Gần 30 cơ quan ngoại giao Mỹ có thể bị đóng cửa
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch cắt giảm gần một nửa ngân sách của Bộ Ngoại giao. Kế hoạch này có thể dẫn đến việc đóng cửa gần 30 cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ và cắt giảm mạnh các khoản viện trợ nước ngoài.

Theo đó, chính quyền ông Trump đề xuất cắt giảm gần 30 tỷ USD trong năm tài khóa 2026. Nội dung này được nêu trong tài liệu gọi là “Passback” - phản hồi của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) đối với đề xuất ngân sách của Bộ Ngoại giao cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10/2025.
Bộ Ngoại giao có thể đề xuất điều chỉnh, nhưng theo một quan chức Mỹ, phiên bản cuối cùng nhiều khả năng chỉ được thay đổi “rất ít” trước khi trình lên lưỡng viện phê duyệt. Vị này cũng cho biết “khả năng cao” là Quốc hội Mỹ sẽ khôi phục lại một phần ngân sách bị cắt giảm.
Theo Reuters, dựa trên một bản ghi nhớ riêng biệt, chính quyền ông Trump đang xem xét khả năng đóng cửa ít nhất 27 cơ quan đại diện của Mỹ - chủ yếu ở châu Phi và châu Âu. Trong số này, 10 cơ quan là đại sứ quán, còn lại là lãnh sự quán.
Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng và OMB chưa phản hồi yêu cầu bình luận về kế hoạch này.
Những cân nhắc trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Trump, cùng với Bộ Hiệu quả Chính phủ do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo, đang thúc đẩy quá trình cắt giảm quy mô chính phủ liên bang. Mục tiêu là giảm mạnh chi tiêu ngân sách và tinh giản bộ máy, bao gồm cả việc cắt giảm hàng nghìn vị trí việc làm.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump từng đề xuất cắt khoảng một phần ba ngân sách dành cho hoạt động ngoại giao và viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, quốc hội - cơ quan có quyền quyết định ngân sách liên bang - đã bác bỏ đề xuất này.
Cũng theo Reuters, trong bản tóm tắt "passback", ngân sách đề xuất cho Bộ Ngoại giao trong năm tài khóa 2026 là 28,4 tỷ USD, giảm đáng kể so với 54,4 tỷ USD của năm hiện tại.
Đồng thời, khoản viện trợ nước ngoài do Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) quản lý cũng sẽ bị cắt giảm, từ 38,3 tỷ USD xuống còn 16,9 tỷ USD.
Tài liệu cũng yêu cầu mọi đề xuất điều chỉnh ngân sách phải được nộp trước 12 giờ trưa ngày 15/4.
Theo kế hoạch, chính quyền sẽ giải thể USAID, sáp nhập một số chức năng của cơ quan này vào Bộ Ngoại giao và chấm dứt các chương trình bị cho là trùng lặp hoặc không còn phù hợp với ưu tiên của chính phủ. Việc giải thể USAID đã bắt đầu từ tháng 2 năm nay với hơn 5.000 chương trình đã bị chấm dứt, hàng trăm nhà thầu bị cắt hợp đồng và hàng nghìn nhân viên đã nhận thông báo chấm dứt công việc.
Tài liệu cũng nêu rõ rằng các chương trình viện trợ nhân đạo quy mô lớn và hỗ trợ người tị nạn hiện tại sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, hai chương trình mới sẽ được thành lập: một chương trình hỗ trợ nhân đạo quốc tế trị giá 2,5 tỷ USD và một chương trình khẩn cấp của Tổng thống dành cho người tị nạn và di cư trị giá 1,5 tỷ USD.
Theo tài liệu, các chương trình mới này sẽ tập trung vào “những cuộc khủng hoảng khẩn cấp và mới phát sinh, cả trong và ngoài nước”, và được thiết kế nhằm “đặt lợi ích của công dân Mỹ lên hàng đầu.”