Quốc tế

Đặc phái viên của Putin: Quan hệ Mỹ - Nga đang có 'động lực tích cực'

Hoàng Bách 04/04/2025 16:11

Đặc phái viên về đầu tư của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kirill Dmitriev, hôm 3/4 cho biết, ông nhận thấy có một “động lực tích cực” trong quan hệ giữa Moskva và Washington, mặc dù vẫn cần thêm nhiều cuộc gặp để giải quyết những khác biệt.

Screenshot 2025-04-04 at 15.33.34
Người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia của Nga, Kirill Dmitriev, phát biểu với truyền thông trước cuộc gặp với phái đoàn Mỹ tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2. Ảnh: Reuters

Phát biểu với cả các hãng truyền thông Nga và Mỹ sau cuộc hội đàm với các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, ông Dmitriev cũng nói rằng, ông nhìn thấy những triển vọng đối với việc bắt đầu một giải pháp cho cuộc chiến đã kéo dài hơn 3 năm ở Ukraine.

Ông cho biết, các cuộc trao đổi của mình tại Washington đã đề cập đến nhiều vấn đề như sản xuất kim loại quý hiếm, hợp tác ở Bắc Cực, và thậm chí là chuyến du hành có phi hành đoàn tới sao Hỏa. Ông nói rằng, công việc đang được tiến hành để khôi phục các chuyến bay thẳng giữa hai nước.

Chuyến thăm của Dmitriev tới Washington diễn ra sau các cuộc đàm phán Mỹ - Nga tại Saudi Arabia và một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian về các lệnh ngừng bắn vào các mục tiêu năng lượng và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đen.

“Không nghi ngờ gì, chúng tôi ghi nhận một động lực tích cực trong quan hệ của chúng tôi”, các hãng tin Nga dẫn lời ông nói với các nhà báo tại Washington. “Sẽ vẫn cần một loạt các cuộc gặp để chúng tôi giải quyết hết những khác biệt. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi nhìn thấy một thái độ tích cực, mang tính xây dựng”.

“Chúng tôi thấy rất rõ rằng, chính quyền của Tổng thống hiện tại có ý định giải quyết các vấn đề, khác hẳn so với thời Tổng thống Joe Biden. Họ thể hiện thái độ rất tôn trọng, đặt nhiều câu hỏi và tìm kiếm những thỏa hiệp”, ông nói thêm.

Ông Dmitriev nói với CNN rằng, ông nhìn thấy triển vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến tại Ukraine dưới thời chính quyền Trump.

“Tôi nghĩ rằng, với chính quyền Trump, chúng ta hiện đang bước vào giai đoạn suy nghĩ về điều gì là khả thi, điều gì thực sự có thể hiệu quả, và làm thế nào để tìm ra một giải pháp lâu dài”, ông Dmitriev nói. “Tôi nghĩ một giải pháp lâu dài là điều cần thiết, bởi vì chúng tôi cũng đang nghĩ đến an ninh toàn cầu, làm thế nào để đảm bảo các mối quan ngại an ninh của Nga được tính đến”.

Ông cho biết, tiến triển đã đạt được nhờ vào các cuộc hội đàm tại Saudi Arabia và nhờ vào công việc của đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff.

Các quan chức Mỹ cho biết, ông Witkoff, đặc phái viên của ông Trump và là người dẫn đầu trong các liên hệ của chính quyền này với Điện Kremlin, đã mời ông Dmitriev đến Mỹ vào tuần trước.

Lấp đầy những khoảng trống Châu Âu để lại

Theo các hãng tin của Nga, ông Dmitriev nói rằng, các công ty Mỹ đang quan tâm tới thị trường Nga và “muốn lấp đầy các khoảng trống do các công ty châu Âu đã để lại. Chúng tôi thấy rằng, những hạn chế về ý thức hệ còn tồn tại trong các công ty châu Âu có thể sẽ giúp các công ty Mỹ nắm lấy một loạt các cơ hội”.

Cũng theo quan chức này, các cuộc thảo luận đã mở rộng tới phát triển khu vực Bắc Cực, kim loại quý hiếm và các lĩnh vực khác “nơi mà chúng tôi có thể xây dựng các mối quan hệ tích cực và mang tính sáng tạo”.

Ông nói với Newsmax rằng, Nga đã “chính thức nói rằng chúng tôi muốn hợp tác với Elon Musk trong một sứ mệnh tới sao Hỏa, bởi vì chúng tôi tin rằng Nga sở hữu một số công nghệ hạt nhân có thể hữu ích”.

Và theo các hãng tin Nga, ông Dmitriev cho biết rằng “công việc đang được tiến hành để khôi phục các tuyến bay thẳng và chúng tôi hy vọng có tiến triển trong vấn đề này”.

Trước đó, trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram, ông Dmitriev đã nói rằng có những thế lực không xác định đang cố gieo rắc căng thẳng giữa Nga và Mỹ.

“Hiện nay, có rất nhiều thế lực muốn duy trì căng thẳng đang cản trở việc khôi phục hợp tác mang tính xây dựng... Những thế lực này đang cố tình bóp méo lập trường của Nga, cố làm gián đoạn mọi bước tiến tới đối thoại, không tiếc tiền bạc hay nguồn lực để làm điều đó”, ông Dmitriev viết.

“Những người phản đối sự xích lại gần nhau lo sợ rằng Nga và Mỹ sẽ tìm được tiếng nói chung, hiểu nhau hơn và xây dựng sự hợp tác cả trong các vấn đề quốc tế lẫn kinh tế”, ông nói.

Việc khôi phục đối thoại là “một quá trình khó khăn và dần dần. Nhưng mỗi cuộc gặp, mỗi cuộc trò chuyện thẳng thắn đều giúp chúng tôi tiến lên phía trước”, theo Dmitriev.

Hoàng Bách