Giá dầu thế giới ở mức thấp kỷ lục 2 năm qua
Giá dầu thế giới lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần, giảm đến 7% và rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Nguyên nhân chính đến từ việc Trung Quốc tuyên bố áp thuế 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Tuần vừa qua, giá dầu Brent chốt phiên ở mức 65,58 USD/thùng, giảm 4,56 USD (tương đương 6,5%). Dầu WTI của Mỹ giảm 4,96 USD, tương đương 7,4%, về mức 61,99 USD/thùng.
Trong phiên, Brent từng xuống thấp nhất còn 64,03 USD, trong khi WTI chạm đáy 60,45 USD – mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Tính cả tuần, Brent giảm 10,9%, ghi nhận mức sụt giảm theo tuần lớn nhất trong vòng 18 tháng. WTI mất 10,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 2 năm qua.

Thị trường hàng hóa toàn cầu đồng loạt giảm. Không chỉ dầu mỏ, mà cả khí đốt tự nhiên, đậu tương và vàng đều chịu áp lực bán mạnh. Các chỉ số chứng khoán quốc tế cũng lao dốc. Ngân hàng JPMorgan dự báo khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay đã tăng lên 60%, so với mức 40% trước đó.
Chuyên gia Scott Shelton từ United ICAP cho rằng giá dầu có thể đang về vùng giá hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Ông dự báo dầu WTI có thể còn giảm về vùng từ 55 đến dưới 60 USD/thùng trong ngắn hạn nếu nhu cầu tiếp tục suy yếu.
Áp lực giảm giá dầu còn đến từ quyết định của OPEC+ khi nhóm này bất ngờ nâng kế hoạch tăng sản lượng từ 135.000 thùng/ngày lên 411.000 thùng/ngày kể từ tháng 5. Điều này khiến thị trường lo ngại về nguồn cung dư thừa trong bối cảnh nhu cầu chưa rõ ràng.
Một yếu tố khác góp phần kéo giá dầu đi xuống là quyết định từ tòa án Nga, cho phép duy trì hoạt động xuất khẩu dầu từ Kazakhstan qua cảng Biển Đen, giúp tránh được nguy cơ sụt giảm nguồn cung từ khu vực này.
Mặc dù dầu thô và các sản phẩm lọc dầu được miễn thuế trong chính sách mới của Tổng thống Trump, nhưng rủi ro lạm phát và tăng trưởng chậm lại do chính sách thương mại vẫn là yếu tố gây áp lực.
Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent và WTI trong tháng 12/2025, mỗi loại giảm 5 USD, xuống còn lần lượt là 66 USD và 62 USD/thùng. Ngân hàng này cho biết rủi ro giá dầu tiếp tục nghiêng về chiều giảm, đặc biệt trong năm 2026, do nguy cơ suy thoái và nguồn cung từ OPEC+ tăng cao.
HSBC cũng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 từ 1 triệu thùng/ngày xuống còn 0,9 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng từ chính sách thuế và sản lượng tăng thêm của OPEC+.
Dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy các quỹ đầu cơ tiếp tục gia tăng vị thế mua ròng đối với dầu thô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/4. Tuy nhiên, nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, thị trường dầu có thể tiếp tục chịu áp lực trong những tuần tới.