Chuyển đổi số

Chuỗi cung ứng Apple 'rung chuyển', cổ phiếu giảm kỷ lục trước thuế quan mới của ông Donald Trump?

Phan Văn Hòa 04/04/2025 16:52

Cơn địa chấn mang tên 'thuế quan Trump' đã giáng đòn mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, đẩy cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ này xuống mức 'rơi tự do' chưa từng thấy trong 5 năm. Liệu 'đế chế' Apple có thể vượt qua 'cơn bão' này?

Trong những năm gần đây, Apple đã bắt đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc, một chiến lược nhằm đa dạng hóa sản xuất và giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

iPhone "Made in India" đã có mặt tại Mỹ, tai nghe AirPods đến từ Việt Nam và những chiếc máy tính để bàn MacBook được lắp ráp tại Malaysia.

Đây là động thái chiến lược của Apple nhằm ứng phó với hàng loạt thách thức trước đó, từ thuế quan thời chính quyền Trump, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, cho đến tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, tất cả đều làm lộ rõ rủi ro khi đặt gần như toàn bộ sản xuất tại Trung Quốc.

Chiến lược đó tưởng chừng là bước đi đúng đắn, cho đến khi làn sóng "thuế quan ăn miếng trả miếng" mới đây của Tổng thống Donald Trump bất ngờ mở rộng sang các quốc gia mà Apple đang dựa vào như Ấn Độ, Việt Nam và Malaysia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hệ quả đến ngay lập tức, cổ phiếu Apple dẫn đầu đà lao dốc trong nhóm cổ phiếu công nghệ vào ngày 3/4 vừa qua. Khi các quốc gia được xem là "cứu cánh" giờ đây cũng nằm trong danh sách áp thuế, cổ phiếu của Apple mất hơn 9%, vượt xa mức giảm 6% của chỉ số Nasdaq.

Cú sụt mạnh này đã "bốc hơi" hơn 300 tỷ USD vốn hóa thị trường của gã khổng lồ iPhone, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3 năm 2020.

Nhà phân tích Erik Woodring từ Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Morgan Stanley (Mỹ) chia sẻ với tờ CNBC rằng: "Khi nhìn vào mức thuế quan qua lại nhắm đến các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan, những điểm đến quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple, bạn sẽ thấy không còn lối thoát nào thật sự".

Theo ước tính của Woodring, để bù đắp tác động từ thuế, Apple có thể buộc phải tăng giá tất cả các dòng sản phẩm tại thị trường Mỹ thêm khoảng 17% đến 18%. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều ẩn số, từ cách Apple sẽ phản ứng, đến khả năng Trung Quốc sẽ đáp trả Mỹ ra sao.

"Trong một môi trường như thế này, bạn bắt buộc phải cân nhắc đến kịch bản xấu nhất", ông nói. "Và dường như cả hai phía trong cuộc đối đầu địa chính trị này đều đang ngày càng cứng rắn".

Apple đã không đưa ra bất kỳ phản hồi nào vào ngày 3/4 về kế hoạch đối phó với chính sách thuế quan của Trump, cũng như việc liệu hãng có xem xét tăng giá sản phẩm tại Mỹ hay không.

Họ cũng từ chối bình luận về các cuộc gặp được cho là giữa CEO Tim Cook và ông Trump trong năm nay, nếu có hay bất kỳ nội dung thảo luận nào đã diễn ra.

Trước đó, trong cuộc họp báo cáo tài chính hồi tháng 1 năm nay, Tim Cook từng dè dặt: "Chúng tôi đang theo dõi tình hình, và hiện tại chưa có gì thêm để chia sẻ".

Apple có thể một lần nữa tìm cách xin miễn thuế như đã từng làm thành công dưới thời chính quyền Trump trước đây. Nhưng nếu lần này không được, làn sóng thuế quan mới sẽ trực tiếp đe dọa đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Theo hồ sơ tài chính được Apple công bố vào tháng 11 năm ngoái, phần lớn hoạt động sản xuất của hãng hiện vẫn tập trung tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Đây cũng là những quốc gia đang nằm trong danh sách chịu tác động nặng nề từ đợt áp thuế mới do cựu Tổng thống Donald Trump công bố gần đây.

Apple từng cảnh báo các nhà đầu tư rằng, các mức thuế quan mới có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc hãng phải tăng giá bán lẻ hoặc thậm chí ngừng kinh doanh một số sản phẩm nhất định tại Mỹ.

Trong báo cáo, công ty nhấn mạnh: "Tác động có thể đặc biệt nghiêm trọng nếu các biện pháp này ảnh hưởng đến những thị trường mang lại phần lớn doanh thu và/hoặc là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng của chúng tôi".

Danh sách các nhà cung cấp chủ chốt, nơi chiếm đến 98% tổng chi tiêu cho vật liệu, sản xuất và lắp ráp của Apple phần lớn đều thuộc nhóm quốc gia đang đối mặt với mức thuế mới, bao gồm Việt Nam: 46%, Trung Quốc: 54% (tăng từ 20%), Đài Loan: 32%, Hàn Quốc: 25%, Ấn Độ: 26%, Nhật Bản và Malaysia: 24%.

Ảnh minh họa1
Liệu Apple có tăng giá các sản phẩm của họ trước áp lực tăng thuế mới của Tổng thống Donald Trump? Ảnh: Internet

Ông Trump cho biết, mục tiêu của chính sách thuế là để "đưa sản xuất trở lại nước Mỹ", thậm chí dẫn đích danh Apple trong một tuyên bố rằng: "Họ sẽ xây dựng nhà máy ở đây".

Dù từng lắp ráp mẫu Mac Pro cao cấp tại bang Texas, phần lớn dây chuyền sản xuất của Apple vẫn đặt ở nước ngoài. Gói đầu tư 500 tỷ USD tại Mỹ mà ông Trump ca ngợi bao gồm việc mua linh kiện và chip từ các nhà cung cấp nội địa, nhưng chưa bao gồm cam kết sản xuất quy mô lớn.

Apple từ lâu đã phản đối việc chuyển sản xuất về Mỹ vì chi phí và khả năng vận hành. Ngay từ năm 2011, cố CEO Steve Jobs từng nói thẳng với Tổng thống Barack Obama rằng: "Những công việc đó sẽ không quay trở lại".

Các nhà phân tích đồng tình rằng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ là bất khả thi trong ngắn hạn. Theo chuyên gia Dan Ives từ công ty dịch vụ tài chính Wedbush (Mỹ), Apple sẽ cần tối thiểu 3 năm và khoảng 30 tỷ USD chỉ để chuyển 10% sản lượng khỏi châu Á, chưa kể những gián đoạn nghiêm trọng đi kèm.

Đối với nhà đầu tư, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là mức thuế mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận của Apple?

Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Apple có thể xoay sở bằng cách tận dụng các cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chính các "phương án B" như Việt Nam, Ấn Độ hay Malaysia cũng bị áp thuế, mọi tính toán đều cần được làm lại từ đầu.

Apple nổi tiếng với việc hiếm khi tăng giá sản phẩm giữa chu kỳ, nên nhiều khả năng sẽ cân nhắc giữa việc giữ giá ổn định hay chấp nhận hy sinh biên lợi nhuận. Với dòng iPhone mới dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới, mọi quyết định lúc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ vọng tài chính quý IV.

Nhà phân tích Angelo Zino từ công ty nghiên cứu và phân tích tài chính CFRA Research (Mỹ) nhận định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu thuế quan được duy trì lâu dài, chúng sẽ gây sức ép lên các yếu tố nền tảng của Apple, đặc biệt là biên lợi nhuận và lợi nhuận kỳ vọng".

Phan Văn Hòa