Nâng cao tính tự giác của ngư dân trong chống khai thác IUU
Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ thẻ vàng EC đang bước vào giai đoạn nước rút quan trọng. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cần tiếp tục nâng nhận thức cho ngư dân.
Nói "không" với việc mượn giấy tờ đi đánh bắt!
Xã Ngọc Bích (Diễn Châu) là một "trọng điểm" về khai thác, đánh bắt vùng biển ven bờ Nghệ An. Riêng địa bàn xã này đã có gần 400 tàu từ dài 12 -24m, chiếm 2/3 đội tàu toàn huyện. Khi Đồn Biên phòng Diễn Thành triển khai đợt ra quân cao điểm, kiên quyết không cho tàu thuyền chưa đầy đủ giấy tờ tại cửa Lạch Vạn đi đánh bắt, đã có hàng trăm tàu đã buộc phải về bờ.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích cho biết: Thời điểm ra quân xử lý, do nắm được chỉ đạo của tỉnh và huyện về kiểm tra giấy tờ tàu cá ra, vào, nên sau khi người dân lên xã có ý kiến phản ánh, UBND xã đã đối thoại, giải thích cụ thể với người dân.

Ông Lê Thế Hiếu - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Diễn Châu cũng xác nhận: Việc lực lượng liên ngành không cho xuất lạch đối với tàu thuyền chưa đầy đủ giấy tờ thủ tục là cần thiết và đúng quy định. Lâu nay, do chưa làm sát nên tình trạng các tàu đánh gần bờ mượn chứng chỉ khá tràn lan, giờ siết chặt thì các tàu thuyền phải có danh sách thuyền viên và chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng đúng người mới được xuất lạch.
Tại xã Ngọc Bích, khoảng 90% tàu cá chủ yếu dài dưới 12m có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng nhưng không đúng người điều khiển. Ông Vũ Văn Sơn - chủ tàu ở xóm Nam Thịnh cho biết, tàu của ông có 3 lao động, trong đó, ông có chứng chỉ thuyền trưởng, người còn lại từng có chứng chỉ máy trưởng nhưng đã nghỉ. Người thay thế dù có bằng cấp tương ứng nhưng vẫn không được xuất lạch vì không trùng tên trên chứng chỉ.

Không chỉ ông Sơn, nhiều chủ tàu khác cũng ở thực trạng tương tự, buộc phải nhượng bộ, phụ thuộc vào thuyền viên. Thêm vào đó, phần lớn lao động đi biển là người lớn tuổi, một số không biết chữ, nên gặp khó khăn khi bị kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm.
Thực trạng đó đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý tàu cá và cần có giải pháp đào tạo, gắn kết lao động hiệu quả hơn. Ông Trần Xuân Nhuệ - Trưởng phòng khai thác, Chi cục Thuỷ sản - Kiểm ngư tỉnh cho biết: Lao động nghề biển vào bờ chỉ nghỉ trăng hoặc thời tiết xấu nên các đợt tập huấn, nâng cao nhận thức cho ngư dân đều chọn vào dịp này. Tuy nhiên, rất ít đợt học học viên đi đúng thành phần mà chủ yếu vợ con các thuyền trưởng, máy trưởng đi thay.

Mới đây, một chủ tàu cá từ phường Nghi Tân (TP. Vinh) khi bị lập biên bản, đã xin đoàn lập biên bản ghi mức tiền để về bờ nộp phạt và cho tiếp tục đánh bắt, vì điều kiện không thể sắm tàu lớn đi khơi được.
Được biết, ngư dân huyện Diễn Châu có nghề đánh bắt ven bờ rất khó chuyển đổi. Một trong những nguyên nhân là do hạ tầng bến, luồng lạch ở huyện Diễn Châu cạn chưa đáp ứng với các tàu lớn.

Mặt khác, hiện nay, do nguồn lợi thủy sản suy giảm và nhận thức hạn chế nên ngư dân vẫn bất chấp, lạm dụng kích điện hoặc dùng mắt lưới quá nhỏ để khai thác. Một chủ tàu cá ở xã Thuận Long (Quỳnh Lưu) cho hay: Mặc dù khai thác bằng mìn đã giảm, nhưng các tàu loại 4 sào lại dùng điện 3 pha, công suất từ 220V đến 380V để kích xuống đáy và dùng mắt lưới nhỏ kéo giã cào khiến thủy sản từ nhỏ đến lớn khó thoát; nguồn lợi thủy sản đã giảm lại càng cạn kiệt hơn.
Bổ sung chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề
Trong bối cảnh trên, việc lực lượng Biên phòng ra quân quyết liệt là cần thiết. Đại diện Hội Nghề cá xã Thuận Long nêu ý kiến: Hội ủng hộ lực lượng Biên phòng phải làm nghiêm và đồng bộ hơn nữa.
Thực tế tại huyện Diễn Châu cho thấy, chỉ sau 1 tuần làm nghiêm, nhiều hộ ngư dân đã thay đổi về nhận thức. Vào chiều 14/4, tại UBND xã Ngọc Bích hàng chục hộ dân đã đến UBND xã đăng ký để học chứng chỉ thuyền trưởng và máy trưởng. Cùng lúc, tại Cảng Lạch Vạn trên địa bàn xã Ngọc Bích, hàng chục chủ tàu sau khi bổ sung đầy đủ giấy tờ thuyền viên và nhật ký đã đến cảng để làm thủ tục xuất lạch.

Đại diện UBND xã Ngọc Bích cũng cho hay: So với trước, huyện và tỉnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân. Ví dụ, sau khi hỗ trợ sắm thiết bị VMS, tỉnh chấp thuận cho tàu vi phạm nộp chậm tiền phạt thành nhiều đợt. UBND xã sẵn sàng tạo điều kiện xác nhận, cập nhật danh sách thuyền viên cho ngư dân có nhu cầu. Theo quy định 1 tuần mới có chứng nhận nhưng địa phương đề xuất cấp biên nhận tạm thời để lực lượng Biên phòng cho bà con xuất lạch.

Tại huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai, nhận thức của các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ đã có chuyển biến. Hiện 99% tàu đã lắp đặt thiết bị VMS, có tàu xa bờ còn lắp 2 thiết bị VMS đề phòng khi sự cố thì có thiết bị khác thay thế đảm bảo tín hiệu để đánh bắt. Các chủ tàu khi xuất lạch hoặc về bờ đều làm đầy đủ giấy tờ thủ tục.
Tuy vậy, từ thực tiễn xác minh xử lý các tàu cá mất tín hiệu VMS cho thấy việc xác định nguyên nhân là khá nan giải. Tại các cuộc làm việc với Trung ương, Nghệ An đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành làm việc với các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ VMS để có biện pháp xử lý.

Mới đây 1 chủ tàu cá có chiều dài trên 24m ở xã Thuận Long (Quỳnh Lưu) đánh bắt dài ngày bị sự cố mất tín hiệu VMS trên 6 tiếng khiến sau khi về bờ, Đồn Biên phòng không cho tàu ra khơi nên đã làm đơn khiếu nại đến nhà cung cấp thiết bị. Qua kiểm tra, VNPT xác định nguyên nhân mất tín hiệu khách quan nên lực lượng Biên phòng mới cho tàu xuất lạch.
Ông Vũ Ngọc Chắt - Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Nghề cá Thuận Long cho biết: Thời gian qua, các cơ quan xử phạt nghiêm các tàu cá mất tín hiệu dài ngày là đúng nhưng cũng cần khách quan kiểm tra, kiểm định chất lượng thiết bị và tín hiệu VMS để xử phạt nhà cung cấp và không tàu cá nào bị phạt oan hoặc chậm chuyến biển.
Từ thực tế địa phương, Hội Nghề cá Diễn Châu và Hội Nghề cá TX. Hoàng Mai kiến nghị cần tiếp tục tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU; đồng thời, sửa đổi Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND theo hướng bổ sung hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, như vay ưu đãi đi xuất khẩu lao động và hỗ trợ chi phí đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Cùng đó là siết chặt quản lý, vừa có chính sách hỗ trợ, đồng thời bắt buộc thuyền viên phải có chứng chỉ đúng vị trí để nâng cao ý thức và tính chuyên nghiệp trong lao động nghề cá.