Nghệ An chú trọng xã hội hóa nghề rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững
Chiều 15/4, tại TP Vinh, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; cùng đại diện các ban, ngành liên quan.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 60%
Năm 2024, ngành lâm nghiệp tỉnh Nghệ An gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, giá cả vật tư tăng cao và thị trường tiêu thụ lâm sản thiếu ổn định.
Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành và bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
.jpg)
Trong năm 2024, toàn tỉnh trồng được 22.768 ha rừng; sản xuất được hơn 43 triệu cây giống các loại và bảo vệ tốt 962.230 ha diện tích rừng hiện có. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%. Tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ này đạt trên 197 tỷ đồng.
Đến nay, Nghệ An đã có 32.630,24 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, tăng gần 32% so với năm 2023. Công tác giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cũng đạt kết quả tích cực, với 1.714 hộ gia đình và 81 cộng đồng được giao 17.322,22 ha đất rừng, đạt 50,7% kế hoạch.
.jpeg)
Trong công tác bảo vệ rừng, ngành đã tổ chức hơn 4.550 đợt tuần tra, kiểm tra; phát hiện và xử lý 420 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt, không xảy ra điểm nóng hay vụ việc nghiêm trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin và ảnh viễn thám được đẩy mạnh nhằm xác định các điểm suy giảm rừng và đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý.
Sự phối hợp giữa các lực lượng như Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Biên phòng, chính quyền địa phương và chủ rừng ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Hiện toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp sản xuất lâm sản ngoài gỗ, 10.410 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, cùng với 3 nhà máy viên nén sinh khối. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 304 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,05%.
.jpg)
Năm 2024, toàn tỉnh chỉ xảy ra 5 vụ cháy rừng, giảm 9 vụ so với năm 2023. Lực lượng chữa cháy huy động gồm 1.515 người, chủ yếu là lực lượng tại chỗ như chủ rừng, kiểm lâm, dân quân tự vệ, lực lượng PCCC, công an, quân sự huyện, đoàn thể địa phương và người dân sinh sống gần rừng.
Năm 2025, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền xã hội hóa nghề rừng, góp phần bảo vệ và ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao chất lượng nguồn giống, khai thác rừng trồng một cách hợp lý gắn với ứng dụng công nghệ trong chế biến, tiêu thụ để gia tăng giá trị sản phẩm từ rừng trồng.
Ngành cũng đặt mục tiêu triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo, tạo việc làm, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao.
Cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ rừng
Tại hội nghị, đại biểu các huyện đã nêu các ý kiến, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong công tác trồng rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, cây giống trồng rừng và đầu ra cho sản phẩm keo nguyên liệu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành lâm nghiệp đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng cháy rừng, khai thác rừng nhỏ lẻ; tình trạng lén lút chặt phá rừng tự nhiên, xâm lấn đất rừng vẫn còn diễn ra, đặc biệt là ở các vùng có rừng nghèo, rừng hỗn giao nứa - gỗ.
Ngoài ra, tiến độ thực hiện các chương trình như trồng rừng thay thế, thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), cũng như việc triển khai các nội dung thuộc Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu số về tài nguyên rừng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng cũng chưa đạt tiến độ đề ra.
.jpeg)
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nguy cơ vi phạm cao, đặc biệt tại các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn.
Chủ động triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trước mùa nắng nóng; tiếp tục kiện toàn lực lượng, phương tiện và trang thiết bị cho công tác này. Rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tập trung ưu tiên triển khai các chính sách nhằm mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đồng thời, chú trọng phát triển diện tích trồng rừng phục vụ kinh doanh gỗ lớn, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sử dụng của rừng.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, khai thác hiệu quả các giá trị đa dụng mà hệ sinh thái rừng mang lại, góp phần vào phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đẩy nhanh tiến độ cập nhật hiện trạng rừng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành việc số hóa bản đồ rừng toàn tỉnh trong năm 2025. Ứng dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh để theo dõi diễn biến rừng, kiểm soát vi phạm hiệu quả hơn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đề ra trong năm 2025.