Pháp luật

Bài 4: Cơ hội và thách thức

Nhóm P.V Pháp Luật 15/04/2025 09:13

Chuyển đổi số đang là chìa khóa mở ra cơ hội lớn cho ngành Tư pháp, giúp cải cách quy trình, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình này cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức về hạ tầng, nhân lực và khung pháp lý mà để tạo sự đột phá, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.

TIEU DE BAI 4

15/04/2025

Tit phu 1

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu (phần mềm thường xuyên lỗi; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu có lúc có nơi còn chậm...).

Vẫn còn tình trạng ở cấp xã chưa bố trí được thiết bị riêng dành cho đăng ký, quản lý hộ tịch, phải dùng chung máy in, máy scan với bộ phận khác.

Do trình độ còn hạn chế nên một số nơi người dân khi thực hiện giao dịch còn phải điểm chỉ. Ảnh Tiến Đông
Do trình độ còn hạn chế nên một số nơi người dân khi thực hiện giao dịch còn phải điểm chỉ. Ảnh: Tiến Đông

Một số địa bàn sử dụng máy tính đã quá cũ, cấu hình thấp, đường truyền Internet chậm, không ổn định nên vận hành trục trặc; dữ liệu dân cư chưa đồng bộ với dữ liệu chuyên ngành, chưa cập nhật kịp thời thông tin hộ tịch thay đổi của công dân; dữ liệu số hóa sổ hộ tịch còn sai sót, thiếu thông tin. Hầu hết các địa phương chưa bố trí kinh phí cho việc triển khai Đề án 06...

Cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) cập nhật hồ sơ cho công dân. Ảnh Tiến Đông
Cán bộ Tư pháp- hộ tịch xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) cập nhật hồ sơ cho công dân. Ảnh: Tiến Đông

Ông Lầu Bá Chò - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết: Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp (như Cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu về quốc tịch, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý, cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự…) chưa được khai thác tốt, trong đó có một số phần mềm đang trong quá trình nâng cấp hoàn thiện, nên việc kết nối, chia sẻ chưa kịp thời.

Đặc biệt đối với huyện miền núi như Kỳ Sơn, hiện nay đa số người dân trên địa bàn chưa có tài khoản VNeID để thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến (không có sim chính chủ, việc liên lạc của người dân chủ yếu dùng sim mạng…). Vì thế, khi đến giao dịch, nhiều trường hợp còn phải nhờ cán bộ làm thay.

Còn ông Lô Văn Tuyến - công chức tư pháp - hộ tịch xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) bày tỏ: Khó khăn nhất hiện nay chính là việc thiết bị kết nối để thực hiện các giao dịch điện tử còn nhiều hạn chế, đường truyền chưa đủ mạnh khi thực hiện nhiều giao dịch dẫn đến việc xử lý các hồ sơ còn chậm. Việc thực hiện giao dịch điện tử những người trẻ tiếp cận nhanh, chứ người lớn tuổi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Nên việc cán bộ phải làm thay là điều không tránh khỏi. Chưa kể, nhiều dữ liệu còn thiếu, không trùng khớp cũng khiến cho việc thực hiện giao dịch gặp không ít khó khăn.

Đơn cử trường hợp anh Lương Văn Nhất (SN 1988) trú tại bản Tân Hợp, người mà phóng viên gặp tại bộ phận một cửa Xã Ngọc Lâm, đến để làm thủ tục khai tử cho người anh trai Lương Văn Thìn (SN 1976) đã mất từ năm 2011, nhằm thực hiện thủ tục phân chia thừa kế di sản đất đai.

Tuy nhiên, anh Nhất cho hay, do anh Thìn đã mất từ năm 2011 khi chưa làm căn cước công dân nên việc tra cứu thông tin, hồ sơ gặp khó khăn, việc thực hiện giao dịch vì thế cũng chưa thực hiện được.

bna_anh-luong-van-nhat-tai-xa-ngoc-lam-den-lam.jpg
Anh Lương Văn Nhất trú tại xã Ngọc Lâm đến làm thủ tục khai tử cho anh trai nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tra cứu thông tin, hồ sơ. Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Vi Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp: Để thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, điều quan trọng nhất là hạ tầng, trang thiết bị phải được đảm bảo.

Tuy vậy, Quỳ Hợp là huyện miền núi, có tới 14/21 xã đặc biệt khó khăn, thực tế hiện nay tốc độ xử lý của đường truyền đôi lúc còn chậm, thường xuyên xảy ra tình trạng mạng bị ngắt quãng, thời gian tiếp nhận các hồ sơ lâu, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết thủ tục cho công dân.

Ông Vi Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp. Ảnh Đặng Cường
Ông Vi Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Đặng Cường

Một số địa phương còn nêu thực tế: Trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng ứng dụng công nghệ của một số cán bộ, công chức, người dân còn hạn chế nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn trong khâu tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Việc cấp số định danh cá nhân có thời điểm chậm, việc xử lý hủy/xóa số định danh trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp chậm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh và quyền lợi của người dân.

Cán bộ Tư pháp xã Xuân Hòa (Nam Đàn) kiểm tra hồ sơ cho người dân. Ảnh Khánh Ly
Cán bộ Tư pháp xã Xuân Hòa (Nam Đàn) kiểm tra hồ sơ cho người dân. Ảnh: Khánh Ly

Việc tiếp nhận trên môi trường điện tử đối với thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực tại một số đơn vị số lượng còn hạn chế, tỷ lệ thấp, như: Huyện Quế Phong tiếp nhận 189/31.645 hồ sơ, chỉ đạt 0,59%; huyện Đô Lương tiếp nhận 635/11.231 hồ sơ, đạt 5,6%; TX. Thái Hòa tiếp nhận 1159/8040 hồ sơ, đạt 14.41%...

Tit phu 2

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, quá trình triển khai liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng) vẫn còn một số tồn tại như: Việc ký số bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử còn nhiều lúng túng; Việc chuyển hồ sơ, đồng bộ trạng thái giữa phần mềm chuyên ngành với phần mềm dịch vụ công còn chậm; Phần mềm dịch vụ công thường xuyên gặp lỗi (không thể truy cập cổng thông tin, lỗi xác thực từ trang dịch vụ công quốc gia…).

Bên cạnh đó, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng có lúc chưa kịp thời; vẫn còn tình trạng chậm trả mã định danh khi thực hiện khai sinh…

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh Tiến Đông
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: Tiến Đông

Theo bà Hoàng Thị Nga - Trưởng phòng Tư pháp huyện Thanh Chương: Nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tư pháp về chuyển đổi số là chứng thực điện tử và công tác hộ tịch. Để làm tốt 2 nhiệm vụ này, ngành Tư pháp đã phối hợp với các ngành Công an, BHXH thực hiện tốt các thủ tục hành chính liên thông trên cổng dịch vụ công quốc gia: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.

Nội dung này đã được triển khai từ tháng 5/2020 đến nay ở huyện Thanh Chương, cơ bản đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tư pháp, Công an và Bảo hiểm xã hội để đảm bảo việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi được nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, quá trình triển khai ở huyện Thanh Chương cũng gặp những khó khăn nhất định do khi thực hiện liên thông, các thủ tục hành chính vốn là của 3 bộ phận khác nhau tiếp nhận giải quyết nay đều do công chức tư pháp tiếp nhận đầu vào, trong khi số lượng đầu việc của công chức tư pháp xã nhiều, số lượng con người lại hạn chế (một số xã chỉ có 1 cán bộ tư pháp - hộ tịch).

Công dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Nam Đàn. Ảnh Khánh Ly
Công dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Nam Đàn. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh đó, thực tế liên thông trên phần mềm mới chỉ liên thông được giữa phần mềm khai sinh với phần mềm cấp thẻ bảo hiểm; chưa liên thông trên phần mềm thủ tục đăng ký thường trú.

Quá trình trả kết quả cũng đang gặp những khó khăn nhất định (ví như công dân muốn được trả thẻ tại nhà nhưng hiện tại việc trả thẻ vẫn đang thực hiện qua công chức tư pháp, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa). Thời hạn trả kết quả của các thủ tục nhất là việc cấp thẻ bảo hiểm y tế vẫn còn tình trạng chậm, chưa đảm bảo theo quy định.

Tit phu 3

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đã trở thành một xu thế tất yếu, trong đó có hoạt động công chứng nói chung và công chứng điện tử nói riêng.

Người dân đến giao dịch tại Phòng công chứng số 2, đóng tại huyện Diễn Châu. Ảnh Tiến Đông
Người dân đến giao dịch tại Phòng công chứng số 2, đóng tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng phòng Công chứng số 1 - Sở Tư pháp: Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp về việc đối soát, làm sạch giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Vì thế, việc triển khai Mô hình 8 về sử dụng thiết bị xác thực vào hoạt động công chứng gặp nhiều hạn chế. Trong đó, trường thông tin khai thác từ thiết bị xác thực rất ít (thẻ căn cước chỉ có thông tin họ và tên, ngày sinh và nơi cư trú), không có thông tin quan hệ về nhân thân gây khó cho các tổ chức hành nghề công chứng.

Sử dụng thiết bị xác thực để kiểm tra thông tin người dân đến công chứng. Ảnh Đặng Cường
Sử dụng thiết bị xác thực để kiểm tra thông tin người dân đến công chứng. Ảnh: Đặng Cường

Cùng với đó, thiết bị đầu đọc mã QR, đọc chip trên căn cước công dân của các đơn vị cung cấp hiện tại cũng chỉ mới đọc được một số trường thông tin cơ bản như: Đối chiếu ảnh chụp và ảnh căn cước công dân (xác thực có hợp lệ hay không hợp lệ); Thông tin thẻ như số căn cước công dân, ngày hiệu lực, số CMND cũ và ngày hết hạn; Thông tin cá nhân: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú, tôn giáo, dân tộc, đặc điểm; Thông tin người thân, tên cha, tên mẹ, tên vợ/chồng.

Còn đối với căn cước loại mới thì có ít trường thông tin hơn và không có nhận diện được dấu vân tay…

Sử dụng thiết bị để xác thực thông tin trên căn cước công dân của người dân khi đến làm các thủ tục công chứng.
Sử dụng thiết bị để xác thực thông tin trên căn cước công dân của người dân khi đến làm các thủ tục công chứng. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Cảnh Toàn cũng cho rằng, Nghị quyết 172/NQ-CP của Chính phủ ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong đó, hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định; xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng đảm bảo việc kết nối liên thông giữa các sở, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng…

Tuy nhiên, đến nay mối quan hệ giữa cơ quan công chứng, cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy CNQSDĐ chưa được liên thông. Vì thế, người dân sau khi công chứng hợp đồng giao dịch đất đai tại văn phòng công chứng vẫn phải mang hồ sơ sang cơ quan cấp giấy CNQSDĐ để chờ làm thủ tục, điều này rất mất thời gian và thường gây nên tình trạng ùn tắc.

Hướng dẫn người dân làm các thủ tục công chứng. Ảnh Đặng Cường
Hướng dẫn người dân làm các thủ tục công chứng. Ảnh: Đặng Cường

Bà Nguyễn Thị Uyên - Trưởng Phòng Công chứng số 2 (đóng tại huyện Diễn Châu) chỉ ra một vấn đề quan trọng khác liên quan đến tính chính xác của công nghệ nhận diện khuôn mặt. Phần mềm đôi khi vẫn xác thực thành công những người có khuôn mặt giống nhau, điều này tiềm ẩn nguy cơ về việc nhận dạng sai người.

Có những trường hợp đúng người yêu cầu công chứng nhưng xác thực khuôn mặt lại cho ra kết quả không hợp lệ nếu có thay đổi về kiểu tóc. Bên cạnh đó, thông tin trên căn cước công dân hiện nay vẫn còn hạn chế, chỉ có họ tên, ngày sinh và nơi cư trú, mà không có dấu vân tay hay các thông tin liên quan đến mối quan hệ nhân thân. Điều này khiến cho việc xác định chính xác chủ thể trong các giao dịch công chứng trở nên khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Thị Uyên kiến nghị, để việc sử dụng thiết bị đầu đọc thẻ căn cước công dân trong công tác công chứng đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự hỗ trợ từ Bộ Công an trong việc chia sẻ dấu vân tay và bổ sung các thông tin về mối quan hệ nhân thân trên thẻ căn cước công dân, căn cước.

Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp, như cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc tịch. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hành nghề công chứng có thể truy cập dữ liệu trực tiếp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và đảm bảo tính chính xác trong các giao dịch công chứng.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng phòng công chứng số 1 (bên phải) trao đổi với PV. Ảnh Tiến Đông
Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng phòng công chứng số 1 (bên phải) trao đổi với PV. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, theo nhiều công chứng viên, một trong những vấn đề lớn là chi phí của thiết bị đọc thẻ căn cước công dân khá cao, bởi việc mua ứng dụng thường theo gói với số lần truy cập giới hạn.

Tuy nhiên, lượng khách giao dịch công chứng lại rất lớn, một bộ hồ sơ công chứng có thể liên quan đến từ 1 đến hơn 10 người, và mỗi người cần phải thực hiện ít nhất hai lần truy cập phần mềm: Một lần để xác thực căn cước công dân và một lần để xác thực khuôn mặt. Điều này dẫn đến tình trạng nhanh chóng hết số lần truy cập, gây gián đoạn trong công việc.

Đó là những khó khăn, bất cập trong hành trình số hóa, đòi hỏi giải pháp đồng bộ để tháo gỡ…

Nhóm P.V Pháp Luật