Xã hội

Đại thắng mùa Xuân 1975: Giá trị lịch sử, thời đại của văn hóa giữ nước

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần 23/04/2025 06:30

Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng vô cùng gian khổ, hy sinh kéo dài 30 năm liên tục (1945-1975), đánh thắng hoàn toàn “hai đế quốc to” thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

…Năm tháng trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc…”(1).
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng vô cùng gian khổ, hy sinh kéo dài 30 năm liên tục (1945-1975), đánh thắng hoàn toàn “hai đế quốc to” thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

346592_27-2-tranh1.jpg

Trong cuộc trường chinh đó, những thắng lợi to lớn trên các chiến trường Nam – Bắc đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973), rút quân về nước. Nhân dân ta đã hoàn thành lời dặn của Bác “đánh cho Mỹ cút” để huy động tổng lực sức mạnh của dân tộc “đánh cho Ngụy nhào”.
Sự nghiệp “đánh cho Ngụy nhào” để “Nam-Bắc sum họp”(2) với những quyết định sáng suốt, sáng tạo của Đảng ta đã được lưu dấu trong các hội nghị lịch sử của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong các năm 1973, 1974, 1975.
Đầu tiên phải kể đến là Hội nghị lần thứ 21 (7/1973) bàn về phương hướng, nhiệm vụ cách mạng miền Nam và Hội nghị lần thứ 22 (12/1973) bàn về khôi phục phát triển kinh tế miền Bắc, chi viện miền Nam. Từ những hội nghị này, Bộ Chính trị đã thành lập “Tổ trung tâm” xây dựng Kế hoạch giải phóng miền Nam trực thuộc Quân ủy Trung ương. Từ ngày 30/9/1974 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị họp mở rộng có sự tham gia của các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu QĐND. Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị khẳng định:… “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi tròn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ, đồng thời, giúp nhân dân Lào, Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này không có thời cơ khác…”(3).
Từ tư tưởng chỉ đạo đó, mùa Xuân 1975 là mùa Xuân cả nước ra trận. Miền Bắc “mỗi người làm việc bằng hai”, “nghiêng bồ thổ thúng” cho chiến trường ăn no, đánh lớn, “thóc thừa cân, quân thừa người”, chỉ riêng đợt tuyển quân cuối năm 1974 đã bằng quân số tuyển của các năm 1971, 1972, 1973 cộng lại.

“Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”.
“Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. Ảnh tư liệu

Đều khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến Cà Mau, mùa Xuân 1975 đã trở thành “mùa Xuân ra trận”. Ngày 13/12/1974, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đường 14 Phước Long. Đây là một chiến dịch lớn, quy mô tác chiến binh chủng hợp thành cấp Quân đoàn. Mục tiêu chiến dịch là giải phóng tỉnh Phước Long nối thông đường Hồ Chí Minh đến tận Bù Gia Mập, áp sát vùng giải phóng vào tận sào huyệt Sài Gòn là “phép thử chiến lược” để khẳng định nhận định: Mỹ không thể trở lại chiến trường miền Nam khi quân ta tổng tiến công và nổi dậy.
Những cuộc tiến công đồng loạt của quân ta đã đẩy ngụy quyền Sài Gòn vào thế bị động chiến lược. Nắm bắt thời cơ, từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp (đợt 2) có sự tham dự của các lãnh đạo chủ chốt các chiến trường Nam Bộ, Khu V, Khu IV, Bộ Tổng tham mưu. 3 vấn đề lớn đã được trao đổi kỹ làm sáng tỏ: 1. So sánh lực lượng ta và địch; 2. Những yêu cầu phải đạt được trong 2 năm (1975-1976); 3. Nhiệm vụ cụ thể trên các chiến trường.

Hội nghị được cập nhật hàng ngày những chiến thắng trên các chiến trường, chiến công giải phóng hoàn toàn thị xã Phước Long, thu hơn 15.000 tấn đạn, pháo các loại, mở ra hướng đi mới “dùng vũ khí địch đánh địch”.

Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Hội nghị đã đưa ra những nhận định có ý nghĩa quan trọng: 1. Ta đã giành chủ động chiến trường; 2. Ta đã củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược từ Bắc vào Nam; 3. Ta đã xây dựng thành công các binh đoàn chủ lực cơ động ở vùng rừng núi, tập kết được nguồn dự trữ chiến lược trên các địa bàn quan trọng; 4. Ta đã cải thiện được tình hình nông thôn, đồng bằng, sẵn sàng cho phong trào nổi dậy của quần chúng; 5. Phong trào đấu tranh chính trị dưới khẩu hiệu hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc đang lên cao; 6. Nhân dân tiến bộ trên thế giới đang ủng hộ mạnh mẽ; 7. Tình hình ngụy quân, ngụy quyền khi Mỹ rút, Mỹ không thể trở lại khó bề đứng vững.

Hội nghị đã kết luận: “Chúng ta phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Đó là một khả năng hiện thực”(4). Tại hội nghị này, Bản Dự thảo kế hoạch giải phóng miền Nam (soạn thảo bổ sung lần thứ 8) của Bộ Tổng tham mưu đã được thông qua và bổ sung thêm phương án: Khi thời cơ đến, giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Chiến thắng Phước Long là cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị đi đến kết luận nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lúc này: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp, liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành CMDT, DCND ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc đưa cả nước tiến lên CNXH, tiến tới tổng tấn công và nổi dậy, thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất của chúng tại Sài Gòn để kết thúc chiến tranh… Đánh trận cuối cùng này, trước hết là nhiệm vụ của lực lượng quân sự, chính trị trên chiến trường Nam Bộ, trong đó có lực lượng Sài Gòn – Gia Định, đồng thời là nhiệm vụ của quân và dân cả nước, trong đó khối chủ lực Miền và các Binh đoàn chủ lực từ các chiến trường khác đóng vai trò quyết định(6).
Ngày 9/1/1975, Quân ủy Trung ương họp mở rộng triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên khai hỏa. Thắng lợi của chiến dịch này với đòn điểm huyệt Buôn Mê Thuật đã tạo sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng, địch rơi vào thế bị động, suy sụp và tan rã về mặt chiến lược dẫn đến co cụm, đối phó trên các chiến trường.

tay nguyen 1
Bộ đội ta truy kích địch trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975. Ảnh tư liệu

Phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 5 - 29/3, quân ta mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng khiến quân địch chịu tổn thất nặng nề cả về quân số và vật chất, giảm sút nghiêm trọng tinh thần. Phía ta, càng đánh càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, thu thêm nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị của địch, sức mạnh chiến đấu của các binh đoàn tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là các lực lượng địa phương đã tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực nhanh chóng làm chủ chiến trường.
Trong bối cảnh đó, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, đưa ra nhận định: “Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị của ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong… Thời cơ mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ đánh giá đó, Bộ Chính trị quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tấn công và nổi dậy, kết thúc chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay…”(6).
Thực hiện quyết tâm đó, ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi bức điện lịch sử đến các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”(7).

thư Đại tướng
Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi quân và dân miền Nam ngày 7 tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu


Bức điện đã trở thành lời hịch động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên các chiến trường hăng hái thi đua lập công. Các quân binh đoàn, binh chủng hợp thành cùng nhiều đơn vị công binh, phòng không, pháo binh, xe tăng, đặc công… ào ạt tiến về các chiến trường trọng điểm với hào khí xung thiên, vừa đi, vừa đánh giặc, vừa mở đường, vừa đánh giặc.
Ngày 6/4/1975, Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được thành lập. Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy, đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh. (Ngày 22/4 bổ sung thêm Thượng tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa Phó - Chính ủy).
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định sẽ tiến công địch trên 5 hướng. Thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa. Bộ Chính trị nêu rõ: “… Ta có đầy đủ điều kiện và khả năng để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất…”(8).
Cùng ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và LLVTND trên các chiến trường, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Tư lệnh chiến dịch đặt tên cho chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tin vui chiến dịch được mang tên Bác kính yêu đến với toàn quân, toàn dân đã tạo nên sức mạnh mới, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần táo bạo, thần tốc của quân-dân ta.
17h ngày 26/4/1975, tiếng súng mở màn chiến dịch mang tên Bác bắt đầu. Từ 5 hướng Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam Sài Gòn, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu từng bước đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28/4/1975, các tuyến phòng ngự của địch không còn nhận được lệnh, chỉ đạo từ Tổng hành dinh và cuộc tùy nghi di tản, tùy nghi tháo chạy bắt đầu.
Đêm 28/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời, chỉ thị cho Quân khu 8, Quân khu 9 phối hợp tiến công giải phóng Nam Bộ. 5h sáng 29/4/1975, các cánh quân của ta đã đánh vào các điểm phòng ngự của địch ở nội đô. Các đơn vị hừng hực khí thế tiến công quyết đánh chiếm các mục tiêu được giao.

toàn thắn
Nhân dân Sài Gón vui mừng đón Quân giải phóng trong ngày toàn thắng 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Sau 3 ngày đêm chiến đấu liên tục, táo bạo, thần tốc quân ta đã đập tan các tuyến phòng ngự vòng ngoài, vòng trong của ngụy quân, làm tan rã phần lớn các đơn vị chủ lực thiện chiến của địch, như các Sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7. Sáng 30/4/1975, từ khắp các hướng quân ta ào ạt tiến vào Sài gòn. Câu khẩu hiệu “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” được viết trên vành mũ, xe tăng, xe chở quân. Quân ta nhanh chóng chiếm trụ sở Bộ Tư lệnh Không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù ngụy, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10h45' ta tiến đánh vào Dinh Độc Lập bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố: Đầu hàng không điều kiện. 11h30' cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cả dân tộc vang khúc hoàn ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


***
Đánh giá về đại thắng mùa Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, 3 cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975 - đại thắng mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân ta đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng không thể làm nổi trong thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế chậm phát triển đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa lớn chủ yếu bằng sức mạnh của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới"(9).
Khái niệm “sức mạnh của chính mình” mà Đại tướng đã nêu chính là văn hóa giữ nước của con người, dân tộc Việt Nam. Đó cũng là điều mà phải sau hơn 10 năm các chiến lược gia của Hoa Kỳ, mới lý giải thích được vì sao một quốc gia giàu mạnh như Hoa Kỳ lại bại trận trước một dân tộc nhỏ, bé, kém phát triển như Việt Nam.

------------
Nguồn:

(1) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV-NXB CTQG – H- 1976. Tr58.
(2) Lời thơ chúc Tết của Bác Hồ Xuân 1968
(3) Văn kiện ĐCSVN.NXB CTQG – H.2005- tr19
(4) Sđd tr25
(5) Sđd tr28
(6) Sđd tr31
(7) Chiến dịch Hồ Chí Minh. NXB QĐND 1999 tr 148
(8) Sđd tr150
(9) Sđd tr175

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần