được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú đợt này. Trước đó, câu lạc bộ đã làm hồ sơ xét duyệt với nhiều nghệ nhân có thời gian thực hành trên dưới 40 năm, đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, được chính quyền và nhân dân ghi nhận, cổ vũ.
Tuồng ở Yên Thành là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mà các nghệ nhân xã Xuân Thành đã nắm giữ nhiều thập kỷ. Bà Dung tâm sự: “CLB Tuồng xã Xuân Thành của chúng tôi hoạt động nhiều năm và đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Trong đó có Giải thưởng Đào Tấn được trao vào năm 2023 là một phần thưởng cao quý nhất của những người nắm giữ và trao truyền văn hóa tuồng cổ như chúng tôi. Những tưởng khi nhận được giải thưởng cộng với những khen thưởng của các cấp và bề dày thành tích khác, những người đang thực hành di sản có bề dày như chúng tôi sẽ được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhưng rồi ai cũng buồn bởi CLB Tuồng Kẻ Gám xã Xuân Thành không có ai được xét tặng đợt này”.

Bà Hoàng Thị Dung là nghệ nhân gắn bó với tuồng hơn 40 năm, bà chuyên vào vai kép chính và các đào mẫu, đào nương. Bà cũng là người được biểu diễn trên sân khấu trong lễ vinh danh Giải thưởng Đào Tấn năm 2024. Bà có năng khiếu diễn tuồng rất tốt và việc trao truyền được bà thực hiện nhiều thập kỷ nay.

Ông Đặng Văn Huy - Chủ nhiệm CLB Tuồng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành cho biết: Tuồng là văn hóa đặc sản của làng Kẻ Gám chúng tôi, Tuồng không chỉ làm nên một nét làng ở đây mà còn ăn sâu vào đời sống, nếp nghĩ của nhiều người. Ở Kẻ Gám chúng tôi, bất kỳ ai từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên hay các cụ phụ lão đều có thể hát Tuồng. Thế nhưng để vào được vai diễn trong Tuồng cổ thì chỉ có những người có năng khiếu nổi trội mới có thể đảm nhiệm. "Năm nay, khi làm hồ sơ cho 3 nghệ nhân CLB Tuồng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, chính quyền xã đã có những hướng dẫn để hồ sơ đạt được tiêu chí. Thế nhưng, chúng tôi rất buồn vì cả 3 hồ sơ của câu lạc bộ đều không được duyệt", ông Huy tâm sự.
Năm nay, huyện Yên Thành đề xuất 19 bộ hồ sơ ở nhiều thể loại gồm tuồng, dân ca ví, giặm, trống tế, trong đó, có 7 bộ hồ sơ thuộc thể loại tuồng. Theo đại diện phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện cho biết, hiện chỉ có 5/19 bộ được thông qua để đề xuất lên cấp Bộ. Số lượng 5 bộ hồ sơ đạt được trong đợt này đã là một thành công lớn. Vì thực tế ở huyện Yên Thành cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 6 Nghệ nhân Ưu tú, có những năm cả huyện có 30 bộ hồ sơ xin được xét tặng Nghệ nhân Ưu tú thì chỉ có 1 bộ hồ sơ đạt, chỉ có 1 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.
“So bó đũa chọn cột cờ”
Đại diện phòng Văn hóa – Khoa học và Thông tin huyện Yên Thành cho biết, trong quá trình nộp hồ sơ online, có thể có một số sai sót. Trước đây, các hồ sơ được nộp, bổ sung từ cấp huyện rồi mới chuyển lên cấp tỉnh, nhưng nay, các hồ sơ đều nộp trực tuyến lên cấp tỉnh, không qua xét duyệt cấp huyện nên có thể một số hồ sơ không được đầy đủ. Trong khi đó, đối với thể loại Tuồng, cái khó của các nghệ nhân đang thực hành và nắm giữ di sản văn hóa Tuồng là họ có ít sân chơi, ít không gian để được thi thố, thế nên, hồ sơ của họ thiếu sự dày dặn so với các bộ hồ sơ của các loại hình di sản khác.
Ngoài huyện Yên Thành thì huyện Quỳnh Lưu cũng là những đơn vị có nhiều bộ hồ sơ xin được xét tặng Nghệ nhân Ưu tú đợt này. Theo ông Phạm Văn Giang - Trưởng phòng Văn hóa – Khoa học và Thông tin huyện Quỳnh Lưu: “Đợt này, chúng tôi có 9 bộ hồ sơ đều thuộc loại hình di sản Dân ca xứ Nghệ, nhưng chỉ có 1 bộ được cấp tỉnh thông qua. Chúng tôi cũng thấy đáng tiếc, nhưng vì hồ sơ các bác nghệ nhân nộp trực tiếp qua hệ thống bằng hình thức online nên chúng tôi không xét duyệt trước khi gửi, chắc vì vậy mà nhiều bộ hồ sơ còn có nhiều thiếu sót”.

Trao đổi về việc nhiều hồ sơ dù được cộng đồng dân cư đồng tình cao nhưng không được cấp tỉnh thông qua, bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhiều bộ hồ sơ chưa thể hiện được những thành tích nổi trội trong quá trình nắm giữ thực hành loại hình di sản của các cô, các bác.
Bên cạnh đó, các tiêu chí để xét duyệt “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh đều phải tuân thủ theo Quy định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/ 12/ 2023 của Chính phủ: Người nắm giữ và thực hành di sản được xét tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân phải là người có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể... Về điều này có nhiều cô bác chưa thể hiện được rõ nét trong hồ sơ.
Được biết, trong đợt xét duyệt lần này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được 130 bộ hồ sơ nhưng chỉ thông qua được 50 bộ gửi cấp bộ xét duyệt, trong đó, có 3 bộ hồ sơ Nghệ nhân Nhân dân, 47 bộ hồ sơ Nghệ nhân Ưu tú.
“Một bộ hồ sơ phải có được 90% số phiếu trong hội đồng thẩm định. Do đó, hội đồng thẩm định có 11 người, ít nhất 10 người bỏ phiếu thì hồ sơ đó mới được thông qua. Chúng tôi cũng đã xét rất công tâm, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến từ cơ sở, nhất là các bác chưa được xét duyệt thông qua trong đợt này. Trong đó, có những người đã có quá trình nắm giữ và thực hành di sản lên tới hơn 40 năm, có năng khiếu nổi trội, nhiệt huyết trong việc trao truyền. Đó là điều đáng tiếc nhưng việc “so bó đũa chọn cột cờ” trong một cuộc xét duyệt là rất khó khăn đối với hội đồng thẩm định, các hồ sơ chưa đạt cần tích lũy và hoàn thiện để có được sự đầy đủ trong lần xét duyệt tới”.
Bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa
Thanh Nga