Chênh lệch mua - bán cao, thị trường vàng Nghệ An ‘tê liệt’
Thời điểm này, thị trường vàng Nghệ An rơi vào trạng thái gần như “đóng băng” do mức chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra bị đẩy lên quá cao.

Chiều 17/4, giá vàng trong nước tiếp tục tăng sốc. Mở cửa phiên giao dịch chiều nay, giá vàng trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới khi giá vàng SJC được niêm yết ở mức 115,50 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 2,5 triệu đồng/lượng) - 118 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 2,5 triệu đồng/lượng).
Giá vàng DOJI là 115,50 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 2,5 triệu đồng/lượng) - 118 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 2,5 triệu đồng/lượng).
Giá vàng PNJ đang được mua vào ở mức 114 triệu đồng/lượng (tăng 3,5 triệu đồng/lượng) và bán ra ở mức 117 triệu đồng/lượng (tăng 3,4 triệu đồng/lượng).
Trong khi đó, vàng nhẫn cũng tăng vọt lên mức 113 - 114 triệu đồng/lượng (mua vào) 117 - 118 triệu đồng/lượng bán ra. Đây là lần thứ 14 trong năm 2025 giá vàng thế giới lập đỉnh mới, phản ánh sức hút mạnh của kim loại quý trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động.

Tại Nghệ An, giá vàng đang được các doanh nghiệp vàng bạc tư nhân niêm yết với mức 111- 119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Cụ thể: Tại doanh nghiệp vàng bạc Kim Thành Huy là 10. 900.000 đồng/chỉ (mua vào) và 11. 900.000 đồng/ chỉ (bán ra); Tại doanh nghiệp vàng bạc Như Trịnh (Yên Thành) là 11. 150.000 đồng/chỉ - 11.700.000 đồng/chỉ (mua vào - bán ra), tại tiệm vàng Mai Linh (Thanh Chương) là: 11.200.000 đồng/chỉ - 11. 750.000 đồng/chỉ (mua vào - bán ra).
Thông thường, chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào chỉ dao động từ 700.000 - 1,5 triệu đồng/lượng, thậm chí cao lắm cũng chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/lượng trong các thời điểm nhạy cảm. Tuy nhiên, ngày 17/4/2025, tại Nghệ An, biên độ chênh lệch giữa mua vào - bán ra ở các tiệm vàng đã được nới rộng lên nhiều so với các phiên giao dịch trước đó.

Cụ thể, mức giá bán ra chênh với mức giá mua vào lên đến 600 - 800.000 đồng/chỉ (tương đương 6-10 triệu đồng/lượng), cao gấp 2 - 3 lần mức bình thường, gấp 2-3 lần biên độ chênh lệch mua - bán thị trường trong nước.
Điều này cảnh báo rõ ràng rằng thị trường vàng đang rơi vào trạng thái thiếu ổn định, và các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải giãn biên độ để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, khi giá tăng quá cao, doanh nghiệp ngại mua vào, vì nếu giá đảo chiều, họ chịu lỗ rất lớn.

Do đó, khi mức chênh lệch giữa mua vào - bán ra cao bất thường sẽ tác động tiêu cực lên thị trường. Người bán không muốn bán, vì sẽ bị “lỗ” nặng do giá mua vào thấp. Người mua cũng không dám mua, vì giá quá cao và lo sợ rủi ro giá rớt mạnh sau đó. Vậy nên, thị trường vàng Nghệ An thời điểm này dường như tê liệt.
Trái với những đợt “sốt vàng” trước đây khi người dân sẽ bán vàng “chốt lời” thì tại thời điểm này, chiều 17/4 ghi nhận một khung cảnh trái ngược vắng lặng và dè chừng. Người dân phần lớn đứng ngoài quan sát. “Mua không dám mua vì sợ đu đỉnh, bán thì bị ép giá quá thấp. Tôi có 2 cây vàng định bán ra nhưng thấy mức chênh cao quá nên thôi, chờ thêm vài ngày xem sao”, anh Nguyễn Văn Tám (phường Quán Bàu, TP Vinh) nói.

Theo ghi nhận, tại một số tiệm vàng trong chiều 17/4, lượng khách đến giao dịch rất thấp. Phần lớn đến chỉ để hỏi giá rồi quay đi. Giao dịch thực tế hầu như không diễn ra. Việc thị trường vàng bị kéo giãn biên độ quá lớn đang gây lo ngại về sự mất ổn định thị trường và tâm lý người dân.