NSƯT Quỳnh Thương: Khi múa là sự dấn thân
NSƯT Quỳnh Thương - Phó trưởng Đoàn văn công Quân khu 4 vừa xuất sắc đoạt giải A Giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang. Tác phẩm múa có tựa đề “Mùa trăng khuyết” khắc hoạ người phụ nữ thời hậu chiến. Tác phẩm từng đoạt HCV toàn quân năm 2023.
Nữ nghệ sĩ cho biết, cô đã ấp ủ tác phẩm nhiều năm và từng làm đi làm lại nhiều lần vì tính cầu toàn cho từng phân cảnh, từng lớp diễn. Với cô, mỗi tác phẩm múa lên được sàn diễn là cả quá trình lao động, sáng tạo cực nhọc.
Tác phẩm mang hơi thở đương đại

“Mùa trăng khuyết” được dàn dựng cho tiết mục múa tập thể, các diễn viên nhập vai nhằm lột tả thân phận của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ hậu chiến; những nỗi đau, những góc khuất và cả những hạnh phúc nhỏ bé bình dị được chuyển tải trọn vẹn bằng ngôn ngữ múa.
Nghệ sĩ Quỳnh Thương cho biết: Múa là thể loại tác phẩm nghệ thuật khó để "nói" được một cách rõ ràng điều tác giả muốn bày tỏ, vì trong loại hình này có ngôn ngữ biểu thị riêng, nếu người sáng tạo không tỉ mỉ chi tiết và không đặt nặng tính đại chúng thì sẽ không rõ được nội dung tác phẩm. Cái khó hơn là để tác phẩm đạt được tính nghệ thuật cao, nêu được cái đặc trưng của ngôn ngữ múa, đặc tả được nội tâm nhân vật thì cần nhất là người sáng tạo nội dung tác phẩm múa phải kết hợp được hài hoà giữa ngôn ngữ múa và âm nhạc.
Trong tác phẩm này, những người phụ nữ thời hậu chiến phải chịu nỗi đau mất chồng, nỗi đau mất con, nỗi đau ở lại mãi với họ mỗi khi đêm xuống, mỗi khi bắt gặp cảnh sum vầy, mỗi khi cô đơn cô quạnh cần một bờ vai để nương tựa…Nhưng trên hết, họ luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng, bởi thế, họ luôn cho người đối diện thấy sự nỗ lực, đức chịu thương và năng lượng sống tích cực của mình. “Mùa trăng khuyết” được tác giả lựa chọn để đặt tên cho tác phẩm với ý nghĩa: trăng khuyết là mảnh trăng đang chờ ngày để được tròn đầy toả rạng…

Hơn nữa, trăng khuyết trong tác phẩm không chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho sự chia xa, những mất mát, mà còn là biểu tượng của tình yêu son sắt và niềm tin vào một ngày đoàn tụ.
Mỗi giai đoạn của vở múa phản ánh một cung bậc cảm xúc: từ hạnh phúc, chia ly, nỗi nhớ thương, đến sự kiên cường vượt qua đau thương để tiếp tục sống, hy vọng và cống hiến cho đất nước.
Sự xuất hiện của linh hồn người chồng trong giấc mơ là điểm nhấn đặc biệt của tác phẩm, thể hiện rằng dù chiến tranh có thể lấy đi mạng sống, nhưng không thể dập tắt được tình yêu và sự kết nối thiêng liêng giữa người chồng và vợ của anh nơi hậu phương yêu dấu.
Hình ảnh người chồng trở về trong những giấc mơ cũng chính là hình ảnh đã chở che, an ủi và tiếp thêm sức mạnh cho người vợ hậu phương. Đây là những phân đoạn mà nghệ sĩ Quỳnh Thương cho rằng cô đã dày công nghiên cứu bằng những xúc cảm mãnh liệt nhất.

“Khi tôi đọc những tác phẩm xem nhiều bộ phim và chứng kiến nhiều cuộc đời thật, tôi nhận thấy rằng người phụ nữ Việt Nam rất quả cảm, rất kiên cường, dù đau thương nhưng họ luôn biết cách vượt lên số phận để tiếp tục toả hương cho cuộc đời. Đó cũng chính là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm này”, Thương nói.

Sinh năm 1988, Quỳnh Thương là nữ diễn viên múa từng được đào tạo chuyên ngành từ bé. 13 tuổi, cô đã trúng tuyển chuyên ngành múa tại Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, với mong muốn nối nghiệp mẹ, là NSND Quỳnh Như, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4, và tiếp tục sứ mệnh làm người nghệ sĩ cống hiến những thanh âm đẹp cho cuộc sống như ông bà và mẹ cô đã từng dành trọn cả quãng đời mình.
Cô nói: “Tôi từng ước mơ thành giáo viên, từng muốn làm khác đi mong muốn của gia đình nhưng có lẽ vì năng khiếu vượt trội từ bé, cũng bởi cái nôi gia đình đã khiến tôi không cưỡng lại được nhân duyên với múa. Và với cá tính của một đứa trẻ muốn khẳng định bản thân, khi đến với múa, tôi luôn tự hứa phải học giỏi, phải nỗ lực để có được kỹ năng tốt nhất”.
Những hành trình đáng nhớ

Năm 2027, tốt nghiệp trường múa, gia nhập Đoàn văn công Quân khu 4, Quỳnh Thương nhanh chóng khẳng định được vị thế nhờ kỹ thuật đã được trui rèn 7 năm. Các vị trí solist chính được các biên đạo tin tưởng giao phó cho cô. Từ đó, cô nhanh chóng có được những huy chương đầu tiên, như Giải B tài năng múa Việt Nam, 2 HCV toàn quân cho solist múa...
Quỳnh Thương kể rằng: “ Để làm một diễn viên múa giỏi, ngoài kỹ thuật, kỹ năng, người diễn viên phải có một kiến thức dồi dào về các thể loại nhân vật. Vì vậy, đòi hỏi họ phải nghiên cứu kỹ tác phẩm khi mình sắp sửa được vào vai. Nhân vật đó có bối cảnh lịch sử như thế nào, không gian diễn ra những hoạt cảnh ra sao, và đặc biệt là chiều sâu biểu cảm nhân vật trong những chuyển động. Thế mới chứng tỏ diễn viên được học hành một cách bài bản”.

Sự “có học” của diễn viên múa, theo Quỳnh Thương, ngoài yêu cầu về kỹ năng, kỹ thuật thì khả năng chuyển tải nội tâm, tâm lý của nhân vật được xem là yêu cầu tiên quyết.
Thương kể rằng, khi được giao vai Xúy Vân, cô đã phải ngồi hàng buổi trước gương để tập khuôn mặt ánh mắt biểu cảm cho từng diễn biến tâm lý của nhân vật. Cách giả điên dại thế nào, ánh mắt và cái lắc đầu hất tóc ra sao để cho ra biểu cảm của tuýp nhân vật đã được nhiều diễn viên thể hiện thành công trên các sân khấu truyền thống với các loại hình nghệ thuật khác nhau.
Cũng nhờ sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự tập trung trong việc rèn luyện mà Thương luôn được “đóng đinh” với những tuýp nhân vật đòi hỏi chiều sâu nội tâm.
Thương nói: “Diễn viên múa không phải là một cỗ máy, không phải là công cụ biểu đạt của biên đạo. Bởi, biên đạo truyền tải ý tưởng nội dung thì diễn viên là người chuyên chở những nội dung đó. Thế nên người diễn viên giỏi là người cùng với biên đạo tạo ra những tác phẩm hay. Nếu tác phẩm được dàn dựng hay nhưng diễn viên thể hiện kém duyên thì tác phẩm không đạt…”.

Với mong muốn được gắn bó với múa lâu dài, năm 2011, Quỳnh Thương đề đạt nguyện vọng lên cấp trên để được học biên đạo. Và qua những kỳ thi cam go, Thương được nhận suất học bổng học biên đạo 4 năm ở Trung Quốc. Những năm tháng học bên nước bạn Thương vỡ vạc được nhiều điều, khi học biên đạo, người dàn dựng phải là người thực hiện được những kỹ thuật, những ý tưởng do mình sáng tạo ra.
Thương kể rằng: “Bài học đầu tiên các thầy cô dạy chúng tôi là bài học về cách đứng lên ngồi xuống ở 5 tư thế khác nhau. Lớp học chỉ 23 người nhưng chỉ có một động tác đó thôi mà đã có hơn trăm tư thế khác nhau. Thế mới thấy sức sáng tạo của con người là không giới hạn”.
Cũng từ đó, Thương biết rằng, cũng như diễn viên, để có thể dàn dựng được một tác phẩm múa, người biên đạo phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng về văn học, văn hoá và âm nhạc dựa trên nội dung ý tưởng; tiếp đó mới là kỹ thuật, kỹ năng. Nếu tác phẩm không lột tả được chiều sâu của câu chuyện thì dễ bị trôi tuột, không đọng lại trong lòng công chúng.
Từ ngày tốt nghiệp biên đạo múa, Quỳnh Thương lại tiếp tục về cống hiến cho Đoàn Văn công Quân khu 4. Ở đây, cô luôn được giao nhiệm vụ dàn dựng những tiết mục múa và hát múa của đoàn. Trong dàn dựng, Quỳnh Thương luôn lấy tiêu chí riêng biệt, đặc sắc làm chủ đạo. Nghĩa là đối với cô, nghệ thuật không có chỗ cho sự lười biếng, mỗi tác phẩm là một sự sáng tạo mới mẻ, là một đứa con tinh thần mà mình phải chắt chiu qua bao vất vả cực nhọc mới sinh thành.
Bằng sự lao động nghiêm túc miệt mài và tâm huyết, Quỳnh Thương đã có cho mình nhiều giải thưởng danh giá: 4 HCV, HCB cá nhân trong các liên hoan nghệ thuật toàn quân. Năm 2019, cô được Nhà nước vinh danh NSƯT; năm 2023 giữ chức Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4.
Với nghệ sĩ Quỳnh Thương, mỗi cương vị công tác đều mang lại những trải nghiệm riêng. Để có thể cùng với Ban lãnh đạo đưa đoàn Văn công Quân khu 4 tiếp bước tự hào, còn cần hơn nữa những nỗ lực của những lãnh đạo đoàn. Vì thế, cô không bao giờ cho mình được ngơi tay, luôn đặt cho mình những nấc thang mới để phấn đấu và nỗ lực, vì với cô, múa là sự dấn thân.
Những giải thưởng huy chương của Quỳnh Thương:
- Năm 2009: Huy chương Vàng toàn quốc: múa “ Cho tình yêu”; Giải B tài năng múa trẻ toàn quốc.
- Năm 2011: Huy chương Vàng toàn quốc: múa "Vọng phu sống”.
- Năm 2018: 2 Huy chương Vàng trong hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (Tiết mục múa: 11 cô gái sông Hương; hát múa: Miền Trung tường thành Tổ quốc.
- Năm 2022, giải B giải thưởng Hồ Xuân Hương.
- Năm 2023: Huy chương Vàng toàn quân tiết mục “Mùa trăng khuyết”.
- Bằng khen của Tổng cục Chính trị cho các tác phẩm thể hiện xuất sắc chủ đề “Học tập làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” các năm 2021, 2022, 2023, 2024 (Vượt đêm, Người cộng sản, Biệt động thành, Xé bão).
- Năm 2025: Giải A cho tác phẩm múa “Mùa trăng khuyết” Giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang.