Kinh tế

Ngư dân Nghệ An vào mùa cào dắt biển

Thanh Phúc 18/04/2025 06:38

Hè về, khi nắng lên rát mặt cũng là lúc những người dân ven biển Nghệ An bước vào mùa khai thác dắt biển. Một nghề mưu sinh in hằn bao nỗi nhọc nhằn…

giật lùi
Sáng sớm tinh mơ, nhiều người đã dầm mình dưới nước để cào dắt. Ảnh: T.P

Sáng tinh mơ, khi thuỷ triều rút, nhiều người dân ở các xã ven biển như Quỳnh Bảng, Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu) hay Quỳnh Phương, Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai), cặm cụi kéo xăm trên bãi triều. Vai đeo sọt, tay kéo khung sắt, bước giật lùi từng nhịp chậm chạp để cào dắt.

Cào dắt là công việc chỉ xuất hiện theo mùa, bắt đầu từ cuối tháng 4 âm lịch đến khoảng hết tháng 8. Sáng sớm, khi thủy triều rút loài dắt biển, họ hàng với ngao, sò, tu hài bắt đầu di chuyển kiếm ăn. Con dắt nhỏ bé, vỏ trắng đục, con lớn nhất cũng chỉ bằng móng tay cái người lớn. Ấy vậy mà, với nhiều người dân ven biển, chúng lại là kế sinh nhai trong suốt vài tháng hè bỏng rát.

bna_dat.jpg
Dắt hay còn gọi là hến biển, là loài nhuyễn thể 2 mảnh có kích thước nhỏ. Ảnh: T.P

Để khai thác dắt, người dân phải ra bãi từ khi trời mờ sáng. Dụng cụ cào là một chiếc “xăm” thô sơ: khung sắt hình chữ nhật, dài khoảng nửa mét, phía sau gắn lưới sắt thưa, phía trước nối cán tre dài hơn một mét.

Người cào vừa kéo xăm qua lớp cát ướt, vừa đi giật lùi trong nước biển. Vai gùi sọt, tay nắm chặt cán xăm, lưng lúc nào cũng cúi gập, đôi chân thì miết sâu vào cát để giữ thăng bằng. Mỗi bước đi là một lần dằn mình chịu đựng sóng đánh vào người, là một nhịp thở gấp vì mỏi mệt, lưng đau ê ẩm.

ngâm mình
Dầm mình dưới nước, đi giật lùi nhưng với nhiều người đây là nghề mưu sinh. Ảnh: T.P

Anh Lê Văn Thạch – một người cào dắt lâu năm ở xã Quỳnh Bảng chia sẻ: “Nghề này nhìn đơn giản chứ vất vả lắm. Ra sớm, khi nước rút mạnh nhất, ai nhanh tay thì được nhiều. Cào chừng 2 – 3 tiếng là mệt rã rời, nhưng ngày nào không tranh thủ thì coi như mất thu nhập”.

Với những người già, phụ nữ lớn tuổi cào dắt là một trong số ít lựa chọn để mưu sinh. Không cần vốn, chỉ cần sức khỏe và chịu khó, ai cũng có thể ra bãi triều cào dắt. Nhưng không phải ai cũng trụ được lâu. Có người cào vài hôm đã bỏ vì đau lưng, mỏi gối; có người không biết chọn điểm có nhiều dắt, kéo xăm mãi mà chỉ được vài cân.

thu mua 2
Dắt được thương lái thu mua với giá 4.000-5.000 đồng/kg. Ảnh: T.P

Dù là một nghề mang tính thời vụ, cào dắt vẫn là nguồn thu nhập đáng kể với không ít hộ dân vùng biển. Đặc biệt là với người lớn tuổi, phụ nữ không đi khơi xa được. Mỗi ngày, người cần mẫn có thể thu về 70 – 100 kg dắt tươi, bán được 300 – 500 nghìn đồng. Giá dắt không cao, dao động 4.000 – 5.000 đồng/kg, song đều đặn mỗi ngày có thu nhập cũng là may mắn với nhiều gia đình.

Dắt sau khi gom được thương lái thu mua ngay tại bãi biển, vận chuyển vào các tỉnh miền Nam như Khánh Hòa, Phú Yên – nơi các trại nuôi tôm hùm, cua biển sử dụng dắt làm thức ăn. Một phần khác được hấp chín, tách ruột, làm thực phẩm chế biến. Những cơ sở nhỏ lẻ chuyên làm ruột dắt thuê cũng giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.

bna_nhieu.jpg
Có những người, mỗi ngày cào được cả tạ dắt, có thu nhập từ 300.000-500.000 đồng. Ảnh: T.P

Vỏ dắt sau khi tách ruột cũng không bị bỏ phí. Mỗi năm, khi biển động hoặc gió đổi mùa, dắt đá dạt vào bờ nhiều, tạo thành những lớp vỏ trắng đục phủ kín bãi cát. Người dân tranh thủ thu gom, phơi nắng, rồi bán cho các cơ sở làm vật liệu trang trí, chậu cảnh. Mỗi xe tải vài tạ vỏ cũng có thể bán được tiền triệu.

Nghề cào dắt dẫu vất vả, đòi hỏi phải chịu thương, chịu khó, là lựa chọn cuối cùng khi không còn nghề gì khác để bám víu, nhưng chính đó lại là cần câu cơm của nhiều ngư dân ven biển…

Thanh Phúc