Chuyển đổi số

Sạc không dây cho smartphone: Nhanh gọn, tiện lợi... nhưng liệu có hoàn hảo?

Phan Văn Hòa 22/04/2025 08:50

Sạc không dây cho smartphone ngày càng phổ biến nhờ sự tiện lợi và thiết kế hiện đại. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những hạn chế ít người biết. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ ưu – nhược điểm trước khi lựa chọn.

Phiên bản sạc không dây hiện đại, thứ mà nhiều người dùng yêu thích vì sự tiện lợi lần đầu tiên được tích hợp trên smartphone vào năm 2012. Từ đó đến nay, công nghệ này đã có thời gian đủ dài để hoàn thiện, nhưng liệu mọi thứ đã thật sự trơn tru? Hay vẫn còn những góc khuất chưa được hé lộ?

Sạc không dây, hay còn gọi là sạc cảm ứng, thực ra không hề mới. Ý tưởng này đã xuất hiện từ những năm 1970 và từng được công ty công nghệ Palm (Mỹ) áp dụng vào năm 2009 trên chiếc smartphone Pre cùng đế sạc cảm ứng Touchstone.

Ảnh minh họa2
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, phải đến năm 2012, tiêu chuẩn Qi – nền tảng của hầu hết thiết bị sạc không dây ngày nay mới chính thức ra mắt, được ứng dụng đầu tiên trên Nokia Lumia 920 và Samsung Galaxy S3.

Nghe qua thì sạc không dây thật tuyệt, chỉ cần đặt điện thoại lên đế là máy tự động nạp năng lượng, không cần dây nhợ lằng nhằng. Nhưng liệu trải nghiệm thực tế có "ngon lành" như quảng cáo? Cùng khám phá sâu hơn để xem công nghệ này có thực sự đáng để bạn đầu tư.

Những ưu điểm mà sạc không dây mang lại là gì?

Một trong những điểm cuốn hút nhất của sạc không dây chính là sự tiện lợi tuyệt đối mà nó mang lại. Không cần loay hoay với dây cáp hay phải dò tìm cổng sạc trong bóng tối, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đặt điện thoại lên đế sạc và... thế là xong.

Đối với những ai thường xuyên cần sạc pin trong ngày hoặc gặp khó khăn về khả năng vận động, đây thực sự là một “cứu cánh” công nghệ. Chỉ việc thả điện thoại xuống và tiếp tục công việc, đơn giản đến mức bạn quên luôn là mình đang sạc.

Không chỉ mang đến trải nghiệm “chạm là sạc”, sạc không dây còn giúp không gian sống và làm việc trở nên gọn gàng, tinh tế hơn. Không còn dây rối, không còn ổ cắm loằng ngoằng chiếm chỗ trên bàn làm việc hay đầu giường.

Ảnh minh họa1
Khi sạc, bạn không cần loay hoay với dây cáp hay phải dò tìm cổng sạc trong bóng tối, chỉ cần nhẹ nhàng đặt điện thoại lên đế sạc. Ảnh: Internet.

Một số đế sạc hiện đại thậm chí còn hỗ trợ sạc cùng lúc nhiều thiết bị như điện thoại, đồng hồ, tai nghe, tất cả chỉ với một thiết bị duy nhất. Điều này không chỉ tiện dụng mà còn giảm thiểu đáng kể số lượng dây dợ bạn cần quản lý mỗi ngày.

Trong thời đại mà mọi người đều hướng đến lối sống “không dây”, sạc không dây nghiễm nhiên trở thành món đồ công nghệ không thể thiếu và thị trường thì đang bùng nổ với đủ loại lựa chọn.

Và còn một lợi ích nữa thường bị bỏ qua đó là sạc không dây có thể kéo dài tuổi thọ cổng sạc của thiết bị. Việc cắm và rút cáp liên tục theo thời gian có thể làm lỏng, gãy hoặc hỏng cổng.

Với sạc không dây, bạn gần như không còn đụng đến cổng vật lý nữa, đồng nghĩa với việc nó sẽ luôn sẵn sàng hoạt động tốt mỗi khi thực sự cần dùng đến.

Dù mang lại nhiều tiện lợi, sạc không dây không phải là giải pháp hoàn hảo

Một trong những nhược điểm khiến nhiều người do dự nhất chính là tốc độ sạc chậm hơn so với sạc có dây truyền thống. Mặc dù công nghệ này đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt với chuẩn Qi2 mới nhưng thực tế cho thấy việc sạc đầy pin qua đế không dây vẫn mất nhiều thời gian hơn.

Một người dùng Reddit từng thử nghiệm sạc chiếc iPhone 13 Pro Max bằng nhiều cách khác nhau. Với một sợi cáp chất lượng, điện thoại được sạc đầy pin trong vòng 2 giờ.

Tuy nhiên, khi chuyển sang sạc không dây chuẩn Qi2, thời gian tăng thêm 1 giờ. Và nếu dùng bộ sạc Qi1 đời cũ thì gần 4 giờ mới đạt 100%. Trong những lúc cần sạc nhanh để kịp rời đi, vài chục phút chờ đợi cũng có thể trở thành điểm trừ lớn.

Một yếu tố nữa cần cân nhắc là hiệu suất. Truyền điện qua không khí không bao giờ hiệu quả bằng truyền trực tiếp qua dây. Một phần năng lượng luôn bị thất thoát, khiến thiết bị nóng hơn và tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Về lâu dài, điều này không tốt cho sức khỏe pin và cũng không thân thiện với hóa đơn điện nhà bạn.

Ngoài ra, sự “tiện lợi” mà sạc không dây mang lại đôi khi lại bị chính đặc điểm của nó hạn chế. Không giống như cáp sạc, nơi bạn có thể vừa sạc vừa sử dụng điện thoại dễ dàng thì sạc không dây buộc thiết bị phải nằm yên trên đế. Nếu nhấc điện thoại lên, quá trình sạc sẽ tạm dừng. Tất nhiên, các giải pháp như sạc từ tính MagSafe có thể giúp khắc phục phần nào điều này, nhưng chỉ khi thiết bị của bạn hỗ trợ.

Chưa kể, không phải tất cả thiết bị đều tương thích với sạc không dây. Dù nhiều smartphone hiện đại đã tích hợp tính năng này, các mẫu máy cũ hoặc thiết bị giá rẻ thì không. Điều đó có nghĩa bạn vẫn phải giữ lại cáp sạc truyền thống cho một số thiết bị trong nhà.

Và cuối cùng là chi phí. Sạc không dây không hề “tặng kèm” với điện thoại. Bạn sẽ cần mua thêm đế sạc và đôi khi là cả bộ chuyển đổi nguồn riêng biệt để đạt hiệu suất tối ưu. Điều này có thể khiến tổng chi phí cao hơn so với tưởng tượng ban đầu.

Tóm lại, sạc không dây giúp mang lại sự gọn gàng, tiện lợi và giúp bảo vệ cổng sạc tốt hơn. Nhưng đi kèm là những đánh đổi về tốc độ, hiệu suất và chi phí.

Nếu bạn là người yêu sự tiện nghi, thường sạc thiết bị qua đêm hoặc không quá vội vàng, thì sạc không dây là lựa chọn đáng cân nhắc.

Còn nếu tốc độ và tính linh hoạt là ưu tiên hàng đầu, thì một sợi cáp sạc chất lượng vẫn là “vị cứu tinh” đáng tin cậy.

Phan Văn Hòa