Bi hài chuyện xét nghiệm ADN cho bò
Khi công tác hòa giải không đi đến kết quả, hai bên buộc phải đưa nhau ra tòa để phân xử quyền sở hữu... một con bò. Cơ quan chức năng thậm chí phải tiến hành xét nghiệm ADN để làm căn cứ pháp lý. Câu chuyện tưởng như hy hữu này lại xảy ra ở không ít địa phương, bắt nguồn từ thói quen chăn thả rông trâu, bò – một tập quán lâu đời nhưng đang gây ra không ít hệ lụy.
Xét nghiệm ADN... cho trâu, bò
Tòa án nhân dân huyện Tương Dương vừa giải quyết một vụ tranh chấp bò bằng phương pháp giám định ADN. Theo hồ sơ vụ việc, ông Lô Văn Thương (SN 1963) và bà La Thị Ỏn (SN 1981), cùng trú tại bản Yên Hợp, xã Yên Hòa, đều khẳng định con bò cái 3 năm tuổi, trị giá khoảng 5 triệu đồng là do bò mẹ trong đàn của mình sinh ra. Tuy nhiên, do không có dấu hiệu nhận biết cụ thể, hai bên không thể chứng minh quyền sở hữu bằng cách thông thường.

UBND xã Yên Hòa đã nhiều lần đứng ra tổ chức hòa giải nhưng bất thành, ông Thương đã gửi đơn đề nghị tòa án can thiệp. Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, Tòa án nhân dân huyện Tương Dương đã quyết định tiến hành giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống giữa con bò đang tranh chấp và các mẫu bò mẹ do hai bên cung cấp. Quá trình lấy mẫu được thực hiện công khai, với sự giám sát của Viện kiểm sát nhân dân huyện và các cơ quan chức năng.
Kết quả từ Viện Chăn nuôi Quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy con bò tranh chấp thuộc sở hữu của hộ bà La Thị Ỏn. Ông Moong Công Hải, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương cho biết: Việc giám định ADN đảm bảo sự khách quan, khoa học trong giải quyết vụ án tranh chấp tài sản là trâu, bò. Căn cứ vào kết quả giám định của Viện Chăn nuôi Quốc gia, Tòa án đã ra quyết định giao con bò tranh chấp cho gia đình bà La Thị Ỏn. Đồng thời, ông Lô Văn Thương phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm theo thỏa thuận trước đó. Nguyên đơn cũng đã rút đơn khởi kiện tranh chấp tài sản. Theo thỏa thuận, ông Thương phải chi trả lên tới 7,8 triệu đồng, bao gồm chi phí thẩm định tại chỗ và xét nghiệm ADN, vượt quá cả giá trị con bò bị tranh chấp.
.jpg)
Hay như mới đây, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành giám định ADN để phân xử một vụ tranh chấp quyền sở hữu... con trâu.
Cụ thể, ông Vi Văn Thành bán một con trâu đực cho em trai ruột của ông Hà Văn Danh với giá 17 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Danh cho rằng con trâu này là của mình nên không đồng ý việc mua bán. Sau nhiều lần đề nghị UBND xã Châu Thành can thiệp nhưng không được giải quyết dứt điểm, ông Thành đã khởi kiện ra Tòa án.
Ông Đào Văn Đạt, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp cho biết: Quá trình điều tra, ông Thành cho biết con trâu tranh chấp là do con trâu mẹ trong gia đình ông sinh ra, hiện gia đình vẫn đang nuôi con trâu mẹ này. Từ đó, ông đề nghị Tòa án tiến hành giám định ADN giữa con trâu mẹ và con trâu đang tranh chấp. Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp đã vào cuộc, tổ chức lấy mẫu giám định ADN. Kết quả cho thấy con trâu mẹ theo lời khai của ông Thành thực sự có quan hệ huyết thống với con trâu đang tranh chấp – tức là mẹ con ruột. Dựa trên cơ sở đó, Tòa án xác định ông Vi Văn Thành là chủ sở hữu hợp pháp của con trâu.
Cần thay đổi thói quen chăn thả rông
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp trâu, bò, thậm chí phải xét nghiệm ADN để xác định quyền sở hữu, xuất phát từ thói quen chăn thả rông lâu đời của đồng bào miền núi.
Do điều kiện địa hình rộng rãi, dân cư thưa thớt và tập quán chăn nuôi tự nhiên, nhiều hộ dân thường thả trâu bò vào rừng, nương rẫy trong nhiều ngày mà không có người trông coi hay biện pháp nhận diện cụ thể, vì vậy việc nhầm lẫn giữa các đàn vật nuôi là điều rất dễ xảy ra. Trong nhiều trường hợp, do không có dấu hiệu phân biệt rõ ràng, các hộ dân không thể chứng minh được quyền sở hữu, buộc phải nhờ đến biện pháp xét nghiệm ADN – vừa phức tạp, vừa tốn kém, ảnh hưởng đến tình cảm xóm làng và làm nảy sinh mâu thuẫn không đáng có.
Ông Nguyễn Công Phong - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quế Phong
Thực tế, từ thói quen thả rông trâu, bò, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự đã xảy ra. Như tại huyện Quỳ Châu và Quế Phong, một nhóm đối tượng đã lợi dụng việc chăn thả tự do trong rừng để trộm cắp trâu, bò, rồi bán cho chủ một lò mổ. Trong một thời gian ngắn, nhóm này thực hiện trót lọt 8 vụ, lấy đi 9 con trâu, bò với tổng giá trị hơn 170 triệu đồng.
Hay như tại huyện Con Cuông, chỉ vì mâu thuẫn trong quá trình chăn thả trâu bò, một nhóm đối tượng đã manh động dùng dao chặt phá gần 1.000 gốc keo của hai hộ dân trong vùng. Hành vi trả đũa mang tính hủy hoại tài sản không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn đẩy mâu thuẫn giữa các gia đình lên mức căng thẳng.
Theo ông Đặng Văn Viên - Chủ tịch xã Yên Hòa (huyện Tương Dương), việc thả rông trâu, bò không chỉ gây khó khăn trong quản lý tài sản mà còn phát sinh nhiều hệ lụy. Trâu bò lẫn lộn dễ dẫn đến tranh chấp, mất trộm; nhiều vụ việc phải nhờ đến cơ quan pháp luật giải quyết. “Dù trên địa bàn xã chưa ghi nhận trường hợp cụ thể, nhưng tại nhiều nơi khác, mâu thuẫn nhỏ trong chăn thả cũng có thể leo thang thành hành vi trả đũa, phá hoại tài sản, gây mất an ninh trật tự”, ông Viên cho biết.

Như vậy, để tránh những tranh chấp không đáng có, thậm chí phải xét nghiệm ADN để xác định trâu bò, một việc vừa tốn kém, mất thời gian lại ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, người dân cần thay đổi thói quen chăn nuôi, đặc biệt là từ bỏ thói quen chăn thả rông. Việc để trâu, bò tự do đi lại không chỉ dễ gây nhầm lẫn, thất lạc mà còn có thể phá hoại hoa màu của người khác, phát sinh mâu thuẫn hoặc bị kẻ gian lợi dụng để trộm cắp.
Giải pháp thiết thực là người dân nên chăn nuôi theo hướng có kiểm soát, như nuôi nhốt hoặc chăn thả có rào chắn và người trông coi. Đồng thời, cần chủ động đánh dấu nhận diện vật nuôi bằng những cách đơn giản như đeo thẻ tai, buộc dây vải màu hoặc ký hiệu riêng trên thân trâu, bò. Những biện pháp này vừa dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, vừa giúp dễ dàng nhận biết khi có sự cố, tránh được việc phải xét nghiệm ADN tốn kém. Khi người dân thay đổi tư duy chăn nuôi, chủ động quản lý đàn vật nuôi của mình, sẽ hạn chế được dịch bệnh, ngăn ngừa mất trộm, và giữ được sự hòa thuận trong cộng đồng. Đây là hướng đi bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương, nhất là địa bàn miền núi hiện nay.