Liên Hợp Quốc cảnh báo: AI đe dọa 40% việc làm, làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu
Báo cáo mới nhất từ Liên Hợp Quốc cho thấy, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động đến 40% việc làm trên toàn cầu, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.
Theo báo cáo từ Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD), AI dự kiến sẽ đạt giá trị thị trường 4,8 nghìn tỷ USD vào năm 2033, tương đương với quy mô của nền kinh tế Đức.
AI hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, bao gồm tăng năng suất, thúc đẩy chuyển đổi số, và cải thiện hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, báo cáo công bố ngày 3/4 vừa qua của UNCTAD cũng cảnh báo về những rủi ro đi kèm, đặc biệt là tác động của AI đối với thị trường lao động.
Ước tính khoảng 40% việc làm trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, làm gia tăng lo ngại về tình trạng mất việc làm và sự dịch chuyển lao động quy mô lớn.

Đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh rằng, AI không phải là công nghệ mang tính bao trùm, nghĩa là các lợi ích kinh tế mà nó tạo ra chủ yếu tập trung vào một số nhóm nhất định, thay vì phân phối đồng đều giữa các quốc gia và tầng lớp xã hội.
Những lợi ích của tự động hóa do AI thúc đẩy thường có lợi cho vốn hơn là lao động, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.
Đặc biệt, các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc vào lao động giá rẻ có thể mất lợi thế cạnh tranh, khi AI và tự động hóa trở thành xu hướng thống trị trong nhiều ngành công nghiệp.
Mối lo ngại về việc AI gây ra thất nghiệp và gia tăng bất bình đẳng không phải là điều mới mẻ. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những cảnh báo tương tự hơn một năm trước.
Đến tháng 1 năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố một báo cáo cho thấy, 41% người sử dụng lao động có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong những lĩnh vực mà AI có thể thay thế con người. Điều này cho thấy tác động của AI đối với việc làm không còn là dự báo xa vời mà đang dần trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, bên cạnh tác động đến thị trường lao động, báo cáo của UNCTAD còn nhấn mạnh sự bất bình đẳng giữa các quốc gia trong cuộc đua phát triển AI.
Dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, 40% tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển AI trên toàn cầu chỉ tập trung vào 100 công ty, mà phần lớn trong số đó là các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia có nền kinh tế yếu hơn đang ngày càng bị bỏ xa trong cuộc cách mạng công nghệ mới.
Hơn thế nữa, quyền lực kinh tế của những gã khổng lồ công nghệ cũng đặt ra những vấn đề đáng lo ngại. Báo cáo lưu ý rằng, những công ty dẫn đầu về AI như Apple, Nvidia và Microsoft – những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ của công nghệ này hiện có giá trị thị trường ngang bằng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn bộ châu Phi.
Điều này cho thấy mức độ tập trung tài sản và quyền lực chưa từng có, có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, sự thống trị AI ở cấp độ doanh nghiệp và quốc gia cũng khiến nhiều nước đang phát triển đứng trước nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua công nghệ.
UNCTAD cảnh báo rằng, 118 quốc gia, chủ yếu thuộc Nam Bán cầu hiện không có tiếng nói trong các cuộc thảo luận toàn cầu về quản trị AI.
Điều này có thể khiến họ mất đi cơ hội định hình các quy tắc, tiêu chuẩn và chính sách quan trọng trong lĩnh vực này, từ đó càng bị đẩy xa hơn trong cuộc cạnh tranh công nghệ.
Khuyến nghị của Liên Hợp Quốc
Mặc dù AI có thể thay thế nhiều công việc truyền thống, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh rằng, công nghệ này cũng có tiềm năng tạo ra những ngành công nghiệp hoàn toàn mới và trao quyền cho người lao động.
Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu có sự đầu tư thích đáng vào đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Việc trang bị kỹ năng phù hợp sẽ giúp người lao động không chỉ thích ứng với sự thay đổi của thị trường việc làm mà còn tận dụng những cơ hội mà AI mang lại.
Để đảm bảo rằng các quốc gia đang phát triển không bị tụt hậu, báo cáo nhấn mạnh rằng họ cần có một chỗ ngồi trên bàn đàm phán khi xây dựng các quy định về AI cũng như khuôn khổ đạo đức.
Nếu không tham gia vào quá trình này, các nước nghèo hơn có thể phải chấp nhận các tiêu chuẩn công nghệ do những quốc gia phát triển áp đặt, dẫn đến sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận và khai thác lợi ích từ AI.

Trong nỗ lực thúc đẩy một sự phát triển công bằng và toàn diện, UNCTAD đã đưa ra một loạt khuyến nghị dành cho cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo AI không chỉ mang lại lợi ích cho một số ít quốc gia hoặc tập đoàn công nghệ. Những đề xuất này bao gồm:
- Tăng cường cơ chế công khai AI, đảm bảo tính minh bạch trong phát triển và ứng dụng công nghệ.
- Xây dựng hạ tầng AI được chia sẻ, giúp các quốc gia và tổ chức có thể tiếp cận tài nguyên công nghệ một cách bình đẳng.
- Khuyến khích sử dụng các mô hình AI nguồn mở, giúp giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống độc quyền của các công ty công nghệ lớn.
- Phát triển các sáng kiến chia sẻ kiến thức và tài nguyên AI, tạo điều kiện để các nước đang phát triển có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của AI nguồn mở, một cách tiếp cận trong đó mã nguồn của phần mềm AI được công khai trên Internet, cho phép bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi, cải tiến và phân phối lại.
Điều này giúp mở rộng khả năng tiếp cận AI, đồng thời khuyến khích sự đổi mới từ các cộng đồng và quốc gia có nguồn lực hạn chế.
Báo cáo kết luận: “AI có thể là chất xúc tác cho sự tiến bộ, đổi mới và thịnh vượng chung nhưng điều này chỉ xảy ra nếu các quốc gia chủ động định hướng quỹ đạo phát triển của nó”.
Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư chiến lược, quản trị toàn diện và hợp tác quốc tế. Đây chính là chìa khóa để đảm bảo AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, thay vì chỉ làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng hiện có.