Xã hội

Chiến dịch Trị Thiên - Huế, đòn tiến công quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Nguyễn Thị Thảo 21/04/2025 17:06

Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên - Huế là một trong những thắng lợi to lớn nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên - Huế, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trên toàn chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trong quyết tâm tác chiến chiến lược năm 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: Trị Thiên và Khu 5 là hướng chiến lược quan trọng: "Chiến trường Trị Thiên - Huế là chiến trường có nhiều thuận lợi hơn các chiến trường khác vì gần Trung ương, có điều kiện chuẩn bị, bổ sung cơ sở vật chất kịp thời. Nếu ta tiến công mạnh, làm chủ chiến trường Trị Thiên - Huế, phá vỡ hệ thống phòng ngự ở Quân khu 1, giam chân lực lượng cơ động chiến lược của địch, sẽ tạo nên sự chuyển biến mới về so sánh lực lượng và thế chiến lược xuống phía Nam, giải phóng các tỉnh Nam Bộ”.

Sau khi nhận định đánh giá về tình hình, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường Trị Thiên - Huế trong năm 1975 là: “Đánh bại về cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị Thiên - Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho giành thắng lợi trong năm 1976, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế”. Quân ủy Trung ương còn nhấn mạnh: “Trị Thiên - Huế phải tiến hành các chiến dịch tổng hợp cả quân sự và chính trị, bằng lực lượng cả chủ lực của Bộ, của địa phương quân khu, phối hợp chặt chẽ ba thứ quân, ba mũi giáp công...” Căn cứ vào mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Quân khu Trị Thiên tiến hành bổ sung kế hoạch và chuẩn bị chiến trường ở khu vực Đường số 12 và trên các hướng quan trọng, với nhiệm vụ cụ thể: Nắm vững thời cơ, động viên quyết tâm và nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Trị Thiên - Huế phát huy cao độ thế thắng, thế tiến công.

1.jpg
Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế. Ảnh: TTXVN

Quán triệt nhiệm vụ cấp trên, đầu năm 1975, nhằm phối hợp với Tây Nguyên và Khu 5, Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 đã mở chiến dịch tiến công địch trên địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên nhằm: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh phá về cơ bản kế hoạch bình định của chúng ở Trị - Thiên, tích cực tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn.

Để thống nhất lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng địa phương trên chiến trường Trị Thiên - Huế, được sự ủy quyền của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận do đồng chí Lê Tự Đồng - Bí thư Khu ủy làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Trị Thiên - Huế. Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm Quân đoàn 2 có 2 sư đoàn bộ binh 324, 325 (mỗi sư đoàn thiếu 1 trung đoàn), Sư đoàn Phòng không 673, Lữ đoàn Pháo binh 164, Lữ đoàn Xe tăng 203, Lữ đoàn Công binh 219; Quân khu Trị - Thiên có 3 trung đoàn bộ binh (4, 6, 271), 1 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn công binh, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn bộ binh đánh giao thông và 1 tiểu đoàn vận tải cơ giới, cùng các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, đại đội, trung đội địa phương huyện, dân quân, du kích xã[5]. Quyết tâm của ta là tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh của quân ngụy tại Quảng Trị, Thừa Thiên và Thành phố Huế.

2(1).jpg
Xe thiết giáp cùng nhiều khí tài chiến đấu của địch vứt lại bừa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh: TTXVN

Lực lượng địch trên địa bàn Chiến dịch có Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 174, 2 liên đoàn bảo an (913 và 914), 2 liên đoàn biệt động quân (14 và 15), 3 thiết đoàn (7, 17 và 20), 7 tiểu đoàn pháo cao xạ và lực lượng phòng vệ dân sự, tổng số 56.000 tên.

Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 5 đến ngày 26/3/1975), cuộc tiến công và nổi dậy trên địa bàn Trị Thiên - Huế đã giành thắng lợi. Các lực lượng Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên đã tiêu diệt và làm ta rã toàn bộ quân địch ở Trị Thiên - Huế. Ta thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh gồm 140 xe tăng thiết giáp, 800 xe tải, 1 vạn tấn đạn.

3.jpg
Các lực lượng vũ trang giải phóng tiến vào Ngọ Môn (Huế) sáng 26/3/1975. Ảnh: TTXVN

Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên - Huế là một trong những thắng lợi to lớn nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên - Huế, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trên toàn chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân dân Trị Thiên - Huế cùng Quân đoàn 2 đã đập tan một hệ thống quân sự trọng yếu, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một bộ phận bộ máy quân sự to lớn gồm nhiều đơn vị sừng sỏ, có một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược, cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại của địch. Hệ thống ngụy quyền, bộ máy kìm kẹp lâu năm và tàn bạo của chúng đã xây dựng trong 20 năm bị quét sạch, hàng vạn nhân viên ngụy quyền các cấp bị tan rã…

Thắng lợi của Chiến dịch đã giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế và làm sụp đổ một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở phía Bắc. Mở tung cánh cửa án ngữ dày đặc của quân đội, chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng ta tiến về phía Nam giải phóng thành phố Đà Nẵng và các thành phố căn cứ quân sự khác của địch.

4.jpg
Cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ thành phố Huế. Ảnh: TTXVN

Tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn phòng ngự Trị Thiên - Huế là một đòn phủ đầu vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Giáng một đòn mạnh vào tinh thần và sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn, đẩy địch vào thảm trạng suy sụp lớn về tinh thần và tổ chức. Uy hiếp trực tiếp đến tập đoàn phòng ngự của chúng ở Quảng Nam - Đà Nẵng, làm cho thế trận của địch bị co hẹp, thêm rối loạn.

Giải phóng Huế chứng minh sức mạnh tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không những chỉ có khả năng quét sạch những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở chiến trường rừng núi mà còn có khả năng giải phóng cả ở đồng bằng và thành phố. Thắng lợi Trị Thiên - Huế thiết thực góp phần to lớn vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa Xuân lịch sử năm 1975.

Nguyễn Thị Thảo