Thị trường

Tỷ giá USD hôm nay 19/4/2025: Thị trường tự do tăng mạnh

Quốc Duẩn 19/04/2025 5:30

Tỷ giá USD hôm nay 19/4/2025: Giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, vượt mốc 26.000 đồng/USD và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.

Mức giá phổ biến ghi nhận tại các điểm thu đổi là 26.285 đồng/USD ở chiều mua vào và 26.385 đồng/USD ở chiều bán ra. So với phiên liền trước, USD tự do tăng lần lượt 165 đồng và 155 đồng ở hai chiều.

Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng thêm 5 đồng, lên mức 24.898 đồng/USD. Với biên độ ±5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần là 26.143 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.653 đồng/USD.

Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng nâng giá mua - bán tham khảo thêm 5 đồng, hiện ở mức 23.704 - 26.092 đồng/USD.

Giá USD tại hệ thống ngân hàng thương mại cũng tiếp tục đi lên. Vietcombank niêm yết giá mua tiền mặt ở mức 25.710 đồng/USD và bán ra 26.100 đồng/USD, tăng 40 đồng.

Tại BIDV, tỷ giá được điều chỉnh lên 25.755 - 26.115 đồng/USD, tăng thêm 50 đồng mỗi chiều. VietinBank cũng tăng giá mua bán thêm 37 đồng, giao dịch ở mức 25.745 - 26.105 đồng/USD.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, xu hướng tăng tiếp diễn. Techcombank nâng giá USD lần lượt 45 đồng và 42 đồng ở hai chiều, lên 25.731 - 26.128 đồng/USD.

Eximbank cũng tăng giá mua thêm 30 đồng và bán ra thêm 50 đồng, giao dịch ở mức 25.710 - 26.120 đồng/USD. Nhìn chung, USD đang duy trì đà tăng mạnh cả ở thị trường tự do lẫn hệ thống ngân hàng.

Tỷ giá USD hôm nay 19/4/2025: Thị trường tự do tăng mạnh

Trên thị trường thế giới, giá USD giảm nhẹ. Chỉ số US Dollar Index (đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) ở mức 99,27 điểm, giảm 0,17% so với phiên liền trước.

Kể từ giữa tháng 1, đồng USD đã mất giá khoảng 9% so với rổ tiền tệ chính, rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm. Đây là một đợt giảm mạnh và hiếm thấy, làm dấy lên lo ngại rằng niềm tin của giới đầu tư vào nước Mỹ đang suy yếu.

Thông thường, tỷ giá có thể dao động do các yếu tố như lạm phát, chính sách lãi suất hay động thái từ ngân hàng trung ương. Nhưng lần này, sự giảm giá đột ngột của đồng USD khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng nguyên nhân sâu xa có thể đến từ sự bất ổn trong chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump và niềm tin đang lung lay vào khả năng điều hành của Mỹ.

Đồng USD từ lâu được xem là đồng tiền “trú ẩn an toàn” và đóng vai trò thống trị trong giao dịch toàn cầu. Điều này giúp Mỹ vay tiền với lãi suất thấp và duy trì ảnh hưởng trên trường quốc tế. Nhưng nếu niềm tin này sụp đổ, “đặc quyền quá mức” ấy – như cách các nhà kinh tế gọi – có thể biến mất rất nhanh.

Sự sụt giá của USD đi kèm với những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. Cả cổ phiếu và trái phiếu Mỹ cùng lúc giảm – một hiện tượng hiếm gặp ở các nước phát triển. Đây là tín hiệu cho thấy thương chiến có thể đang làm xói mòn vị thế an toàn mà đồng USD từng có.

Lẽ ra, đồng USD phải tăng giá khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa nước ngoài. Nhưng lần này, nó lại giảm mạnh, gây bất ngờ cho các nhà kinh tế. So với đầu tháng 4, USD đã mất hơn 5% so với euro và bảng Anh, và 6% so với yen Nhật.

Một số nhà phân tích cho rằng đồng USD đã bị định giá quá cao trong nhiều năm và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Nhưng ngay cả như vậy, việc mất đi “đặc quyền” của USD vẫn là điều đáng lo.

Sức mạnh của đồng USD còn giúp Mỹ duy trì lãi suất vay thấp, kiểm soát lạm phát và gây sức ép với các nước như Venezuela, Iran hay Nga bằng cách cấm họ tiếp cận hệ thống thanh toán toàn cầu.

Giờ đây, điều này đang bị đe dọa. Deutsche Bank cảnh báo về “khủng hoảng niềm tin” vào đồng USD, còn Capital Economics thì nhận định vai trò thống trị của USD đang bị đặt dấu hỏi.

Đối với người dân Mỹ, điều này có nghĩa là hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn, từ rượu vang Pháp cho đến điện tử Hàn Quốc – không chỉ vì thuế mà còn vì đồng USD yếu. Người tiêu dùng cũng có thể phải trả lãi suất cao hơn cho các khoản vay mua nhà, ô tô và thậm chí là nợ công quốc gia.

Quốc Duẩn