Kinh tế

Keo non bị khai thác ồ ạt, nhà máy chế biến 'đói' nguyên liệu

Văn Trường 23/04/2025 07:03

Giá keo nguyên liệu liên tục tăng cao, đạt trên 1,2 triệu đồng/tấn, nên nhiều nông dân ở Nghệ An khai thác ồ ạt keo non. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế lâu dài mà còn khiến các nhà máy chế biến gỗ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

van truong 45
Nông dân ồ ạt khai thác keo non ở huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường

Ồ ạt khai thác keo non

Tại huyện Con Cuông, dọc các tuyến đường, thời điểm này người dân đang tất bật khai thác keo. Nhiều đồi keo chỉ mới trồng được hơn 3 năm, cây còn nhỏ nhưng vẫn bị chặt bán.

Ông Vi Văn Nam - một hộ dân ở xã Thạch Ngàn cho biết, gia đình ông có hơn 2,5 ha keo, dù mới được 3 tuổi nhưng thấy giá cao nên quyết định khai thác sớm để có vốn xoay vòng trồng mới và phục vụ sinh hoạt.

Ông Lô Thanh Huấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết: Toàn xã có khoảng 3.800 ha keo, mỗi năm khai thác khoảng 300 ha. Tuy nhiên, năm nay, do giá tăng đột biến, diện tích keo bị khai thác sớm tăng lên nhanh chóng. Nguồn cung khan hiếm từ các vùng khác, trong khi các nhà máy chế biến gỗ đẩy giá mua nguyên liệu, khiến tình trạng chặt keo non diễn ra ồ ạt .

bna_van-truong-muer-7cb4acf98623c983f5dd4ad35bed7f73(1).jpg
Keo nguyên liệu hơn 3 năm tuổi đã được khai thác để bán băm dăm. Ảnh: Văn Trường

Ông Lương Thanh Hải -Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Con Cuông cho biết: Toàn huyện có hơn 12.000 ha rừng nguyên liệu, mỗi năm thu hoạch trên 3.000 ha. Nhưng thời gian gần đây, việc nhiều hộ dân chặt bán keo non đã làm giảm chất lượng và giá trị kinh tế rừng trồng. Để khắc phục tình trạng này, huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp chế biến gỗ ký kết hợp đồng bao tiêu lâu dài, tạo niềm tin cho người dân yên tâm trồng và khai thác rừng đúng chu kỳ.

Không chỉ tại huyện Con Cuông, tình trạng khai thác keo non cũng đang diễn ra phổ biến ở huyện Quỳ Châu. Nhiều xe công nông tấp nập ra, vào các khu rừng, vận chuyển keo từ những đồi cây còn non, chưa đến tuổi thu hoạch nhưng đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 23.000 ha rừng keo, mỗi năm khai thác khoảng 3.000 ha.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Nếu việc khai thác sớm này tiếp tục kéo dài, hiệu quả kinh tế từ rừng trồng sẽ suy giảm rõ rệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Lâm nghiệp địa phương.

van truong m456
Khắp nơi trên địa bàn Nghệ An khai thác keo non. Ảnh: Văn Trường

Trong hơn 1 năm trở lại đây, do nhu cầu dăm gỗ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu tăng mạnh, các nhà máy chế biến viên nén sinh khối và gỗ ghép thanh trên địa bàn hoạt động ổn định, góp phần đẩy giá keo tăng cao. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tranh thủ khai thác keo khi cây chưa đủ tuổi, dẫn đến tình trạng khai thác keo non diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Nhà máy thiếu nguyên liệu nghiêm trọng

Tình trạng người dân ồ ạt khai thác keo non tại nhiều địa phương ở Nghệ An đã và đang gây ra hệ lụy trước mắt là hàng loạt nhà máy chế biến gỗ, đặc biệt là gỗ ghép thanh rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ sản xuất và khả năng hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.

van truong m3355
Hầu hết keo non khai thác xong bán cho các xưởng băm dăm. Ảnh: Văn Trường

Một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề là Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm đặt tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Ông Nguyễn Thế Mai - Giám đốc Công ty cho biết: Đây là một trong những nhà máy chế biến gỗ và sản xuất ván sợi công nghệ MDF hiện đại bậc nhất khu vực miền Trung, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 300 triệu USD. Mỗi năm, dây chuyền sản xuất của công ty cần tới 250.000m³ gỗ nguyên liệu để vận hành ổn định. Tuy nhiên, hiện tại công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến nghiêm trọng do lượng keo được thu hoạch từ rừng trồng chủ yếu là keo non, chưa đủ kích cỡ và sinh khối để sản xuất gỗ thanh đạt chuẩn.

Thiếu nguyên liệu gỗ lớn, công ty phải thu mua gỗ nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, làm tăng chi phí vận hành và mất chủ động trong kế hoạch sản xuất. Tình trạng này còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng gỗ, khiến nhiều đơn hàng xuất khẩu không thể hoàn thành đúng tiến độ cam kết với đối tác nước ngoài.

bna_van-truong-2-1-3013bb4ab7aa85b3d446aafeed3c4793.jpg
Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm hiện đang thiếu gỗ keo sản xuất gỗ ghép thanh. Ảnh: Văn Trường

Không riêng gì Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu - một đơn vị có tiếng trong ngành chế biến gỗ ghép thanh cũng đang đứng trước thách thức lớn về nguồn cung. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: Mỗi tháng đơn vị sản xuất và tiêu thụ hơn 150m³ gỗ ghép thanh, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt gỗ lớn đang khiến công ty khó duy trì ổn định năng suất. Dù công ty đang quản lý hơn 1.700 ha rừng trồng gỗ lớn và khai thác khoảng 200 ha mỗi năm, nhưng sản lượng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 548.423 ha rừng sản xuất, trong đó, có 204.000 ha rừng trồng và chỉ có khoảng 32.000 ha rừng gỗ lớn. Con số này là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến gỗ ngày càng phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa chủ rừng và doanh nghiệp, cũng như nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích lâu dài của việc phát triển rừng gỗ lớn.

bna_van-truong-1-063004f4b00e45e11fdde43ecb122369(2).jpg
Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm sản xuất cầm chừng do thiếu gỗ keo. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: Trước thực trạng này, các ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc phát triển rừng gỗ lớn và thực hiện quản lý rừng bền vững. Việc hạn chế khai thác rừng non, khuyến khích liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất lâm nghiệp sẽ giúp tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến gỗ cũng cần chủ động phối hợp với chủ rừng trong việc trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn, hướng tới đạt được các chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là định hướng chiến lược lâu dài nhằm phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững và hiệu quả.

Văn Trường