Quốc tế

EU dỡ lệnh cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga

Mỹ Nga 17/04/2025 06:57

EU dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga vì không chắc chắn vào các lựa chọn thay thế, và mong muốn mở rộng nguồn cung từ Mỹ.

eu dỡ bỏ lệnh cấm mua khí đốt nga
Các công ty năng lượng của Pháp và Đức mong muốn nhập khẩu trở lại khí đốt từ Nga. Ảnh: TASS

Theo RIA Novosti ngày 17/4, hãng Reuters dẫn lời các quan chức châu Âu đưa tin, EU đã từ bỏ ý tưởng ban hành lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, do sự phản đối của một số chính phủ và tình hình không chắc chắn liên quan đến các nguồn thay thế.

"Các quan chức châu Âu đã từ bỏ ý tưởng đưa ra lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga vào khối này trong các gói trừng phạt sắp tới, do sự phản đối của một số chính phủ và sự không chắc chắn về các nguồn thay thế" – nguồn tin cho biết.

Thay vào đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, họ có ý định xây dựng lộ trình mới vào tháng 5 để chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga vào năm 2027. Cùng lúc đó, theo cơ quan này, EC đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga vào tháng 6/2025, nhưng tiến độ thực hiện đang chậm.

Nguồn tin cũng cho rằng, các quan chức châu Âu muốn tận dụng mong muốn mở rộng xuất khẩu khí đốt sang EU của Mỹ để đàm phán giảm thuế quan của Mỹ, mặc dù vẫn chưa rõ yêu cầu của Washington.

Ngoài ra, một trong những nguồn tin của Reuters cho biết, Ủy ban châu Âu lo ngại việc mất nguồn cung LNG của Nga do các hạn chế sẽ làm giảm sức mạnh đàm phán của họ.

Ngoài ra, khối này còn lo ngại nguy cơ phụ thuộc vào Mỹ - nhà cung cấp nhiên liệu xanh lớn thứ ba cho khối. Mặc dù nguồn cung LNG từ Mỹ đã phần nào lấp đầy khoảng trống do sự sụt giảm khí đốt Nga, nhưng an ninh năng lượng của châu Âu vẫn mong manh.

Việc Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng với lập trường cứng rắn về thương mại cùng với những động thái gây rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương khiến giới lãnh đạo châu Âu e ngại: phụ thuộc vào Mỹ có thể trở thành “điểm yếu” mới.

Trước áp lực chi phí và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều lãnh đạo các công ty năng lượng lớn ở EU bắt đầu đề cập đến khả năng nhập khẩu trở lại khí đốt Nga, điều mà họ xem là "không tưởng" chỉ 1 năm trước.

Mỹ Nga